Cơ hội du lịch sức khỏe

HÀ SẤU 21/06/2020 12:15

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến xu thế sử dụng các sản phẩm du lịch khi an toàn, chú trọng đến sức khỏe ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng. Đây là thời điểm hợp lý để nhìn lại và hành động nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và góp phần nâng cao giá trị ngành du lịch địa phương.

Tiềm năng khai thác du lịch sức khỏe, trị liệu ở vùng tây Quảng Nam rất lớn nhưng hầu như vẫn bỏ ngỏ. Ảnh: H.S
Tiềm năng khai thác du lịch sức khỏe, trị liệu ở vùng tây Quảng Nam rất lớn nhưng hầu như vẫn bỏ ngỏ. Ảnh: H.S

Du lịch “thuận tự nhiên”

Tận dụng thời điểm giãn cách xã hội và “quãng nghỉ” hơn hai tháng trống vắng khách du lịch, chị Lương Thúy Hà – Quản lý An Bàng Boutique Houses & Villa cùng cộng sự đã làm việc cật lực để “thay áo mới” cho cơ sở lưu trú của mình. Những khoảnh đất trống của cơ sở giờ đây đã vươn mầm xanh của cây trái, rau, dược liệu và hoa cây cảnh. Được biết, những người khách nước ngoài bị kẹt lại ở đây trong đợt dịch, đã thuê nhà nấu nướng, ăn uống xong cũng hào hứng đóng góp vào quá trình phân loại thức ăn để chế biến phân bón và được chị Hà giảm giá thuê lưu trú bởi ý thức sẻ chia và tinh thần vì cộng đồng của họ.

Chị Hà tâm sự: “Từ trước khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã có dự định về việc thay đổi cho sản phẩm du lịch hướng đến sức khỏe tự nhiên và thời gian qua chính là cơ hội để hành động. Sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp sạch, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng đang dần hình thành rõ nét hơn và sẽ sớm được hoàn thiện trong tương lai gần”.

Nắm bắt xu thế du lịch xanh, từ vài năm nay, những người làm du lịch ở Hội An đã kết nối cùng nông, ngư dân địa phương thiết kế các tour du lịch trải nghiệm, học tập từ đồng lúa, rừng dừa ra đảo với cảnh quan hữu tình, trong lành, thân thiện và tốt cho sức khỏe du khách.

Theo TS.Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: “Tham gia các chuyến đi này, du khách đầy ắp kiến thức về hệ sinh thái tự nhiên cùng văn hóa bản địa, tràn ngập sức khỏe từ các hoạt động dã ngoại và chan hòa vào cuộc sống người dân”. Gần đây, những trang trại nông nghiệp du lịch liên tục ra đời và định hình được thương hiệu như An Farm (xã Cẩm Hà, Hội An), Điện Phương Riverside Village (xã Điện Phương, Điện Bàn) đã dần trở thành điểm đến ưa thích của du khách để vừa khám phá vừa trải nghiệm các sản phẩm thân thiện với sức khỏe được tạo ra tại chỗ như trà thảo mộc, trà atisô đỏ, mặt nạ dưỡng da, ẩm thực với thực phẩm nuôi trồng tại chỗ…

Với hệ thống cảnh quan vô cùng đa dạng, Quảng Nam cũng hội nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức các chương trình thể thao kết hợp trải nghiệm thiên nhiên. Sự kiện Raid Amazones quy tụ hơn 300 vận động viên diễn ra vào cuối năm ngoái tại nhiều huyện, thành phố trên nhiều khu vực địa hình như sông, hồ, đèo, phố cổ... đã để lại ấn tượng đẹp trong mắt du khách và cũng là cơ hội quảng bá tuyệt vời cho thương hiệu du lịch sức khỏe, an toàn của Quảng Nam.

Cơ hội từ vùng dược liệu

Do hoạt động du lịch ở vùng trung du, miền núi phía tây của tỉnh chưa phát triển, từ đó các sản vật, dược liệu đặc trưng gắn với những điểm đến trên khu vực này vẫn còn vô vàn sự hấp dẫn, độc đáo chờ hành trình khám phá từ du khách. Nhiều năm nay, sản phẩm du lịch tại các huyện miền núi phía tây chủ yếu dừng ở việc tổ chức cho khách tham quan, trải nghiệm các làng truyền thống của người bản địa hoặc tour tuyến “phượt”, dã ngoại trong khi nhiều sản vật bổ ích cho sức khỏe có thể gắn với hoạt động du lịch mới chỉ chủ yếu được quảng bá, xúc tiến ở một số hội chợ, triển lãm tại TP.Đà Nẵng.

Hiện nay, điểm du lịch gắn với vùng dược liệu nổi tiếng nhất của tỉnh là “vườn sâm Tăk Ngo” (Nam Trà My), tuy nhiên hầu như rất ít du khách thực hiện các chuyến du ngoạn tại đây mà chủ yếu tham dự phiên chợ sâm để mua sản phẩm rồi về.

Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Nam Trà My nhìn nhận: “Trong một tháng chỉ có 3 ngày diễn ra phiên chợ sâm là đông khách bởi những ngày còn lại khách lên chưa có sản phẩm độc đáo để trải nghiệm trong khi họ phải vượt quãng đường rất xa. Hầu hết doanh nghiệp du lịch khi được chào mời đầu tư và đi khảo sát tại đây cũng đánh giá cao tiềm năng nhưng vẫn khó có thể đầu tư vì đòi hỏi nguồn vốn và các hạ tầng phụ trợ rất lớn”.

Để khơi dậy tiềm năng, biến vùng nguyên liệu quý giá này thành những sản phẩm dịch vụ du lịch thì sự sáng tạo là yếu tố quan trọng và rất cần các start-up trẻ ở địa phương mạnh dạn dấn thân, khai phá.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc điều hành Công ty CP TM-DV Tâm Group (TP.Tam Kỳ): “Khao khát của đơn vị chúng tôi là góp một phần vào việc thúc đẩy du lịch phía nam và vùng tây của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện chúng tôi có một ý tưởng rất hay liên quan đến việc phát triển du lịch khám phá, trị liệu gắn với vùng sâm nhưng trở ngại nhất vẫn là chuyện thiếu vốn để đầu tư”.

Tại buổi ký kết hợp tác kích cầu du lịch giữa ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam – Vũ Thế Bình nhận định, các sản phẩm du lịch của Quảng Nam ngày càng đa dạng và hoàn thiện hơn, nhưng ở mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu của du khách thì hầu như vẫn còn bỏ ngỏ. Ngành du lịch địa phương cần sớm cải thiện điều này bởi Quảng Nam sở hữu nguồn dược liệu phong phú từ trên rừng xuống biển để có thể biến nó thành sản phẩm du lịch và đây cũng là một giải pháp để làm mới du lịch địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội du lịch sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO