Cùng hành trình du lịch xanh

DUY QUÂN 21/06/2020 10:37

Thập kỷ vừa qua đánh dấu bước chuyển mình ngoạn mục của Quảng Nam để trở thành một điểm đến sôi động. Hiện nay, du lịch xanh là xu thế tất yếu nên đây là lúc các chủ thể làm du lịch địa phương cần cùng nhìn về một hướng để mở ra một thập kỷ mới đầy sức sống, bền vững hơn cho du lịch Quảng Nam.

Hoạt động hô hát bài chòi trong ngày hội bắp nếp Cẩm Nam (Hội An). Ảnh: Q.T
Hoạt động hô hát bài chòi trong ngày hội bắp nếp Cẩm Nam (Hội An). Ảnh: Q.T

Du lịch xanh

Là người nhiều năm làm việc, tiếp xúc với dòng khách cao cấp đến từ châu Âu, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ, hiện nay thói quen đi du lịch của người châu Âu đã thay đổi. Họ thường cân nhắc cho các chuyến đi xa ngoài châu lục và sẵn sàng bỏ qua những điểm đến không bền vững, tác động nhiều đến môi trường địa phương.

Ông Thanh bộc bạch: “Với lợi thế của mình, chúng ta có thể “bán giấc ngủ” trên cánh đồng hoang cho du khách với giá vài ngàn đô la nhưng chính chúng ta ngày càng làm cho lợi thế đó thu nhỏ lại. Vì vậy những người làm du lịch cần phải hiểu sâu bản chất của vấn đề để quảng bá”.

Còn ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhận định, việc làm mới vòng đời sản phẩm du lịch là rất cần thiết nhưng hãy cố gắng làm mới như... cũ, bởi lợi thế để phát triển du lịch cao cấp của địa phương chính là con người thuần hậu, cảnh quan thiên nhiên hữu tình. “Tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên ở Quảng Nam phải được bảo tồn, khai thác đúng mức. Giữ gìn được hai thứ này ngành du lịch sẽ làm giàu chậm mà chắc, làm giàu được cho nhiều đời sau” - ông Nguyễn Sự nói.

Theo ông Phan Xuân Anh - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Tân Hồng - du ngoạn Việt, trước khi muốn phát triển du lịch xanh, bền vững cần nghĩ tới hạ tầng đồng bộ, lâu dài cho từng điểm đến. “Đơn cử như các làng quê Cẩm Kim (Hội An), Đại Bình (Nông Sơn), chính quyền địa phương cần phải làm cho được hệ thống xử lý nước thải bài bản. Nếu chưa có hạ tầng thì hãy tạm để đó bởi nóng vội trong việc khai thác thì dưới sức ép của du lịch, chẳng bao lâu các điểm đến này sẽ bị ô nhiễm và không còn thu hút du khách” - ông Anh nói.

Đề cập tầm nhìn xa cho du lịch xanh, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trong một buổi hội thảo phát triển du lịch Quảng Nam đã chia sẻ rằng: “Việc xây cầu dân sinh phục vụ người dân xã đảo Tam Hải không phải là quá khó, tuy nhiên lâu nay không thực hiện bởi chúng tôi muốn giữ lại vẻ nguyên sơ của Tam Hải phục vụ cho du lịch cao cấp trong tương lai. Ở một số nước người ta cố gắng đào đảo nhân tạo để phục vụ du lịch, chúng ta có sẵn thì phải cố gắng tìm hướng khai thác bền vững”.  

Lan tỏa 

Không khó để nhận thấy hoạt động du lịch của Quảng Nam trong hơn hai thập kỷ qua vẫn lệch về phía bắc nhờ hai “lực hút” Hội An, Mỹ Sơn. Bài toán lan tỏa dòng khách về phía tây, phía nam của tỉnh đã rục rịch từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, lâu nay khu vực phía tây, phía nam của tỉnh thiếu các dự án lớn để làm đòn bẩy thúc đẩy du lịch phát triển nên sắp tới đây khi các dự án “TUI Blue”, “Cổng trời Đông Giang”, “HOIANA” chính thức đi vào hoạt động, sẽ tạo ra được sự khác biệt.

Ở góc nhìn của mình, ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: “Chúng ta đừng cố gắng dãn khách khỏi Hội An bởi khách một khi đã chọn Quảng Nam thì nhất định họ phải ghé Hội An trong hành trình rồi. Điều cần làm là kết nối tốt hơn, dựa vào Hội An để tăng cường xúc tiến, quảng bá các điểm đến khác của tỉnh, từ đó kéo dài thời gian lưu trú của họ”.  

Một sản phẩm du lịch xanh gắn với cộng đồng tại Hội An được du khách yêu thích. Ảnh: Q.T
Một sản phẩm du lịch xanh gắn với cộng đồng tại Hội An được du khách yêu thích. Ảnh: Q.T

Lâu nay, mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở rừng dừa Bảy Mẫu và rộng hơn là cả xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) dù còn không ít tồn tại nhưng cái được dễ thấy nhất là đã giúp lan tỏa hoạt động du lịch, đem lại thu nhập xã hội giúp một bộ phận lớn cư dân “sống được” nhờ du lịch.

Ông Nguyễn Sự cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là điều tiên quyết để phát triển du lịch cộng đồng bền vững. “Cộng đồng đóng góp lớn cho việc giữ môi trường, văn hóa, tài nguyên thì bằng con đường nào dù là trực tiếp hay gián tiếp phải quay lại phục vụ cho cộng đồng”.

Bà Trần Thị Phương Nhung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FVG gợi mở, doanh nghiệp sẵn sàng kết nối hợp tác với các làng du lịch cộng đồng miền núi phía tây của tỉnh một khi dự án Cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động.

“Lâu nay hay có quan điểm rằng dự án du lịch lớn sẽ xung đột lợi ích với làng cộng đồng nhưng theo tôi, nếu tương tác hợp lý thì cả đôi bên sẽ cùng có lợi. Bởi nếu không dựa trên đặc trưng văn hóa bản địa thì dự án du lịch Cổng trời Đông Giang khó thành công, trong khi ở chiều ngược lại, các làng du lịch cộng đồng miền núi lâu nay vẫn chật vật bởi du khách chỉ ghé tham quan chốc lát và thường xuống núi trong ngày vì không có dịch vụ lưu trú chất lượng” - bà Nhung chia sẻ.

Thôi làm du lịch theo phong trào

Cuối năm 2019, công suất bình quân sử dụng buồng phòng của Hội An đạt khoảng 52%. Theo các chuyên gia, khi số lượng buồng phòng ít, công suất sử dụng buồng phòng khoảng hơn 40% sẽ bắt đầu có lãi, tuy nhiên khi hàng loạt cơ sở đầu tư mới trong thời gian gần đây thì công suất sử dụng phải khoảng 68% trở lên mới có lãi. Vì vậy hệ thống lưu trú ở Hội An đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thừa. Một chuyên gia phân tích, so với cùng kỳ, năm vừa rồi khách lưu trú tại Hội An tăng từ 1,3 lên 1,4 triệu/người, tuy nhiên cũng năm 2019 số lượng phòng tại đây đã tăng từ 9 nghìn phòng lên tới 12 nghìn phòng. Chúng ta cứ mãi đề cập việc khách đến nhiều sẽ dễ dẫn đến ảo tưởng cho người có ý định làm du lịch. Thị trường có quy luật cạnh tranh nhưng phải cảnh báo sớm, định hướng sớm nếu không thì người dân sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo ông Nguyễn Sự, không phải chỗ nào, người nào cũng có thể làm du lịch, làm du lịch theo phong trào là chết. Phải nhận thức rằng làm du lịch không phải đơn thuần là tạo ra chỗ ở, chỗ nghỉ mà người nông dân đánh bắt con cá, làm ra cây rau cũng có thể tham gia chuỗi giá trị của du lịch.

Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam kể lại, có lần khi được tham gia khảo sát du lịch tại huyện Tiên Phước, ông hết sức bất ngờ và tiếc cho một bạn trẻ đầu tư làm homestay ở đây khi bỏ vốn đến 2 tỷ đồng nhưng lại chọn hướng “bê tông hóa” phần lớn cơ sở lưu trú của mình và hầu như không có dấu ấn của các vật liệu đặc trưng bản địa, điều đó một phần cũng vì thiếu sự định hướng từ những người có kinh nghiệm.

Việc phát triển các điểm du lịch tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn là cả quá trình dài hơi, vì vậy việc làm du lịch tự phát khi chưa đúng thời điểm cũng như không có kinh nghiệm càng phải cân nhắc và nhất là không nên làm du lịch theo phong trào.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho rằng: “Trong đầu tư du lịch có một yếu tố cực kỳ quan trọng là chọn đúng thời điểm. Đặt trong trường hợp của làng cổ Lộc Yên trước năm 2015 thì tôi đề xuất là không nên làm mà tập trung bảo tồn đã, bởi khi đó chưa có cầu Cửa Đại, khoảng cách, thời gian tiếp cận địa điểm này của du khách từ Hội An, Đà Nẵng là khá xa”.

Ông Kiên chia sẻ thêm, theo ước đoán thì tương lai khu nghỉ dưỡng ven biển Núi Thành của mình sẽ đón mỗi năm khoảng 100 nghìn khách du lịch Tây Âu, cộng thêm chừng 2 triệu khách du lịch cao cấp Quảng Nam đón được hàng năm thì không chỉ Lộc Yên mà các điểm đến khác ở khu vực phía nam, phía tây của tỉnh sẽ có động lực để phát triển mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cùng hành trình du lịch xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO