Làm mới Triêm Tây

VĨNH LỘC 06/01/2020 13:46

Cuối tuần qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ II giai đoạn 2020 - 2025 bầu ra Ban giám đốc mới nhằm vực dậy hoạt động du lịch cộng đồng làng Triêm Tây sau thời gian dài trì trệ.

Triêm Tây được đánh giá là ngôi làng điển hình xứ Quảng. Ảnh: VĨNH LỘC
Triêm Tây được đánh giá là ngôi làng điển hình xứ Quảng. Ảnh: VĨNH LỘC

Xây dựng sản phẩm mới

Ban giám đốc HTX nhiệm kỳ mới gồm 3 thành viên do ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Phát biểu tại đại hội, ông Thuận cho biết, mục tiêu của Ban giám đốc trong nhiệm kỳ mới tập trung các nội dung gồm: thiết lập lại bộ máy điều hành; đào tạo nhân lực và định hướng dòng sản phẩm cho Triêm Tây. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tạo ra dòng sản phẩm du lịch mới dựa trên những lợi thế sẵn có, cụ thể là farmstay, kết hợp giữa lưu trú với các hoạt động nông nghiệp và trải nghiệm văn hóa.

“Hiện nay dòng sản phẩm villa và homestay đang bị quá tải ở Hội An, vì vậy chúng tôi sẽ không chọn hướng đi này mà dựa trên những lợi thế rất lớn của Triêm Tây về nông nghiệp, sinh thái, do đó việc chọn farmstay là hướng đi phù hợp và mới mẻ. Đồng thời sản phẩm này cũng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động làng nghề phát triển thông qua việc bán sản phẩm thủ công làng nghề cho khách du lịch” - ông Thuận phân tích.

Du khách tham quan làng Triêm Tây.
Du khách tham quan làng Triêm Tây.

Bên cạnh đó, Ban giám đốc mới cũng sẽ hướng dẫn người dân tân trang tường rào, cổng ngõ theo hướng xanh - sạch - đẹp với cổng được làm bằng gỗ hoặc tre kết hợp trồng hoa để tạo thành những con đường hoa trong làng. Đặc biệt, sẽ sắp xếp lại những hộ kinh doanh buôn bán theo hướng chuyên môn như nhà hàng, dạy nấu ăn, spa, yoga, thiền, bơi thuyền, trải nghiệm văn phòng…

“Trước tiên phải xây dựng sản phẩm tốt, sau đó mới marketing trên các trang mạng; mời doanh nghiệp lữ hành cũng như Hiệp hội Du lịch cùng hỗ trợ quảng bá cho dòng sản phẩm Triêm Tây… Còn thời gian đầu, chí ít cũng phải làm sao để khách đến trải nghiệm có ấn tượng tốt về những hình ảnh đẹp của Triêm Tây. HTX sẽ giúp bà con làm những điều này” - ông Thuận nói.

Theo kế hoạch, để hiện thực mục tiêu trên, HTX phải đầu tư tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Trước mắt 23 thành viên HTX đóng góp mỗi người 20 triệu đồng, kinh phí còn lại HTX sẽ lập dự án vay của tỉnh hoặc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hoặc Ban giám đốc bỏ vốn cá nhân vào thực hiện, dự kiến tháng 5.2020 HTX sẽ đón khách.

Triển vọng mới

Từng được mệnh danh là “ngôi làng thuần Việt” của Quảng Nam, Triêm Tây sở hữu nhiều lợi thế về văn hóa, làng nghề truyền thống, đồng thời chỉ cách phố cổ Hội An khoảng 2,5km, nơi khách có thể dễ dàng đến làng bằng đường thủy và đường bộ. Tuy nhiên, kể từ khi mở của đón khách (năm 2016), sau những sôi nổi ban đầu, hoạt động du lịch Triêm Tây dần trở nên trì trệ. Có nhiều nguyên nhân để lý giải như mâu thuẫn nội bộ; hạn chế về nguồn lực tài chính; Ban giám đốc chưa có hướng đi hiệu quả trong quảng bá, giới thiệu, kết nối với các đơn vị lữ hành... Đặc biệt, sản phẩm chưa tạo được điểm nhấn đặc trưng, khác biệt…  

Ông Lê Ngọc Thuận tin tưởng, sau khi củng cố, hoạt động du lịch cộng đồng Triêm Tây sẽ phát triển. Trong đó, việc định hướng dòng sản phẩm farmstay sẽ đóng vai trò quyết định. “Hiện tại, HTX có 5000m2 đất, trước mắt sẽ làm được khoảng 9 - 12 căn farmstay với vật liệu thân thiện môi trường, mỗi căn diện tích tầm 300m2, trong đó 50m2 dành cho xây dựng, 250m2 dành làm vườn. Khách sẽ cùng ăn ở và trồng rau với nông dân. Đây là mô hình hay hơn homestay rất nhiều và phù hợp với Triêm Tây. Chỉ cần 50 - 60 hộ dân (trong tổng số 150 hộ của làng) làm farmstay thì cộng đồng sẽ tự phát triển mạnh theo. Bởi đây là sản phẩm khách đang hướng đến hiện nay nhưng Hội An không thể làm được vì hết đất nên cơ hội cho Triêm Tây cực kỳ tốt” - ông Thuận chia sẻ.

Trong vài năm gần đây, phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn đang trở thành hướng đi được tỉnh quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 27 điểm du lịch cộng đồng đón khách. Một số điểm du lịch cộng đồng miền núi như Đỉnh Quế, làng Pơmu, điểm dừng chân Eo Aliêng (Tây Giang); vườn sâm Ngọc Linh - Tăk Ngo (Nam Trà My), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước)… dù mới được đưa vào hoạt động nhưng bước đầu đã  thu hút sự quan tâm của khách và các doanh nghiệp lữ hành.

Đối với Triêm Tây, theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, việc đưa doanh nghiệp vào quản lý, cùng khai thác du lịch với cộng đồng là bước đi cần thiết hiện nay nhằm vực dậy hoạt động du lịch. Bởi người dân khó có thể đủ nguồn lực và trình độ chuyên môn để vận hành và phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm mới Triêm Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO