Liên kết phục hồi du lịch miền Trung

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC 07/06/2020 10:57

Việc liên kết du lịch của 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam không mới nhưng được khơi dậy trong một thời điểm đặc biệt khi ngành du lịch còn chìm trong khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Sự phối hợp thực chất, có trọng tâm vì mục tiêu chung tiếp sức cho ngành du lịch 3 địa phương phục hồi là động thái tương tác đầy hy vọng và đáng chờ đợi. Chúng tôi ghi nhận ý kiến những người trong cuộc.

Ngành du lịch đang triển khai các gói kích cầu để phục hồi du lịch.Ảnh: Q.T
Ngành du lịch đang triển khai các gói kích cầu để phục hồi du lịch.Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL): Sẵn sàng đồng hành

 

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng việc phát triển sản phẩm du lịch cần phát huy thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên cũng như tăng cường liên kết giữa các vùng miền, địa phương, hướng tới hình thành sản phẩm đặc trưng theo từng vùng du lịch.

Khu vực miền Trung có rất nhiều thế mạnh cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên. Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam là 3 địa phương nối liền với chiều dài chỉ chừng vài trăm cây số nhưng hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành một trung tâm động lực phát triển du lịch của cả nước. Những năm qua, 3 địa phương này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đó là những tinh hoa văn hóa, thiên nhiên và ẩm thực độc đáo, từ cố đô Huế cổ kính với nhã nhạc cung đình cho đến những bãi biển trải dài của Đà Nẵng cùng 2 di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn của Quảng Nam…

Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hợp tác liên kết phát triển du lịch của 3 địa phương hơn 10 năm qua. Có thể nói, đây là một điển hình trong liên kết, hợp tác, xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch giữa các địa phương, góp phần hình thành động lực phát triển du lịch của khu vực miền Trung cũng như cả nước.

Trong bối cảnh Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa, Bộ VH-TT&DL đã ban hành kế hoạch phát động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Chúng tôi cho rằng chương trình liên kết hành động phục hồi và phát triển du lịch với thông điệp “Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam: an toàn và mến khách” là sự hưởng ứng mạnh mẽ chương trình trên. Đồng thời thể hiện rõ cam kết và quyết tâm hành động của lãnh đạo 3 địa phương với mục tiêu phục hồi du lịch vùng, qua đó góp phần khôi phục du lịch cả nước hậu Covid-19.

Tuy nhiên, để sự liên kết có hiệu quả hơn và đi vào chiều sâu, ngoài việc kết nối từ cấp độ chiến lược giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, thì các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng cần hợp tác chặt chẽ để cùng xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch hấp dẫn, đầu tư phát triển những sản phẩm mới tiềm năng, có sức hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch vùng.

Nhiệm vụ trước mắt của toàn ngành du lịch hiện nay là tập trung phục hồi thị trường du lịch nội địa thông qua sự vào cuộc, hưởng ứng của các địa phương trên toàn quốc, tăng cường liên kết hình thành các liên minh kích cầu thu hút khách. Tổng cục Du lịch khuyến khích các địa phương chủ động tổ chức những chương trình khảo sát, kết nối doanh nghiệp, chương trình giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ tại các thành phố lớn, các trung tâm gửi khách như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể đón khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép. Trong đó, hướng tới các thị trường nguồn khách trọng điểm, có khả năng tăng trưởng cao bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Úc, New Zeland và các nước ASEAN… Tổng cục Du lịch cam kết sẵn sàng đồng hành với các địa phương, cũng như hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai liên kết hợp tác giữa các địa phương, các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch… nhằm khôi phục và chuẩn bị cho những bước phát triển mới của du lịch Việt Nam.

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Làm mới dịch vụ, giữ chân khách

 

Với mục tiêu phục hồi sau dịch Covid-19, thúc đẩy du lịch vươn lên mạnh mẽ, 3 địa phương của khu vực duyên hải miền Trung cần có chiến lược, đảm bảo cho chặng đường phát triển lâu dài chứ không phải chỉ suy nghĩ đến kế hoạch ngắn hạn. Không nơi nào của Việt Nam có hệ thống di sản thế giới dày đặc như 3 địa phương này. 3 địa phương cũng sở hữu cảnh quan thiên nhiên thơ mộng từ các biển dài đẹp đến miền núi non hùng vĩ là yếu tố rất thuận lợi để phát triển du lịch bền vững.

Tại lễ ký kết và công bố chương trình liên kết hành động phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới, phát động kích cầu du lịch Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam diễn ra tại TP.Huế vào ngày 30.5.2020, 3 địa phương đã ký kết thực hiện 5 nội dung kích cầu và phát triển du lịch chung, đó là:

- Lãnh đạo 3 địa phương tạo các cơ chế chính sách thuận lợi nhất để triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch với thông điệp chung “Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam an toàn và mến khách”.

- Cam kết đáp ứng các tiêu chí về an toàn phục vụ khách du lịch, có chính sách ưu đãi khuyến mãi tốt cho du khách và doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến 3 địa phương. 

- Thống nhất kế hoạch hành động tại các thị trường nguồn khách trong và ngoài nước. 

- Cùng xây dựng và kết nối các sản phẩm có giá trị riêng và chung của mỗi địa phương để tạo thành chuỗi dịch vụ trong bộ sản phẩm “3 địa phương - một điểm đến”.

- Thống nhất nội dung truyền thông, quảng bá du lịch chung cho cả 3 địa phương trên các kênh thông tin, truyền thông của Trung ương và các địa phương.

Vấn đề là chúng ta phải làm sao để khách ở lại lâu hơn, chi tiền nhiều hơn. Những người làm du lịch phải ngồi lại xây dựng chuỗi sản phẩm để giữ chân khách và có những chính sách khuyến khích khách đi xuyên qua cả 3 địa phương trong một chuyến đi của mình. Nhìn chung, dịch vụ ở đây cần phải cải thiện hơn nữa thì mới nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch. Nếu Thừa Thiên Huế cần phải đưa ẩm thực trở thành một thương hiệu đặc biệt thì về phía Quảng Nam cần phát triển thêm các dịch vụ chăm sóc khách du lịch với tiềm năng lớn về du lịch sức khỏe, du lịch dược liệu.

Cần phải nhìn nhận việc tổ chức thực hiện kế hoạch liên kết là một vấn đề không dễ dàng. Việc kết nối kích cầu lần này cần phải có sự vào cuộc sát sao của chính quyền địa phương, thêm nữa Bộ VH-TT&DL cũng cần chung sức ủng hộ để đảm bảo thông suốt mọi hoạt động. Ở đây một tín hiệu rất đáng mừng là hiệp hội du lịch của cả 3 tỉnh, thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đều rất mạnh và hoạt động sôi nổi, thời gian qua đã mạnh dạn triển khai nhiều chương trình kích cầu, xây dựng sản phẩm du lịch hiệu quả.

Hiệp hội du lịch các địa phương cũng cần phát động phong trào chính bản thân doanh nghiệp tự vươn lên ở địa phương mình để trước tiên tự cứu lấy mình. Chúng ta cần thêm những nét mới để thu hút du khách và tôi tin là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam còn muôn vàn điều thú vị để giới thiệu cho du khách khám phá. Mới ở đây không nhất thiết phải là điểm đến mới mà chính ở các điểm đến hiện tại có thêm trải nghiệm thú vị. Chỉ cần một, hai hoạt động mới lạ là đã có thể làm mới điểm đến rồi. 

Lâu nay, khách từ hai đầu đất nước tham quan, lưu trú tại 3 tỉnh, thành này rất nhiều và việc này giúp cho ngành du lịch địa phương cầm cự trước khi chúng ta đủ điều kiện để mở cửa đón khách quốc tế trở lại và cần nắm bắt cơ hội. Trước mắt, khi du lịch nội địa được thúc đẩy, lãnh đạo từng địa phương cần chủ động khuyến khích, chào đón các đoàn khách số lượng  lớn từ hàng trăm đến hàng nghìn người khi họ đặt chân tới để vừa thể hiện sự mến khách vừa khẳng định điểm đến an toàn.

Ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Tạo chuỗi liên kết vượt qua khủng hoảng

 

Số liệu khảo sát từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho thấy 89% số lao động tại 472 cơ sở lưu trú ở địa phương và hầu hết lao động trong mảng lữ hành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ giảm lương, giảm nhân công, nghỉ không lương có hỗ trợ, nghỉ không lương không hỗ trợ cho tới bị thôi việc. Rõ ràng đó mới chỉ là bề nổi và không chỉ là thực trạng của riêng Thừa Thiên Huế. Hàng chục ngàn lao động khác phụ trợ, “ăn theo” du lịch cũng đang rơi vào bế tắc khi không có việc làm hoặc thu nhập giảm sâu, nhiều cơ sở sản xuất cung ứng hàng hóa cho du lịch, dịch vụ cũng vì thế ứ đọng sản phẩm.   

Để giải quyết tình trạng này, tất cả chúng ta cần phải chung tay hành động. Chỉ có hành động mới thay đổi thực tế và mỗi cá nhân đều có thể quảng bá về điểm đến an toàn, mến khách để giúp hình ảnh du lịch địa phương lan tỏa, phục hồi. Về liên kết, hợp tác giữa 3 tỉnh, thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam vừa được ký kết, 5 nội dung được thống nhất đều hướng đến thực tế, thiết thực hỗ trợ vực dậy ngành du lịch. Trong đó đặc biệt chú trọng đến yếu tố du lịch an toàn và các cơ chế, chính sách ưu đãi nhất cho doanh nghiệp, du khách. Trên cơ sở biên bản hợp tác được ký kết, kế hoạch hành động cụ thể sẽ được 3 bên bàn bạc và ký thành phụ lục thể hiện quyết tâm đưa du lịch miền Trung trở lại “guồng quay” như trước.

Ảnh: QUỐC TUẤN
Ảnh: QUỐC TUẤN

Để sự kết nối diễn ra hiệu quả, liên kết hợp tác sẽ được phân theo các tiểu vùng và các địa phương dựa trên lợi thế so sánh để liên kết xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch chung. Đó là điều tiên quyết.  Do đó 3 địa phương cần khai thác tốt hơn tour “Con đường di sản miền Trung”, đồng thời cần kết nối 3 di sản văn hóa thế giới với các giá trị văn hóa tiêu biểu trong vùng như văn hóa Chămpa, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa các dân tộc Đông Trường Sơn và văn hóa cư dân vùng biển để tăng tính đa dạng.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Cần sự tương tác thiết thực

 

Tôi cho rằng, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì sự liên kết của 3 địa phương trong phục hồi du lịch hết sức cần thiết. Mối liên kết này đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên do dòng khách, thị trường, kinh tế mỗi địa phương khác nhau dẫn đến hiệu quả liên kết chưa được như mong muốn. Một điều nữa là mối liên kết này vẫn chưa “thấm” đến các doanh nghiệp, trong khi muốn liên kết thì phải đồng bộ và nhiệt tình, nó phải như tình bạn, khi có tình thân hữu thì mối liên kết sẽ mạnh hơn.   

Do vậy, bây giờ cần phải có sự đồng lòng, 3 địa phương phải bắt tay với nhau cùng tìm ra giá trị của từng sản phẩm, từng điểm đến để làm truyền thông, kể cả chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp. Chúng ta phải có những sản phẩm chung để đi tìm thị trường chung, bởi khách Việt Nam đi đến miền Trung thì thường đến Đà Nẵng, Hội An và Huế, nếu chúng ta cùng liên kết tạo thị trường chung cùng đưa giá khuyến mãi tốt hơn thì sẽ thu hút nhiều lượt khách hơn.

Đặc biệt, khi sự liên kết 3 địa phương trở thành điểm đến lớn, tần suất các đường bay cũng nhiều hơn thì sẽ thu hút nhiều công ty lữ hành lớn, những tập đoàn lớn đưa khách vào. Làm được những điều đó phải có sự đoàn kết - điều rất cần thiết trong thời gian này. Nếu 3 địa phương cùng ngồi lại với nhau mạnh dạn đưa ra những gói kích cầu tốt, đẩy mạnh truyền thông, kêu gọi các hãng lữ hành lớn, các hãng hàng không mạnh dạn mở tuyến bay đưa khách đến miền Trung, nhất là 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế - những điểm đến hấp dẫn nhất của miền Trung thì lợi ích mang lại không chỉ cho ngành du lịch 3 địa phương mà doanh nghiệp ở mỗi nơi cũng được hưởng lợi rất nhiều, qua đó góp phần cùng cả nước phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: Thời điểm lý tưởng để nâng tầm liên kết

 

Đây đã là năm thứ 13 của việc thực hiện liên kết du lịch “3 địa phương - một điểm đến” Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Tuy nhiên ở lần ký kết này như một “bước ngoặc” và thể hiện quyết tâm rất lớn của lãnh đạo 3 địa phương trong vấn đề này. Ngay từ khi phối hợp để xây dựng dự thảo chương trình hành động, liên kết, kích cầu du lịch thì 3 địa phương đã đề xuất các giải pháp rất cụ thể cho việc liên kết phát triển du lịch.

Đây là thời điểm rất quan trọng khi cả nước cơ bản khống chế được dịch Covid-19. Trong nội dung ký kết có nhiều điểm nhấn mạnh hơn, cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch gây ra, tập trung đa dạng hóa tạo thành một chuỗi dịch vụ liên kết mà cụ thể là sự liên kết đồng bộ giữa các đơn vị du lịch ngay tại địa phương cũng như với các địa phương lân cận, giữa vận chuyển khách sạn, nhà hàng, tham quan để xây dựng các gói sản phẩm có giá cạnh tranh, chất lượng cao. Trước mắt kích cầu khách nội địa và tạo sự chủ động để về lâu dài sớm thu hút đông đảo khách quốc tế một khi mở cửa trở lại.

Lãnh đạo các địa phương cũng đã giao Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch, Hiệp hội Du lịch xây dựng các gói sản phẩm hậu Covid-19 trong đó tập trung khai thác thị trường khách nội địa, chú trọng nhấn mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường công tác quảng bá. Việc phụ thuộc vào một vài thị trường khách quốc tế chủ lực như thời gian qua có thể dẫn đến những rủi ro nhất định và đây là một cơ hội để ba địa phương mở rộng, đa dạng hóa thị trường hơn khi tăng cường thu hút khách nội địa, một dư địa còn rất lớn nhưng lâu nay Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn chưa khai thác tương xứng.

Các địa phương cũng ngồi lại với nhau để tính toán nội dung cụ thể trong công tác phối hợp, đặc biệt là công tác tổ chức sự kiện để làm sao các sự kiện ở 3 địa phương được tổ chức mang tính liên hoàn hoặc không chồng lấn nhau về mặt thời gian, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác các sản phẩm từ những sự kiện.

Ông Trần Đoàn Thế Duy - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel:Tin tưởng vào sự phục hồi

 

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch thế giới và Việt Nam trong đó có miền Trung - một trong những trọng điểm phát triển du lịch của cả nước khiến nhiều doanh nghiệp du lịch và lao động trong ngành lao đao. Ngay khi dịch bệnh ở Việt Nam cơ bản được khống chế, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch đã đến từng địa phương triển khai, công bố những chương trình kích cầu du lịch nhằm tìm mọi cách phục hồi các hoạt động du lịch bị gián đoạn trước đó.

Trong bối cảnh như vậy, tôi cho rằng sự liên kết giữa 3 địa phương sẽ đi vào thực chất hơn, điều này được thể hiện qua sự cam kết của lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố trong việc công bố điểm đến an toàn cùng nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu chung 3 địa phương… Qua đó tạo cơ sở để các doanh nghiệp cùng cam kết cung cấp các dịch vụ an toàn, các gói giảm giá kích cầu thu hút khách du lịch. Ngoài ra, mối liên kết lần này còn có sự cam kết đồng hành của các doanh nghiệp ngoài địa phương như hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, trong đó có Vietravel.

Với sự cam kết rõ ràng mạnh mẽ này, tôi tin rằng hiệu quả liên kết sẽ đi vào thực chất và thành công hơn. Đặc biệt, với sự liên kết tham gia kích cầu của các doanh nghiệp, sản phẩm du lịch sẽ đa dạng, phong phú và gia tăng giá trị hơn với khách du lịch đến miền Trung. Với tư cách là một doanh nghiệp du lịch có nhiều hoạt động tại 3 địa phương, Công ty Du lịch Vietravel cam kết sẽ nỗ lực đóng góp cho sự hồi phục và phát triển du lịch của 3 địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết phục hồi du lịch miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO