Du lịch Quảng Nam vượt qua khủng hoảng: Chính quyền nỗ lực cùng doanh nghiệp

VĨNH LỘC 25/11/2020 07:16

Dịch bệnh, thiên tai liên tiếp đã khiến hoạt động du lịch Quảng Nam nhiều lần đứt gãy. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và sáng tạo, ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam vẫn mạnh mẽ đứng dậy, vượt qua khủng hoảng tiếp tục tiến về phía trước.

Du khách tham quan Hội An trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: V.LỘC
Du khách tham quan Hội An trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: V.LỘC

Nếu như Chính phủ thực hiện mục tiêu kép trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế thì đối với Quảng Nam, thời gian qua đã thực hiện cả 3 mục tiêu là phòng chống dịch bệnh, tạo môi trường an toàn; đồng hành khắc phục bão lũ và phát triển kinh tế nhằm đảm bảo môi trường an toàn tạo điều kiện để phát triển kinh tế, du lịch và ngược lại.

Đồng hành trách nhiệm

Ngày 5.5.2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 85/QĐ-BCĐ về Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 dành cho 5 nhóm dịch vụ cụ thể là cơ sở lưu trú du lịch; hoạt động của doanh nghiệp lữ hành; khu, điểm du lịch; cơ sở ăn uống phục vụ khách du lịch và cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là sự chủ động của Quảng Nam trong xây dựng các tiêu chí an toàn cho ngành du lịch phòng chống dịch bệnh Covid-19, qua đó tạo cơ sở cho doanh nghiệp, địa phương, điểm đến hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí trước khi đón khách.  

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành hàng chục văn bản phòng chống dịch trong ngành du lịch, như: tạm dừng đón khách tham quan, lưu trú; trưng dụng khách sạn làm nơi đón tiếp, cách ly khách nước ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, trong 2 đợt dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ vừa qua, ngành du lịch luôn đồng hành chia sẻ những khó khăn cùng doanh nghiệp và địa phương, nhanh chóng đưa hoạt động trở lại bình thường. Điều đó không chỉ thể hiện ở việc tham mưu UBND tỉnh ban hành hàng loạt văn bản phòng chống dịch trong lĩnh vực đơn vị quản lý mà còn hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục đầu tư, cải cách thủ tục hành chính… Đặc biệt, ban hành các giải pháp thu hút khách như miễn, giảm vé tham quan ở Hội An và Mỹ Sơn; xây dựng điểm đến an toàn, kích cầu du khách nội địa; kết nối liên kết khối doanh nghiệp Quảng Nam với doanh nghiệp 3 địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Nội… từng bước khôi phục hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường.

“Nếu Chính phủ chỉ thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế thì với Quảng Nam thực hiện cả 3 mục tiêu là phòng chống dịch bệnh, tạo môi trường an toàn; đồng hành khắc phục bão lũ và phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, từ đó mới có nguồn lực để đảm bảo môi trường an toàn và khắc phục thiên tai dịch bệnh” - ông Hồng nói.

Giữ thương hiệu điểm đến

Mặc dù nằm ở vùng tâm dịch trong đợt bùng phát lần hai và bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ nhưng Hội An, Quảng Nam vẫn nhanh chóng gượng dậy, đồng thời trở thành điểm sáng về an toàn. Điều này thể hiện qua lượng khách nội địa bắt đầu quay trở lại. Tại phố cổ Hội An, sau hơn một tuần mở cửa bán vé tham quan trở lại, số khách đến đang dần nhích lên.

Du khách tham quan Hội An trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: V.LỘC
Du khách tham quan Hội An trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: V.LỘC

Theo ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT và truyền thanh - truyền hình TP.Hội An, nếu như ngày đầu tiên mở cửa trở lại phố đi bộ (18.11) chỉ khoảng 50 người mua vé tham quan thì đến ngày 23.11 số khách mua vé đã tăng hơn 500 lượt. “Ngay sau đợt bão lụt vừa qua chúng tôi bắt tay vào chỉnh trang lại phố cổ, đồng thời đang vận động các điểm di tích tư nhân mở cửa đón khách tham quan trở lại” - ông Đông chia sẻ.

So với các địa phương khác trong khu vực, Quảng Nam có những lợi thế so sánh nổi bật về du lịch nghỉ dưỡng, biển đảo, du lịch di sản. Trên cơ sở khai thác lợi thế và tiềm năng, những năm qua du lịch Quảng Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chỉ riêng giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng bình quân về lượt khách du lịch của toàn tỉnh hằng năm đạt 19,27% thu nhập xã hội từ du lịch tăng bình quân 24,53%. Tuy liên tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai nhưng Quảng Nam vẫn được xem là một trong những điểm đến ưa thích của du lịch vùng Duyên hải miền Trung nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thừa nhận, tuy vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần khắc phục, nhưng sự vào cuộc đồng hành kịp thời của chính quyền và ngành du lịch tỉnh đã góp phần quan trọng cùng doanh nghiệp đưa hoạt động du lịch bước đầu vượt qua khủng hoảng.

“Tôi nghĩ thời điểm này cũng là cơ hội để ngành du lịch và các doanh nghiệp quản trị lại doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ của mình hướng tới những mục tiêu cao hơn đó là phát triển xanh, bền vững hơn. Để thực nhiệm vụ này, thời gian qua Hiệp hội Du lịch đã cùng với Sở VH-TT&DL và các địa phương triển khai rất nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo về điểm đến an toàn; đón nhận Bộ tiêu chí du lịch bền vững từ Tổ chức Du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP); tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tập trung cho thị trường nội địa hai đầu đất nước láy Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh làm trung tâm nhằm thu hút nhiều khách nội địa” - ông Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, mục tiêu xuyên suốt của du lịch Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, là phát triển bền vững. Điều này cũng phù hợp với quan điểm phát triển chung của du lịch Việt Nam và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Từ trong khủng hoảng cũng sẽ mở ra những cơ hội mới cho bức tranh du lịch Quảng Nam thời gian tới.

“Bên cạnh thị trường khách nội địa là ưu tiên hiện nay, sau khi dịch kết thúc chúng tôi sẽ tập trung tái cơ cấu thị trường khách quốc tế, mở thêm ra một số thị trường có tiềm năng. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành đề án hỗ trợ, phát triển một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm khám phá của khách về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng… tạo ra thương hiệu điểm đến mới cho Quảng Nam trong những năm tiếp theo” - ông Hồng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Quảng Nam vượt qua khủng hoảng: Chính quyền nỗ lực cùng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO