“Chạm tay” du lịch xanh

QUỐC TUẤN 03/01/2021 06:21

Nhìn ở khía cạnh tích cực, dịch Covid-19 cũng là động lực thôi thúc ngành du lịch địa phương sớm chuyển mình theo hướng bền vững. Với một số mô hình manh nha khởi sắc trong cộng đồng doanh nghiệp vài năm qua, Quảng Nam đã sẵn sàng hướng tới một chiến lược dài hơi hơn, bài bản hơn về du lịch xanh. 

Các sản phẩm thân thiện với môi trường được nhiều đơn vị ở Hội An tái chế từ rác thải. Ảnh: Q.T
Các sản phẩm thân thiện với môi trường được nhiều đơn vị ở Hội An tái chế từ rác thải. Ảnh: Q.T

Lan tỏa bước đầu

Du lịch xanh không phải là một khái niệm quá mới mẻ. Những thứ thường dễ dàng bị thải bỏ nhưng qua sự sáng tạo và lòng tử tế hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm có ích cho con người và chính ngành du lịch. Công ty TNHH Emic Hospitality có thể xem là một trong những “cánh chim” tiên phong ở TP.Hội An đưa sản phẩm du lịch xanh vào khai thác và định vị được thương hiệu trong hơn 5 năm qua. Dịch vụ tham quan vòng tuần hoàn rác thải, thưởng thức ẩm thực thân thiện với môi trường tưởng như phi thực tế nhưng đã được Emic Hospitality thiết kế tiếp cận và du khách yêu thích.

Dần dà, hiệu ứng về du lịch có trách nhiệm đã lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp du lịch địa phương. Kết quả tích cực ban đầu là việc hàng loạt cơ sở hưởng ứng dùng vật liệu thay thế thân thiện với môi trường như The Deck House, Hội An Royal, Almanity, Chuchu café, Mango café, quán chay Đạm… Chỉ trong thời gian ngắn hướng tới du lịch xanh, Silk Sense Hội An River Resort đã tiết giảm được 20 nghìn chai nước nhựa, hay La Siesta Hội An Resort and Spa đã giảm được 17kg rác thải nhựa mỗi ngày.

Bà Vũ Mỹ Hạnh - chủ trang trại An Nhiên, người từng có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn du lịch xanh cho UNESCO chia sẻ: “Sự trợ lực tuyệt vời cho Quảng Nam và nhất là Hội An hướng đến du lịch xanh chính ở sự đồng hành của các doanh nghiệp xã hội và tổ chức phi chính phủ. Rất nhiều trong số họ có cảm tình với vùng đất này và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các giải pháp thân thiện để ngành du lịch địa phương chuyển mình”.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, du lịch xanh là một giải pháp tối ưu hiện nay, tuy nhiên điểm đến xanh không đơn giản chỉ là không rác thải mà còn bao hàm sản phẩm xanh, lối sống xanh. Nên điều tiên quyết là phải tạo khung hành động bài bản. “Ở Hội An đã có rất nhiều đơn vị tiếp cận các sản phẩm du lịch có trách nhiệm, tuy nhiên chủ yếu hoạt động đơn lẻ mà chưa có mối liên kết cụ thể nên rất cần thiết phải thành lập mạng lưới kết nối du lịch không rác thải trên địa bàn thành phố” - ông Phan Xuân Thanh nói.

Thí điểm và nhân rộng

Hội An với nền tảng sẵn có là địa điểm lý tưởng để thực hiện thí điểm mô hình điểm đến xanh trước khi nhân rộng. Vừa qua, UBND TP.Hội An và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã phối hợp lấy ý kiến về “khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải, hướng tới Hội An - điểm đến xanh giai đoạn 2021 - 2023”. Dù mới ở giai đoạn lấy ý kiến, nhưng vẫn có gần 40 đơn vị đã ký cam kết tự nguyện hành động cho mục tiêu Hội An là điểm đến xanh.

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, sở sẽ xây dựng kế hoạch cho 5 năm 2021 - 2025 về xây dựng thương hiệu du lịch xanh ở Quảng Nam, trong đó Hội An sẽ là trọng điểm. Đồng thời, nghiên cứu ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho đơn vị, tổ chức áp dụng du lịch xanh về công nghệ, đào tạo, quảng bá... Từ vài chục đơn vị bước đầu, những năm tới sẽ nhân rộng mô hình, để đến một lúc nào đó tự bản thân doanh nghiệp không áp dụng các tiêu chí này sẽ thấy mình trở nên lạc lõng và phải thay đổi để thích nghi với xu thế du lịch mới.

Sẽ không dễ dàng để Quảng Nam đạt mục tiêu trên, ngay cả ở nơi thí điểm là Hội An. Tuy nhiên, UBND TP.Hội An cũng như Hiệp hội Du lịch tỉnh đã hoạch định cụ thể những mốc thời gian và từng phần mục phải hoàn thiện để “chạm tay” vào du lịch xanh. Dự kiến, trong năm 2021 sẽ hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá kiểm toán rác thải ở 40 đơn vị tham gia thí điểm và cấp nhãn sao du lịch xanh. Trong năm 2022, nhãn xanh sẽ được thẩm định lại trước khi thành lập mạng lưới kết nối du lịch không rác thải xuyên quốc gia thông qua các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Ông Phan Xuân Thanh nói: “Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2025 sẽ có 70 - 100 đơn vị được chứng nhận nhãn du lịch xanh và đệ trình chứng nhận Hội An - điểm du lịch xanh do các tổ chức quốc tế xác nhận để chính thức giới thiệu với du khách”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: “Lâu nay ngành du lịch đã bộc lộ nhiều vấn đề và chúng ta thấy nhưng không muốn sửa hoặc không dám sửa, còn bây giờ là thời điểm buộc chúng ta phải sửa”.

Theo kế hoạch phục hồi phát triển du lịch sau dịch Covid-19 được UBND tỉnh ban hành vào ngày 15.6.2020, sau khi diễn ra hội thảo “Tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam”, cơ quan chức năng địa phương đã thống nhất định hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh là mục tiêu, đồng thời là giải pháp căn cơ đối với du lịch Quảng Nam trong tương lai, đảm bảo khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch xanh Quảng Nam phù hợp với xu hướng phát triển du lịch của thế giới. Cần phải lấy du lịch bền vững là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam trong thời gian đến.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Chạm tay” du lịch xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO