Thúc đẩy "kinh tế đêm"

VĨNH LỘC (thực hiện) 18/07/2020 06:36

Chiều 18.7, lần đầu tiên một sự kiện ẩm thực và âm nhạc đầy sắc màu sẽ chính thức diễn ra tại bãi biển An Bàng (phường Cẩm An, TP.Hội An). Điểm đặc biệt của lễ hội không chỉ là những món ăn ngon, mà có cả chương trình âm nhạc, vui chơi giải trí sôi động. Người mang đến sự mới mẻ đó là ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Đầu bếp Quảng Nam, Chủ nhà hàng Deckhouse An Bang Beach.

Lễ hội “Ẩm thực và âm nhạc biển An Bàng” hướng đến mục tiêu xây dựng điểm đến An Bàng thành nơi phát triển “kinh tế đêm” đẳng cấp tại Hội An, Quảng Nam. Ảnh: V.L
Lễ hội “Ẩm thực và âm nhạc biển An Bàng” hướng đến mục tiêu xây dựng điểm đến An Bàng thành nơi phát triển “kinh tế đêm” đẳng cấp tại Hội An, Quảng Nam. Ảnh: V.L

Dịp này, Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trò chuyện với ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Đầu bếp Quảng Nam và ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, về hướng phát triển đường dài, định hình thương hiệu sản phẩm du lịch biển cũng như góp phần thúc đẩy “kinh tế đêm” hiệu quả.

Nghĩ và làm

* Vì sao ông tự mình đứng ra tổ chức lễ hội mà không phải đợi ngành du lịch hoặc TP.Hội An. Ông nghĩ sẽ được hưởng lợi gì từ sự kiện này?

Ông Lê Ngọc Thuận: Lâu nay, nhiều khách du lịch Việt chỉ biết Hội An có phố cổ, các làng quê, làng nghề... mà ít quan tâm đến biển, có chăng chỉ là biển Cửa Đại; riêng bãi biển An Bàng càng ít người biết đến. Vì vậy, khi đứng ra khởi xướng và tổ chức sự kiện “Ẩm thực và âm nhạc An Bàng”, tôi muốn 2 hoặc 3 năm tới, du khách sẽ biết đến du lịch biển Hội An nhiều hơn. Qua đó, tạo sức bật mới, giúp quảng bá thêm về hình ảnh Hội An, nhất là thương hiệu biển An Bàng như là điểm vui chơi giải trí bên ngoài phố cổ; nơi thường xuyên tổ chức các lễ hội nghệ thuật đẳng cấp trong nước và thế giới. Ở đó khách không chỉ được ăn uống ngon, được vui chơi giải trí mà còn được tham gia trải nghiệm các lễ hội mang tầm quốc tế như lễ hội dù bay, lướt sóng ca nô… Dự kiến sau sự kiện lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư để lễ hội có thể diễn ra thường xuyên hơn.

Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Đầu bếp Quảng Nam.
Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Đầu bếp Quảng Nam.

Về kinh phí tổ chức sự kiện khoảng 150 triệu đồng, phần lớn do tôi bỏ ra hỗ trợ các chương trình âm nhạc, xây dựng gian hàng ẩm thực, những người tham gia gian hàng không phải đóng tiền, họ chỉ tham gia bán và thu lời. Tôi ước tính nếu khách đến An Bàng 10 phần thì mình cũng được 2 hoặc 3 phần, phần còn lại chia cho cộng đồng để ai cũng được hưởng. Chưa kể, qua lễ hội thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm của mình cũng sẽ được nhiều người biết đến, cơ hội phát triển cũng mạnh mẽ hơn.

* Ông kỳ vọng gì về sự kiện này?

Trong chiến lược quy hoạch phát triển ngành kinh tế du lịch TP.Hội An giai đoạn 2020 - 2025 nêu rõ, 5 năm tới bên cạnh quy hoạch khu thể thao tập trung trên biển, thành phố sẽ tiến hành quy hoạch mở rộng bãi tắm An Bàng; tập trung phát triển kinh tế du lịch bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, sẽ thực hiện việc cơ cấu lại hệ thống sản phẩm thị trường du lịch theo 3 cấp độ gồm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch phụ trợ tạo sự khác biệt để hấp dẫn du khách... Đồng thời thực hiện đề án “Phát triển kinh tế đêm” trong lĩnh vực du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, kéo dài ngày lưu trú, mức chi tiêu trung bình và sự hài lòng của du khách.

Ông Lê Ngọc Thuận: Đây không phải lần đầu tiên tôi tổ chức sự kiện “Ẩm thực và âm nhạc An Bàng”, vài năm trước tôi cũng đã làm rồi, nhưng quy mô nhỏ hơn, thu hút khoảng 500 khách tham gia, nhưng hiệu quả khá tốt, sự cộng hưởng của khách du lịch khi tham gia lễ hội rất nhiệt tình. Riêng lần này, trước khi tổ chức sự kiện tôi cũng đã đi khảo sát, nghiên cứu một số nơi có biển trong khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Huế chẳng hạn. Qua đó tôi nhận thấy những nơi này dường như vẫn còn chậm phát triển các sản phẩm liên quan nên muốn tiên phong thực hiện. Điểm nhấn của sự kiện chắc chắn phải là ẩm thực và âm nhạc, hai yếu tố này sẽ không tách rời nhau. Năm nay, ngoài 21 gian hàng với khoảng 50 món ăn Âu - Á, lễ hội sẽ bao gồm các hoạt động giải trí, biểu diễn âm nhạc Việt Nam và quốc tế với các dòng nhạc như pop, đồng quê, rock, hiphop, DJ… Tất cả chỉ diễn ra trong một buổi chiều tối.

Thật ra, ở một số nước trong khu vực có du lịch phát triển như Thái Lan, Indonesia… những sự kiện như thế này được họ tổ chức từ lâu, thậm chí họ quy hoạch riêng những đảo chỉ chuyên tổ chức sự kiện như vậy. Khi mùa hè tới, du khách từ khắp nơi trên thế giới đặt vé về đó ăn ở chờ sự kiện. Qua lễ hội này tôi hy vọng một ngày không xa An Bàng, Hội An cũng như vậy, đến mùa hè người ta sẽ đổ về đây để chờ những sự kiện giải trí mang tầm quốc tế. Và lễ hội lần này sẽ là sự khởi đầu cho những câu chuyện lớn hơn sau này. Bây giờ tôi muốn đặt những viên gạch đầu tiên về ẩm thực và âm nhạc, sau đó nâng tầm lên dần. Tôi muốn tạo ra đường đi riêng cho biển An Bàng, mang cơ hội đến cho An Bàng, Hội An phát triển “kinh tế đêm”, điều mà du lịch Quảng Nam lâu nay vẫn còn thiếu.

Đánh thức “kinh tế đêm”

Nhân sự kiện “Ẩm thực và âm nhạc biển An Bàng” thời gian qua, câu chuyện về “kinh tế đêm” cũng bắt đầu được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhất là các thành viên Hiệp hội Du lịch Quảng Nam. Là người luôn theo đuổi và ủng hộ ý tưởng xây dưng các sản phẩm “kinh tế đêm” trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận và phân tích những cơ hội về loại hình du lịch này.

* Có vẻ “kinh tế đêm” ở Quảng Nam lâu nay vẫn chưa được quan tâm, thưa ông?

Ông Nguyễn Sơn Thủy: Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay du lịch nhiều địa phương ở Việt Nam mới chỉ khai thác được 50% tiềm năng. Cụ thể, chúng ta mới khai thác được thời gian ban ngày của du khách, thời gian hoạt động du lịch ban đêm thì chưa. Nguyên nhân do những hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan tới trật tự, an ninh, an toàn… vì kinh tế đêm phải diễn ra xuyên suốt đến 2 - 3 giờ sáng, mà điều này chúng ta chưa kiểm soát tốt nên chính quyền vẫn chưa dám mở rộng. Trong tình hình du lịch nội địa hậu Covid-19 như hiện nay, “kinh tế đêm” được nhiều doanh nghiệp quan tâm vì rất hiệu quả trong kinh doanh. Do vậy, Nhà nước cần sớm có cơ chế quản lý riêng cũng như quy hoạch những khu vực cụ thể dành cho loại hình dịch vụ này.

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.

Với Quảng Nam điều này càng cần thiết. Lâu nay chúng ta vẫn chưa làm rõ nét được vai trò của “kinh tế đêm”, mặc dù tại một số địa phương dọc tuyến đường ven biển qua Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên… có thể làm được vì nằm độc lập, xa khu dân cư. Đặc biệt, những nơi này tập trung nhiều dự án lớn với lượng khách du lịch đông, nhu cầu vui chơi, giải trí ban đêm rất cao. Do đó, “kinh tế đêm” hình thành sẽ giúp lôi kéo khách tới lưu trú lâu hơn, tăng chi tiêu.

* Như vậy sự kiện “Ẩm thực và âm nhạc An Bàng” cũng sẽ là mục tiêu của “kinh tế đêm” mà Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đang hướng đến?

Ông Nguyễn Sơn Thủy: Trong tình hình hậu Covid-19, tôi nghĩ đây là hoạt động rất tốt, qua đó giúp kích hoạt lại thị trường khách nội địa, tạo điểm nhấn trong bối cảnh hoạt động du lịch im ắng như hiện nay. Vì thế, những hoạt động này nên được Nhà nước khuyến khích phát triển không chỉ tại An Bàng mà cả những điểm tham quan khác, Chúng ta hãy tạo ra bất kỳ sự kiện lớn nhỏ gì cũng được, phải có sự kiện để gây sự chú ý cho khách. Với vai trò của Hiệp hội Du lịch, chúng tôi luôn hưởng ứng phát triển “kinh tế đêm” ở các điểm có tiềm năng. Tuy nhiên, các cấp ngành Trung ương và địa phương, tỉnh cũng nên đồng hành, hỗ trợ; nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo ra hành lang pháp lý để xây dựng thành công các điểm du lịch “kinh tế đêm” đặc sắc, có bản sắc riêng nhằm thu hút khách, tăng thời gian trải nghiệm và chi tiêu của du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy "kinh tế đêm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO