Cắt, giảm chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với lao động hợp đồng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: “Chưa đảm bảo quy định”

HÀN GIANG 19/02/2021 05:57

Sở Nội vụ khẳng định, việc các cơ quan, đơn vị tự ý cắt các chế độ, chính sách phụ cấp, trợ cấp của lao động hợp đồng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại Nghị định số 76 ngày 8.10.2019 của Chính phủ khi thực hiện Nghị định số 161 ngày 29.11.2018 là chưa đảm bảo quy định.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức - nơi có 15 lao động hợp đồng bị cắt giảm chế độ, chính sách. Ảnh: N.Đ
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức - nơi có 15 lao động hợp đồng bị cắt giảm chế độ, chính sách. Ảnh: N.Đ

Giảm thu nhập, không được nâng lương

Đơn kiến nghị của 15 nhân viên đang công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức vừa gửi đến Báo Quảng Nam phản ánh:

“Trước đây, chúng tôi được hợp đồng làm việc theo Nghị định số 68 ngày 17.11.2000 của Chính phủ. Theo loại hợp đồng này, chúng tôi được hưởng các phụ cấp theo Nghị định số 76 ngày 8.10.2019 của Chính phủ (Nghị định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) và được nâng lương 2 năm một bậc (mỗi bậc lên 0,18).

Đến ngày 1.7.2020, chúng tôi được Phòng GD-ĐT huyện Hiệp Đức chuyển sang hợp đồng theo Nghị định số 161 ngày 29.11.2018 của Chính phủ và bị cắt các khoản phụ cấp theo Nghị định số 76 (phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm…) nên thu nhập đã bị giảm đi. Cụ thể, người bị giảm thấp nhất 17,2% và người bị giảm cao nhất 31,3% thu nhập so với tháng trước đó. Đồng thời chúng tôi hợp đồng bằng một mức tiền duy nhất và không được nâng lương”.

Theo các nhân viên của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức, họ bị thiệt thòi quá lớn, bởi Điều 2 Nghị định số 76 có nêu cụ thể đối tượng áp dụng gồm: người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định 68 và Nghị định 161. Như vậy, họ là đối tượng hợp đồng theo Nghị định 161 hiện công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên vẫn được hưởng các khoản phụ cấp theo Nghị định số 76.

Tuy nhiên, trong hợp đồng mới không có các khoản này làm cho thu nhập của họ bị giảm nhiều so với trước, dù công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Và theo hợp đồng cũ thì đến tháng 9.2020, có 12 người được nâng bậc lương, thế nhưng tháng 7.2020 lại chuyển sang hợp đồng theo Nghị định 161, không có lộ trình nâng lương và được cho hưởng một mức lương duy nhất là quá vô lý.

Ông Trần Văn Bình - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức cho biết, trong 15 nhân viên, có  4 người công tác 5 - 9 năm, 7 người công tác 12 - 15 năm và 3 người công tác 16 - 17 năm.

“Qua thời gian phấn đấu, cống hiến, những trường hợp này lên được mức lương tương đối để ổn định cuộc sống, nay lại thay đổi hợp đồng và phải bắt đầu lại từ đầu thì quá oan uổng. Hơn 7 tháng trôi qua, số tiền bị giảm thu nhập là hơn 128 triệu đồng, một khoản tiền quá lớn đối với những nhân viên có mức thu nhập từ 2,7 - 3,8 triệu đồng/người/tháng. Đời sống gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Bình bày tỏ.

Chưa đảm bảo quy định

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, việc thực hiện chuyển từ hợp đồng theo Nghị định 68 sang Nghị định 161 vẫn còn một số “lấn cấn” ở các địa phương. Hướng dẫn của Bộ Nội vụ chỉ quy định mức lương ký kết hợp đồng trên cơ sở công việc thực tế mà người sử dụng lao động ký kết để trả lương; với nguyên tắc là không được thấp hơn mức lương hiện hưởng và mức lương tối thiểu vùng. “Mức lương hiện hưởng” theo giải thích của Bộ Nội vụ là mức lương “cứng” theo ngạch, bậc, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp nên lương của người lao động sẽ thấp hơn. Vấn đề này đã được sở kiến nghị và Bộ Nội vụ cho biết đang trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể về quản lý, thực hiện chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng. “Về thông tin phản ánh từ 15 nhân viên của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức, sở sẽ giao phòng chuyên môn làm việc với UBND huyện Hiệp Đức để kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện Nghị định 161 ở các đơn vị trực thuộc. Theo đó, nội dung nào chưa đảm bảo, còn vướng mắc thì kịp thời xin ý kiến của cơ quan cấp trên để giải quyết” - bà Hoa nói.

Theo tìm hiểu, việc cá nhân, tổ chức ký hợp đồng để làm những công việc quy định tại Điều 1 Nghị định 68 và quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định 161 được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về dân sự, pháp luật về thương mại là đúng với chủ trương của Đảng và quy định của Chính phủ đối với lao động hợp đồng. Việc trả lương cho hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, nhưng không được thấp hơn mức lương hiện hưởng và mức lương tối thiểu vùng.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Trần Trung Kiên - Phó Trưởng phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ khẳng định, việc trả lương phải đảm bảo nguyên tắc không thấp hơn mức lương hiện hưởng và mức lương tối thiểu vùng. Mức lương hiện hưởng được hiểu là mức lương theo ngạch, bậc. Lương giảm do giảm phụ cấp thu hút theo Nghị định 76. Hiện, Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể áp dụng chung về chế độ chính sách cho đối tượng này, các địa phương cũng gặp lúng túng trong xây dựng thang lương, bảng lương. Có địa phương khi chuyển sang thực hiện hợp đồng theo Nghị định 161 thì một số đối tượng lương tăng lên, cũng có một số đối tượng lương giảm xuống.

Cũng theo ông Trần Trung Kiên, tại mục 3 Công văn số 2357 ngày 18.11.2020 của Sở Nội vụ có hướng dẫn cụ thể: Đối tượng áp dụng chính sách ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 2 Nghị định số 76 ngày 8.10.2019. Như vậy, việc các cơ quan, đơn vị tự ý cắt chế độ, chính sách phụ cấp, trợ cấp của lao động hợp đồng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chưa đảm bảo quy định.

“Một số địa phương, đơn vị miền núi thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã tự ý cắt chế độ, chính sách phụ cấp, trợ cấp của người lao động chứ chưa có chủ trương chung của tỉnh. Cho nên dẫn đến trường hợp có đơn kiến nghị của 15 nhân viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức” - ông Kiên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cắt, giảm chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với lao động hợp đồng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: “Chưa đảm bảo quy định”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO