Thiếu các góc "check-in" ở điểm du lịch

QUỐC TUẤN 18/02/2020 12:53

Nhiều du khách mong muốn ở những điểm đến có các khu vực “check-in” độc đáo để lưu lại dấu ấn cho chuyến đi; tuy nhiên hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều điểm du lịch chưa quan tâm đầu tư hạng mục này...

Nhiều ý kiến từ các đơn vị lữ hành cho rằng Khu đền tháp Mỹ Sơn cần tạo thêm các điểm “check-in” cho du khách. Ảnh: Q.T
Nhiều ý kiến từ các đơn vị lữ hành cho rằng Khu đền tháp Mỹ Sơn cần tạo thêm các điểm “check-in” cho du khách. Ảnh: Q.T

Nhiều nơi khan hiếm

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch duy nhất Đông Dương: “Những năm gần đây nhu cầu của khách du lịch đang có sự biến chuyển rõ rệt, ngoài các yêu cầu về lưu trú, dịch vụ khó tính hơn thì họ còn mong muốn các điểm đến phải có nơi để “check-in” làm kỷ niệm và tương tác trên mạng xã hội”.

Ở Đô thị cổ Hội An, ngoài các điểm du lịch nổi tiếng như Chùa Cầu, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu, phần lớn du khách, nhất là du khách châu Á và nội địa thường “kháo” nhau về các góc “check-in” lãng mạn nhất định phải ghé để lưu lại các tấm ảnh đẹp như nhà cổ Tấn Ký, chùa Bà Mụ, bức tường rêu phong trên đường Hoàng Văn Thụ…

Ngoài ra, khu vực phố cổ sở hữu lợi thế được hình thành từ lâu với các dãy nhà cổ kính tường vàng xen lẫn các giàn hoa giấy, cát đằng dễ dàng trở thành các phông nền ấn tượng để du khách chụp hình lưu lại kỷ niệm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, Cù Lao Chàm đang là điểm thu hút khách đông đúc nhưng lại quá thiếu hụt các khu vực “check-in” ấn tượng.

“Hàng ngàn khách lên đảo ăn uống, tắm biển xong đi loanh quanh một chút rồi về vì hầu như không có điểm nhấn đặc sắc để chụp ảnh. Địa phương cần nghiên cứu xây dựng một vài điểm “check-in” độc đáo thể hiện câu chuyện, huyền tích đặc trưng của địa phương để du khách có thêm trải nghiệm, tránh cảm giác hụt hẫng” - ông Tuấn chia sẻ.

Còn theo ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS, các khu vực giúp du khách tham quan Mỹ Sơn lưu lại dấu ấn, kỷ niệm cũng khá hạn chế. Nên chăng ban quản lý cần bài trí thêm con đường hoa sứ vừa cho bóng mát, vừa phù hợp với văn hóa Chăm, vừa giúp du khách có thêm góc “check-in” để kể với bạn bè sau chuyến đi đến khu đền tháp.

Ông Trần Lực - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng nhận định, việc tạo thêm các điểm “check-in” cho di sản Mỹ Sơn là rất cần thiết và đây có thể là một giải pháp để cải thiện việc thu hút dòng khách nội địa cũng như Đông Bắc Á đến với khu đền tháp.

Cần cách làm mới

Nửa năm trở lại đây, ở thị xã Điện Bàn đã hình thành ba điểm du lịch nông nghiệp mới với sản phẩm là các cánh đồng hoa rực rỡ để đáp ứng thị hiếu của du khách. Yếu tố mới, lạ, đẹp mắt từ cánh đồng hoa hướng dương ở xã Điện Quang, Điện Minh hay hoa sao nhái ở xã Điện Phương giúp các địa điểm này thu hút hàng trăm lượt “check-in” mỗi ngày.

Với chủ đầu tư Dien Phuong Riverside Village, họ hướng đến một chuỗi sản phẩm hoàn thiện hơn bao gồm cả lưu trú, dịch vụ nhưng có thể thấy sự thu hút khi dựa vào vườn hoa hướng dương với nhiều góc “check-in” độc đáo được bài trí cối xay gió, xích đu… 

Ông Lê Tấn Thanh Tùng chia sẻ, việc tạo ra các con đường hoa, cánh đồng hoa nở rộ quanh năm cũng đang là xu thế du lịch phổ biến trên thế giới hiện nay nên các điểm du lịch cần nghiên cứu phát triển một cách phù hợp.

Tại khu vực phía nam của tỉnh, hiện TP.Tam Kỳ đang tập trung xây dựng các điểm “check-in” độc đáo góp phần cải thiện việc thu hút khách. Lễ hội mùa hoa sưa là một trong những sản phẩm điểm nhấn của địa phương này nên chính quyền địa phương sẽ cải tạo khu vực cồn Chùa (nơi bao quát được vườn sưa cổ thụ) để du khách thoải mái lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ với mùa sưa vàng diễn ra vào đầu mùa hè. Được biết, lễ hội mùa hoa sưa năm ngoái ở Tam Kỳ thu hút hơn 20 nghìn lượt khách.

Trong khi đó, làng bích họa Tam Thanh - một địa điểm “check - in” từng gây chú ý với du khách cách đây vài năm đang dần hiu hắt khi một số bức bích họa bị phôi phai và bị chủ nhà đập bỏ do tường vữa xuống cấp.

Theo PGS-TS.Phạm Trung Lương - Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, đây là một trường hợp rất đáng tiếc của du lịch Quảng Nam bởi không dễ gì tạo ra một điểm đến hấp dẫn nằm ở khu vực phía nam của tỉnh. Các sản phẩm du lịch đều có vòng đời của mình nên muốn vực dậy làng bích họa Tam Thanh không gì khác phải nỗ lực làm mới lại không gian, sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiếu các góc "check-in" ở điểm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO