Triển vọng du lịch miền núi

VĨNH LỘC 27/02/2019 16:39

Dự án Khu du lịch sinh thái cổng trời Đông Giang (thôn A Sờ, xã Ma Cooih, Đông Giang) vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương đầu tư. Qua đó mở ra những kỳ vọng về sự lan tỏa trong chiến lược phát triển du lịch ở miền núi của tỉnh.

Tín hiệu vui

Theo quy hoạch, dự án được chia làm 4 khu vực, diện tích 120ha. Cụ thể: khu phía nam có chức năng chính là dịch vụ hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật như nhà đón tiếp, nhà điều hành, khu vực bãi đậu xe, quảng trường cây xanh; các hạng mục phụ trợ, bán vé, hàng lưu niệm, đài vọng cảnh, khu xử lý nước thải, thu gom rác thải… (diện tích khoảng 15,93ha). Khu 2, diện tích khoảng 60,6ha, có chức năng chính là dịch vụ du lịch sinh thái, với các hạng mục như chòi nghỉ, tháp vọng cảnh, nhà phụ trợ, nhà hàng, nhà biểu diễn, nhà điều hành; khu trưng bày, nhà quản lý công viên... Khu 3, diện tích khoảng 29,72ha, có chức năng chính là dịch vụ du lịch văn hóa như khu tường thành (kiến trúc thành cổ), bán hàng ngoài trời, ga cáp treo, nhà hàng, đài vọng cảnh, nhà trưng bày (chủ đề Cơ Tu), các khối nhà trưng bày bán hàng… Khu 4, diện tích khoảng 13,79ha (phía bắc), chức năng chính gồm lưu trú khách sạn, nhà hàng…  Tổng nguồn vốn hơn 400 tỷ đồng do Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) đầu tư, dự kiến dự án sẽ khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào giữa năm 2019 và sẽ chính thức hoàn thành, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2021, khi đi vào hoạt động sẽ có sức chứa lưu trú khoảng 100 nghìn khách/năm.

Tuy vậy, tín hiệu vui nhất của bức tranh du lịch phía tây Quảng Nam chính là việc UBND tỉnh đã thông qua triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển du lịch miền núi Quảng Nam đến năm 2025” tại 9 huyện miền núi với nhiều nội dung thiết thực như hỗ trợ kinh phí cho 20 điểm du lịch miền núi thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch; công tác đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch của các địa phương…  Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, đề án được triển khai sẽ giúp khắc phục những hạn chế, yếu kém và đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch miền núi của tỉnh, nhất là thu hút đầu tư. “Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, du lịch miền núi Quảng Nam sẽ đón 600 nghìn lượt khách, tổng thu nhập từ hoạt động du lịch khu vực ước đạt 1.200 tỷ đồng và sẽ giải quyết việc làm hơn 4.500 lao động… Đây là những con số chúng ta có thể đạt được nếu đồng bộ và quyết liệt các giải pháp” - ông Tường nói.

Nâng cao nhận thức người dân

Vùng núi Quảng Nam có 9 huyện, là nơi sinh sống của các dân tộc Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng, Bhnoong… Đây là nơi sở hữu nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch.  Nhiều năm qua một vài dự án cũng đã đầu tư vào các huyện như Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn… nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.

Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng (đơn vị khai thác đưa khách đến làng Bhờ Hôồng, Đông Giang) thừa nhận, hoạt động du lịch Bờ Hôồng hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó nỗi lo nhất chính là biến dạng văn hóa truyền thống. “Người dân tại làng Bhờ Hôồng đã không còn mặc trang phục truyền thống, ngoại trừ các dịp lễ hội. Chưa kể, khách lên đây vì muốn tìm không gian yên tĩnh nghỉ ngơi nhưng bà con suốt ngày hát karaoke, quá ồn ào khiến khách thất vọng” - ông Dũng phản ánh. Ngoài ra, một hạn chế của du lịch miền núi hiện nay chính là tính kết nối sản phẩm với các điểm du lịch chính trong vùng như Đà Nẵng, Huế, Hội An còn yếu. Thiếu những nhà đầu tư lớn, khiến mức độ quảng bá tiềm năng điểm đến hạn chế. “Việc FVG đầu tư lên Đông Giang là tín hiệu vui trong xây dựng sản phẩm nhằm tạo sự lan tỏa và kết nối điểm đến” - ông Dũng nhìn nhận.

Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, điểm yếu của du lịch miền núi ngoài hạ tầng giao thông thì đáng lo nhất chính là nhận thức người dân. “Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư không khó, vấn đề là nhận thức người dân khó thay đổi, mà điều này thì doanh nghiệp không đủ khả năng và chức năng để làm. Do đó, trách nhiệm của Nhà nước và chính quyền địa phương không chỉ ở việc hoàn thiện hạ tầng, tạo cơ chế thông thoáng mà còn phải thể hiện ở việc đào tạo, cải thiện nhận thức người dân… Chỉ khi nhận thức của người dân được nâng cao thì hiệu quả đầu tư sẽ tốt. Chỉ cần thấy sự đầu tư có hiệu quả, tức khắc nhiều doanh nghiệp sẽ vào đầu tư” - ông Thanh phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng du lịch miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO