Hành động để phát triển du lịch Việt Nam

VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN 28/11/2020 15:08

(QNO) - “Cùng nắm tay nhau cùng hành động” là thông điệp mạnh mẽ mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 diễn ra sáng nay 28.11 tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, nhằm nhanh chóng đưa hoạt động du lịch vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam truyền đi thông điệp “Cùng nắm tay cùng hành động”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam truyền đi thông điệp “Cùng nắm tay nhau cùng hành động”. Ảnh: L.T

Hội nghị với sự tham gia của hơn 400 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương; doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn... Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị.

Với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”, Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: cơ cấu thị trường khách; phát triển sản phẩm; hợp tác công tư, liên kết vùng; chuyển đổi số.

Tư duy lại cách làm du lịch

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến ngành du lịch Việt Nam tổn thất nặng nề. Từ tháng 3.2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa, khiến lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ ước đạt 3,7 triệu lượt (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019); khách nội địa đến hết tháng 11 ước đạt 49 triệu lượt (giảm 37,6%). Khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt 10 - 15%. Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).

Với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”
Hội nghị với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”. Ảnh: L.T

“Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc tới ngành du lịch, đòi hỏi toàn ngành phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải đánh giá, tư duy lại cách làm du lịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Theo đó, xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch, chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa, nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Tại Quảng Nam, sở hữu những lợi thế về hạ tầng giao thông, đặc biệt có 2 Di sản văn hóa thế giới gồm Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, nhiều năm qua nổi lên như là địa phương có tốc độ phát triển du lịch nhanh và hiệu quả. Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, sau Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức tại Quảng Nam ngày 9.8.2016, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch địa phương, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về phát triển du lịch. Trong đó tập trung quy hoạch, xây dựng cơ chế và nguồn lực để thúc đẩy phát triển du lịch, đặt mục tiêu cụ thể. Nhờ đó ngành du lịch Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, riêng năm 2019 đón hơn 7,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 50% với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 20%.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại Hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: L.T

Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam đã phối hợp UBND các tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm góp phần phục hồi, phát triển kinh tế chung cả nước. Đồng thời cam kết cùng với Chính phủ, các ban, bộ ngành, địa phương và các tỉnh, thành phố trong chuỗi liên kết để phát triển du lịch bền vững.

Cùng nắm tay hành động

Tại hội nghị, nhiều ý kiến doanh nghiệp, địa phương đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm nhanh chóng đưa ngành du lịch vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển. Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể như hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong các nhu cầu thiết yếu như: giảm giá điện, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT. Ngoài ra, thúc đẩy cơ chế chính sách phát triển, khuyến khích các loại hình kinh tế ban đêm. Chỉ đạo các bộ ngành xem xét cho phép hoạt động một số đường bay thương mại đến Đà Nẵng song vẫn phải đảm bảo phương pháp phòng chống dịch. Chỉ đạo Bộ Công an thành lập văn phòng xuất nhập cảnh tại Đà Nẵng, cấp hộ chiếu cho công dân ở miền Trung.

Ngoài ra, cần đầu tư nâng cấp cửa khẩu Đăk Tà Oọc thành cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy du lịch địa phương, mở cửa đón du khách từ các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia... Đặc biệt, thí điểm phương án thuê dịch vụ bác sĩ, y tế, vệ sĩ tư nhân trực tại khách sạn, có kết nối camera bên ngoài và camera khách sạn để kiểm soát và theo dõi.

Lễ ký kết liên kết du lịch 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với 2 TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh
Ký kết liên kết du lịch 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tại hội nghị. Ảnh: L.T   

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, để giải quyết khó khăn, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn dịch bệnh; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục hồi khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Tăng cường đầu tư công cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, cảng biển đón tàu du lịch cỡ lớn, tăng khả năng tiếp cận điểm đến; đầu tư vào các công trình văn hóa lớn, công viên sinh thái; đầu tư cho xúc tiến, quảng bá du lịch. Chính phủ cần giao Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành du lịch đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, du lịch hiện nay phải hướng đến chất lượng và tập trung ở tất cả phân khúc. Chủ động tái cơ cấu thị trường khách, tập trung hơn cho thị trường khách nội địa để người Việt có thể trải nghiệm các dịch vụ cao cấp mà trước đây dành cho khách quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến dữ liệu hóa, tạo nền tảng số hóa tất cả dịch vụ, điểm đến giúp khách trải nghiệm thuận lợi. Bên cạnh đó, an toàn du lịch phải trên hết nhằm hạn chế rủi ro, tránh đứt gãy các hoạt động xã hội, nhất là vận chuyển, du lịch. Đặc biệt, tất cả địa phương cùng nắm tay nhau hành động cùng vượt qua khó khăn, hướng đến sự phát triển mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành động để phát triển du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO