[Emagazine] - Chạy đua với... F

THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN 14/08/2020 07:16

Suốt 3 tuần qua, kể từ khi dịch bệnh quay trở lại và diễn tiến ngày càng phức tạp, hành trình truy vết các ca F1, F2 càng trở nên gấp gáp hơn bao giờ hết…

 

1. Chúng tôi dừng ở chốt chặn đường Hùng Vương, án ngữ ngay cửa ngõ vào trung tâm huyện lỵ Duy Xuyên. Hàng dài những người chờ đo thân nhiệt, tổ công tác làm nhiệm vụ ở chốt làm việc không ngơi nghỉ, nhắc nhở mọi người rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách. Bên trong, những tình nguyện viên hướng dẫn người dân khai báo y tế. Nơi này, hiện đứng đầu tỉnh về số người mắc Covid-19 do Quảng Nam và cả TP.Đà Nẵng công bố.

Lại giãn cách xã hội, song không như đợt tháng 4 vừa qua, không khí ở Nam Phước khác hẳn. Trong sự lặng im của dãy dài quán xá đóng cửa, những cánh cổng khép và cả con đường Hùng Vương thưa người đi lại, hình như đượm nhiều hơn những âu lo. Không lo sao được, khi Duy Xuyên đã có khá nhiều ca nhiễm Covid-19.

Ca tử vong được ghi nhận có liên quan đến Covid-19 ở Duy Xuyên có nhiều bệnh nền nghiêm trọng, như suy thận mạn tính, Lupus ban đỏ, đái tháo đường type 2, nhiễm nấm máu, nhưng cũng dấy lên ít nhiều lo lắng trong cộng đồng dân cư. Địa phương căng mình chống dịch, áp lực dồn lên hệ thống y tế lẫn các cấp chính quyền và cả cộng đồng. Hàng loạt cái khó nảy sinh, khi nhân lực, vật tư y tế thiếu hụt. Đội ngũ cán bộ y tế đã thiếu, nay càng trầm trọng hơn.

 

Ông Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Duy Xuyên nói, huyện vừa thành lập thêm một khu cách ly tập trung, là khu thứ 5 để khoanh vùng, cách ly cho những người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chỉ tính riêng F1, là những người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19 của huyện đã gần 500 người, và vẫn chưa dừng lại. “Chúng tôi đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 400 người, trong số đó địa phương phát hiện 16 trường hợp là F0 (nhiễm Covid-19). Ngoài ra, còn có 7 trường hợp F0 đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng. Số người là F2 trong cộng đồng đã xấp xỉ 2.900 người. Một số khu dân cư được phong tỏa, Trung tâm Y tế huyện cũng đang thực hiện cách ly y tế cho 52 người. Nói như vậy, để thấy áp lực hiện tại là không hề nhỏ. Lúc này, công tác truy vết những trường hợp liên quan càng có ý nghĩa đặc biệt trong việc khoanh vùng dập dịch” - ông Thạnh nói.

2. Đã ròng rã suốt từ mấy tuần nay, 3 cán bộ, nhân viên của Trạm Y tế Nam Phước túc trực luôn ở trạm. Qua bộ đồ bảo hộ bịt bùng và lớp khẩu trang kín, vẫn thấy đôi mắt của bà Nguyễn Thị Nga - Trạm trưởng Trạm Y tế hằn in vết thâm quầng.

 

“Mệt chứ. Tình hình quá phức tạp, Nam Phước là nơi có dân số đông, giao lưu với nhiều địa phương, số lượng người tiếp xúc F1, F2 vì thế rất lớn. Thị trấn đã có 12 ca dương tính với Covid-19, đặc biệt số lượng người điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng, người chăm bệnh, hoặc đi làm ăn ở TP.Đà Nẵng rất nhiều. Chúng tôi hầu như làm việc không nghỉ. Trạm có 6 nhân viên, thì đã hết 2 người phải cách ly do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19. Một nhân viên khác đang mang thai sắp sinh, chỉ còn 3 người trực chiến. Chúng tôi vừa làm công tác chuyên môn, vừa phải thu thập thông tin dịch tễ, hướng dẫn, tiếp nhận khai báo y tế của người dân. Trưa nắng hay nửa đêm, hễ nghe có ca nghi nhiễm là phải lập tức cùng công an, tổ dân phố đến nhà lấy thông tin, đưa người đi cách ly. Những ngày này, còn phải tham gia vào việc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân vùng phong tỏa. Chưa một ai trong chúng tôi về nhà kể từ khi dịch bùng phát trở lại. Điện thoại hoạt động liên tục, từ sáng tới tối, luôn phải mặc đồ bảo hộ để làm việc” - bà Nga kể.

Tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm trường hợp nguy cơ, đội ngũ những người truy vết F1, F2 ở cơ sở như bà Nga đi lại như con thoi mỗi khi nhận thông tin. Khó khăn nhất là những ngày đầu dịch bùng phát, người dân chưa ý thức được mối hiểm họa, còn thờ ơ về việc khai báo y tế, ngại khai báo vì sợ kỳ thị. Có trường hợp khai báo không trung thực, gây áp lực ngược lại cho cán bộ điều tra dịch tễ. Bà Nga kể, có người ngồi chung mâm trong tiệc cưới với bệnh nhân dương tính với Covid-19, nhưng không khai báo, chờ đến ngày thứ… 16, khi có biểu hiện khó thở, mệt mỏi trong người mới gọi điện cho bà. Nhận cuộc gọi, bà liền đến nhà, ghi nhận thông tin, lập hồ sơ ngay để đề nghị chuyển đi cách ly tập trung. Nhiều trường hợp khác đến khi có triệu chứng mới liên lạc với Trạm Y tế xã để báo cáo, lại phải lặn lội xuống tận nơi, hỏi cặn kẽ lịch trình đi lại, tiếp xúc. Mỗi khi nhận thông báo có ca dương tính, lại phải có mặt sớm nhất để dặn dò bệnh nhân và người nhà chuẩn bị, sẵn sàng các thủ tục để đưa bệnh nhân đến cơ sở điều trị và các ca F1 đi cách ly tập trung theo quy định.

“Suốt 35 năm tôi công tác trong ngành, 21 năm làm việc ở trạm y tế, chưa bao giờ tình hình căng thẳng như bây giờ. Điều đáng mừng là người dân bây giờ đã tự ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, mỗi người trở thành một “chiến sĩ”, tự giác bảo hộ cho mình, khai báo ngay khi biết thông tin có tiếp xúc với những trường hợp có nguy cơ. Chúng tôi chia nhau làm việc, chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng, vất vả hôm nay vì bình yên cho ngày mai, chỉ mong dịch sớm qua đi để tất cả đều được về với gia đình” - bà Nga tâm sự.

3. Không tính đêm ngày, giờ giấc, mỗi khi có một ca bệnh được công bố, hành trình truy vết lại tiếp tục. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trở thành “khẩu quyết” cho những người làm công tác điều tra dịch tễ ở cơ sở.

 

Ông Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Duy Xuyên nói, văn bản khá đầy đủ, nhưng đến khi triển khai thực hiện phát sinh nhiều vấn đề mới. Dịch tễ học giờ đã khác, nhiều trường hợp xét nghiệm đến lần thứ 3 mới cho kết quả dương tính với Covid-19 cho thấy sự khó lường trong diễn tiến của dịch. Duy Xuyên cơ bản đã kiểm soát được những trường hợp F1, nhưng F2 thì quá lớn. Nhiều người do quá sợ hãi về dịch bệnh, nên dù không có yếu tố nguy cơ (không tiếp xúc gần) song vẫn khai báo có tiếp xúc để… được xét nghiệm, tạo thêm áp lực cho công tác xét nghiệm của địa phương. Đi từng bước, chắc chắn nhưng không được phép chậm trễ, đội ngũ phòng chống dịch đang chìa vai gánh vác sứ mệnh không thể thay thế của mình. Thi thoảng có ca F1 được “nâng cấp” lên thành F0, việc truy vết lại mở rộng thêm, khi F2 lên thành F1 và lại phải thống kê, điều tra ngay số F2 mới để có biện pháp phòng bị kịp thời.

Con số người cách ly tập trung toàn tỉnh từ khi dịch bùng phát trở lại, tính tới đầu ngày 13.8 đã hơn 3.200 người, và thêm gần 34.000 người cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú. Nhìn vào đó, có thể phần nào đoán định được nỗi vất vả của đội ngũ những người làm công tác điều tra dịch tễ từ địa phương đến tỉnh.

 

Ông Nguyễn Văn Văn -  Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin, tỉnh vừa cử 6 đoàn giám sát, điều tra truy vết lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp F1, F2 và xác định lịch trình, cách ly, lấy mẫu đúng quy định. Ngoài ra, hơn 5.000 tổ giám sát và tuyên truyền phòng chống Covid-19 tại cộng đồng vừa được thành lập, với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế gần nhất để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đối với những trường hợp nghi mắc Covid-19.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[Emagazine] - Chạy đua với... F
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO