Trắc trở du lịch địa phương

QUỐC TUẤN 09/08/2020 04:07

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở miền Trung trở lại ngay đúng mùa khách nội địa cao điểm khiến hy vọng gượng dậy của ngành du lịch địa phương bị đổ vỡ. Điều này làm chặng đường hồi sinh du lịch Quảng Nam càng gặp nhiều thách thức.

Dự báo phải đến năm 2023, 2024 lượng khách đến Quảng Nam mới có thể phục hồi như thời điểm trước dịch. Ảnh: Q.T
Dự báo phải đến năm 2023, 2024 lượng khách đến Quảng Nam mới có thể phục hồi như thời điểm trước dịch. Ảnh: Q.T

Hẩm hiu mùa khách nội địa

Do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm, mùa cao điểm khách nội địa năm nay bị kéo lùi. Phải đến giữa tháng 7 vừa rồi, khách trong nước mới bắt đầu về Hội An và một số điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Được biết, từ sau đợt lễ 30.4 và 1.5 đến trước khi dịch bùng phát trở lại, Hội An đã đón xấp xỉ 200 nghìn lượt khách nội địa.

Ông Huỳnh Sanh - đại diện Ban Quản lý du lịch xã Cẩm Thanh, chia sẻ: “Tuy không bằng cùng kỳ các năm trước nhưng khoảng từ tháng 6 khách tham quan bắt đầu rộn ràng, thậm chí đông đúc vào cuối tuần khiến người làm du lịch rất phấn khởi. Thế nhưng, tình hình khả quan chưa được bao lâu thì lại phải đóng cửa, dừng mọi hoạt động”.

Để thu hút du lịch nội địa khi chưa xuất hiện dịch, Quảng Nam đã thực hiện chính sách giảm 50% vé tham quan đối với hàng loạt các điểm đến như Đô thị cổ Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Chăm pa… từ ngày 1.8 đến 31.10 nhưng chưa kịp triển khai kích cầu đã phải bỏ ngỏ vì đại dịch.

Càng hụt hẫng hơn cho những người làm du lịch lẫn du khách khi rất nhiều chương trình lễ hội hấp dẫn được thiết kế, cải tiến phù hợp với khách nội địa lẫn khách quốc tế còn lưu lại ở Việt Nam như: “Lễ hội ẩm thực và âm nhạc biển An Bàng”, “Phiên chợ du lịch đồng quê”… đều bị gác lại. Chỉ cách đây vài tuần, những lễ hội này còn thu hút hàng ngàn du khách tham dự và hứa hẹn sẽ được tổ chức bài bản hơn theo định kỳ hàng tháng.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, việc tái phát dịch lần này xem như dấu chấm hết cho ngành du lịch địa phương trong năm nay. Dù vậy, dịch bệnh lần này cũng là thời khắc để những người làm du lịch nhìn lại những gì đã làm được trong hơn hai thập niên qua để thay đổi cách tiếp cận mới. Đó là xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch dựa trên nền tảng thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Dư âm kéo dài

Với những đơn vị kiên định về việc phát triển du lịch bền vững, “quãng nghỉ” do dịch bệnh gây ra tuy tạo sự hụt hẫng nhất định nhưng cũng là điều kiện giúp họ nạp năng lượng để gắn bó, vực lại hoạt động du lịch trong thời gian tới. Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc điều hành Jack Trần Tours chia sẻ: “Sau khi hết dịch chúng tôi sẽ lại đi trồng dừa và làm sạch vệ sinh môi trường ở Hội An. Bởi chính những điều này đã tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thú vị được du khách đón nhận xuyên suốt nhiều năm qua”.

Theo dự báo của các chuyên gia, mùa cao điểm khách nội địa năm nay chỉ kéo dài đến khoảng hết tháng 8 nên cho dù các địa phương miền Trung có sớm khống chế được dịch bệnh thì cũng khó lòng có nguồn khách để “mở cửa” trở lại trong năm nay. Trong khi đó, thị trường khách quốc tế vẫn tiếp tục đình trệ, chưa kể tâm lý e ngại của một bộ phận du khách về các điểm đến ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời kỳ hậu dịch.

Với việc tập trung nguồn lực để phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động giải pháp để triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng, triển khai ứng dụng du lịch thông minh trong thời điểm cuối năm nay trên địa bàn tỉnh cũng đang bị trì trệ và nhiều nguy cơ trễ tiến độ.

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, với kịch bản khiêm tốn mà đơn vị dự báo trong bối cảnh nước ta đến tháng 12.2020 mới hết dịch thì hy vọng phải đến năm 2023 lượng khách đến Quảng Nam mới cơ bản đạt bằng lại với mức năm 2019.

Mặc dù đứng trước vô vàn thách thức để có thể vực dậy trở lại, tuy nhiên theo kế hoạch trong năm 2021 tới đây, ngành du lịch Quảng Nam và các đơn vị liên quan sẽ triển khai nhiều nội dung quan trọng để phát triển bền vững du lịch địa phương. Bao gồm: Xây dựng đề án phát triển du lịch tỉnh để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; lập đề án phát triển du lịch TP.Hội An đến năm 2030; lập quy hoạch phát triển xã đảo Tam Hải (Núi Thành); thực hiện thí điểm triển khai mô hình làng văn hóa Lộc Yên (Tiên Phước) và làng Bhờ Hôồng (Đông Giang) theo chương trình mỗi xã phẩm một sản phẩm (OCOP)…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trắc trở du lịch địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO