[Emagazine] - Quê tôi mùa Covid-19

ĐĂNG KHOA 28/08/2020 17:49

(QNO) - Hơn ba tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Mọi người vui mừng, tự hào về một Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nhưng, thật bất ngờ, từ Quảng Nam tôi lại nhận được tin không vui từ người anh em TP.Đà Nẵng: ngày 25.7 đã có thêm ca mắc vi rút SARS-CoV-2, đó là nam bệnh nhân 416, thường trú tại tổ 51, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Sau đó dịch bệnh lây nhanh trong cộng đồng. Mấy ngày sau, mẹ tôi ở Đại Lộc cũng gọi điện thoại giọng hoảng hốt: “Cái con cô vít chi đó, hắn về tới ở quê mình rồi. Lo quá con ơi!...”.

Tôi động viên, mẹ và bà con mình hết sức bình tĩnh. Không phải quá lo lắng nhưng không được chủ quan. Mọi người trong làng phải nhắc nhau là không tụ tập đông người, nhớ rửa tay bằng xà phòng, bằng nước sát khuẩn, thường xuyên đeo khẩu trang nơi công cộng, vệ sinh thông thoáng nhà cửa và không quên xem thời sự trên ti vi để biết thông tin về công tác phòng chống Covid-19.

 

Đúng là đang yên đang lành, con vi rút quái ác corona lại bùng phát, tiếp tục làm đảo lộn cuộc sống của người dân quê tôi.

Lúc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo TP.Đà Nẵng và các địa phương lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… phải nhanh chóng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tiếp tục phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Theo đó, tất cả bộ phận “tác chiến” ở các địa phương lại tái khởi động và tăng tốc ngay để truy vết, khoanh vùng dập dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Những ngày giãn cách xã hội lại bắt đầu. Trong cuộc chiến đấu mới đầy cam go và thử thách này, cả nước đã đồng lòng “chia lửa” với người dân Đà Nẵng - Quảng Nam.

Hướng về tâm dịch. Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.Đà Nẵng được thành lập nhằm triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch, điều trị bệnh nhân, công tác truyền thông trên địa bàn TP.Đà Nẵng và các địa phương lân cận có liên quan. Kiểm tra, hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế do PGS-TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách.

 

Trao đổi với báo chí, PGS-TS. Nguyễn Trường Sơn trải lòng: “Chúng tôi là những người thầy thuốc đồng thời cũng là chiến sĩ, sẵn sàng tuân thủ mọi mệnh lệnh cấp trên giao, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, chống dịch bằng cả trái tim và khối óc. Trực tiếp vào Đà Nẵng, chúng tôi hứa với Thủ tướng Chính phủ là khi nào dịch ổn định mới về là vì trách nhiệm và trái tim đối với thành phố đáng sống này. Có những lúc tôi như xát muối trong lòng khi được tin có ca tử vong vì vi rút SARS-CoV-2. Lúc đó, tôi như thất thần, rất buồn và cũng lo cho anh em. Vẫn biết rằng, đối với những người bệnh có bệnh lý nền, mạn tính, đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn, có biến chứng từ tiểu đường, suy tim thì sự xâm nhập của Covid-19 là giọt nước tràn ly”.

PGS-TS. Nguyễn Trường Sơn nói tiếp: “Xúc động nhất khi chúng tôi đến các bệnh viện (BV), thấy hình ảnh của các bác sĩ trong trang phục chống dịch rất nóng. Tôi chỉ mặc 10 phút mà đi ra mồ hôi từ đầu đến chân nhưng các nhân viên y tế phải mặc cả ngày mà không có điều hòa, phải mở cửa sổ giữa trưa. Tôi thấy rất nhiều nhân viên y tế kiệt sức… Có những bữa đến BV Phổi Đà Nẵng, BV dã chiến Hòa Vang thấy những hộp cơm vẫn còn xếp chồng lên nhau khi đã 14 giờ chiều. Mọi người chưa ăn được vì còn đang làm việc trong khu cách ly. Tôi nghĩ đó là những hy sinh rất cao cả của các nhân viên y tế…”.

Trong một lần giao ban trực tuyến với các địa phương, từ điểm cầu TP.Hà Nội, sau khi chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể về công tác phòng, điều trị dịch bệnh Covid-19; quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã không quên nhắn nhủ với “bộ chỉ huy tiền phương”: “Tôi chia sẻ với những khó khăn vất vả của các đồng chí ở trong đó, tôi mong các đồng chí cố gắng, đồng chí Nguyễn Trường Sơn động viên anh em làm việc và giữ sức khỏe, chúng tôi ở ngoài này sẽ hỗ trợ tối đa khi tiền phương cần”.

Tôi chưa một lần gặp, trò chuyện cùng PGS-TS. Nguyễn Trường Sơn, nhưng trong tôi, ông là một hình ảnh về người thầy thuốc quá đẹp, rất đẹp. Tôi ngưỡng mộ ông! Ông thực sự là người thầy thuốc của nhân dân, là tấm gương mẫu mực về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua bài viết này cho phép tôi được nói lời tri ân đến ông cùng các đồng nghiệp của ông - những chiến binh áo trắng đã căng mình trong suốt thời gian xa gia đình để “chiến đấu” với Covid-19, đối diện với hiểm nguy, giúp cho người dân quê tôi sớm có cuộc sống yên bình.

 

Trở lại câu chuyện cả nước hướng về tâm dịch. Bộ Y tế cũng đã cử đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ, tâm huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực như hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, thận nhân tạo, xét nghiệm, dịch tễ, tim mạch, ung bướu... của các BV và viện lớn như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, BV Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương... vào hỗ trợ BV Trung ương Huế cơ sở 2, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam, BV Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang, BV Phổi Đà Nẵng... cùng nhiều phương tiện, trang thiết bị y tế hiện đại được điều động ngay về Đà Nẵng để hỗ trợ thành phố khống chế dịch bệnh, chữa trị các bệnh nhân mắc Covid-19.

Với tình cảm và trách nhiệm của người thầy thuốc, nhằm góp sức chiến thắng giặc Covid-19, các đoàn bác sĩ, điều dưỡng của Hải Phòng, Bình Định, Thừa Thiên Huế đã tình nguyện lên đường chi viện cho tâm dịch cho TP.Đà Nẵng. Đoàn y, bác sĩ của tỉnh Phú Thọ và lực lượng bác sĩ giỏi của BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược và BV Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh do bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Quang Đại - Bệnh viện Chợ Rẫy làm trưởng đoàn cũng đã “về với Quảng Nam” cùng BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam, BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, BV Đa khoa khu vực Quảng Nam và BV Đa khoa TP.Hội An tham gia công tác chống dịch bệnh.

Và trong số họ, nhiều người đã cắt tóc ngắn hơn để thuận tiện trong quá trình làm nhiệm vụ, hứa quyết tâm khi nào Đà Nẵng - Quảng Nam hết dịch mới trở về tổ ấm của gia đình mình.

Hoặc trường hợp thật đặc biệt đối với bác sĩ Huỳnh Quang Đại đang chi viện điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Quảng Nam, khi hay tin người cha của mình lên cơn nhồi máu cơ tim nhập viện. Chia sẻ với các đồng nghiệp của mình ở BV Chợ Rẫy qua điện thoại, bác sĩ Đại không khỏi xúc động nói lời cảm ơn đến ban giám đốc cùng các chiến hữu của mình đã thay anh chăm sóc cho ba của mình trong tình huống khẩn cấp. “Tôi sẽ yên tâm ở lại Quảng Nam tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19”.

Thật xúc động biết bao. Như cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Lũ Covid nguy hiểm/ Luôn rình rập quanh ta/ Những chiến binh áo trắng/ Đêm nay phải xa nhà/ Họ thầm lặng ra đi/ Đầu không cần ngoảnh lại/ Dám chấp nhận hy sinh/ Cho mọi người tồn tại/ Không cần sự tán tụng/ Chẳng cần mọi huân chương/ Các chiến binh áo trắng/ Đi tới mọi chiến trường…/ Mùa dịch bệnh âu lo/ Các anh như mây trắng/ Chở che bao thôn làng/ Ngăn mưa giông, nắng hạn/ Cho bình yên mùa màng/ Họ lặng lẽ ra đi/ Đầu không cần ngoảnh lại/ Dẫu lần cuối chia ly/ Nhưng không hề sợ hãi/ Cuộc chiến đấu quyết liệt/ Đối mặt với tử thần/ Để giành lại sự sống/ Họ đêm ngày xả thân”…

 

Trong cuộc chiến với Covid-19 lần thứ hai này, mặc dù các cấp chính quyền và người dân đã có kinh nghiệm từ làn sóng Covid-19 lần trước nhưng bằng quan sát của mình tôi cảm nhận cái tâm trạng căng thẳng, lo lắng vẫn cứ bao trùm cả làng quê, phố phường. Quả thật, chưa khắc phục hết khó khăn thì nay lại chồng chất khó khăn khác. Trong bối cảnh đó, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sự chung sức, chung lòng của nhân dân cả nước đối với người dân Đà Nẵng - Quảng Nam là vô cùng to lớn, rất ý nghĩa và kịp thời. Thật đáng trân quý!.

Viết về cái tình quê trong những ngày Covid-19, tôi cứ nghe đâu đây giai điệu và những ca từ trong bài hát của nhạc sĩ Trần Quế Sơn: “Về đây thăm Quảng Nam trong lòng tôi nghe xốn xang/ Núi cao như tình mẹ, sông dài dài tình quê trìu mến…/ Quảng Nam ơi! Quảng Nam ơi/ Thương quá làng quê bão dông chìm nổi/ Thương xóm làng xưa cánh đồng trên núi/ Thương mía đường thơm tô mì gạo mới/ Thương quá Hội An phố cổ đẹp ngàn đời/ Về đây thăm Quảng Nam thương dòng sông Thu vẫn xanh/ Lúa xanh tươi ruộng đồng như tình người, tình quê đằm thắm”. Càng bão dông, càng khó khăn, nhất là trong cuộc chiến sinh tử với Covid-19 thì tình người, tình quê lại càng đằm thắm hơn.

Clip bài hát Tình quê do chính nhạc sĩ Trần Quế Sơn trình bày:

Trong khi đó, tại thành phố xinh đẹp, đáng sống bên bờ sông Hàn thơ mộng thì ca khúc “Đà Nẵng tình người” của nhạc sĩ Đình Thậm lại được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội và cùng hát cho nhau nghe để động viên vượt qua gian khó: “Đà Nẵng ơi! Đà Nẵng trong lòng tôi, sao mà sâu mà nặng. Như tình cha muối mặn, như tình mẹ gừng cay. Cho lòng bao đắm say, cho đời bao nỗi nhớ! Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi! Đà Nẵng ơi! Tình người. Đà Nẵng ơi! Tình đời. Có qua bao lận đận mới biểt đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu. Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình…”.

Bài hát Đà Nẵng tình người do Anh Thơ trình bày. (Nhạc: Đình Thậm. Thơ: Ngân Vịnh):

Bằng tất cả nghĩa tình hướng về Đà Nẵng - Quảng Nam, gần một tháng qua, nhiều nghệ sĩ trong cả nước đã góp sức chung tay cùng bà con ở tâm dịch chiến đấu và đẩy lùi cho bằng được giặc Covid-19. Ca sĩ Quang Hào - người con của vùng quê Hiệp Đức, hiện là Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng cũng “xung trận”, góp sức cùng các lực lượng đang xông pha ở tuyến đầu chống dịch. Ca sĩ Quang Hào bộc bạch: “Đà Nẵng và Quảng Nam đều là quê hương. Người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ nên em sẽ “cháy” hết sức mình để góp một phần đẩy lùi Covid-19”.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cũng kịp nghĩ ra chương trình “Đà Nẵng - Quảng Nam, Triệu con tim hướng về” tổ chức dưới hình thức livestream trực tuyến kết nối các điểm cầu: TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội quy tụ hơn 60 nghệ sĩ tên tuổi trong cả nước để quyên góp tiền ủng hộ bà con quê nhà. Tại buổi livestream, NSƯT Hoài Linh đã sáng tác bài thơ Quảng Nam được viết thư pháp để đấu giá và được một doanh nhân trả giá cao nhất 700 triệu đồng để gửi tặng đến tuyến đầu chống dịch. Bài thơ có đoạn: “Hướng về Quảng Nam với cả nghĩa tình sâu nặng/ Góp sức chung tay để cùng lo cho đặng/ Dịch họa thiên tai bệnh tật được đẩy lùi/ Để mảnh đất Quảng Nam mãi mãi nở nụ cười/ Để người con Quảng Nam tự hào về nhân nghĩa”. Các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Dương Triệu Vũ, danh ca Ngọc Sơn, Hoa hậu H'Hen Niê, Lương Thùy Linh, Trần Tiểu Vy, Á hậu Lệ Hằng cùng nhiều nghệ sĩ khác ở khắp mọi miền đất nước cũng đều có những nghĩa cử đẹp cùng chung tay hướng về tâm dịch.

 

Cùng với Đà Nẵng, các cấp, các ngành và toàn dân trên địa bàn Quảng Nam cũng phải gồng mình để cùng nhau vượt qua nguy nan và hơn lúc nào hết cái nghĩa, cái tình lại đong đầy và tỏa sáng trên khắp nẻo quê hương.

Thật là cảm động, Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tẩu năm nay đã ngoài 90 tuổi, ở khối phố Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn) có 6 người con, chồng và con gái hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ đã trao tặng số tiền 2 triệu đồng chung tay cùng địa phương phòng chống dịch.

Một bác sĩ của BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam dâng hiến tiểu cầu để cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 đang trong tình trạng nguy kịch. Đến những yêu thương của đồng bào các dân tộc nơi miền núi cao của huyện Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang gửi về xuôi bằng những sản vật sẵn có tại địa phương như măng rừng, chuối, sắn, khoai, bầu, bí, rau rừng các loại… cho đến từng bó củi, lon gạo, con gà dành cho đồng bào miền xuôi trong mùa Covid-19.

Các cấp hội phụ nữ, thanh niên trong tỉnh cũng triển khai mô hình “Phiên chợ 0 đồng”. Rồi, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, một nhóm học sinh ở thôn 1, xã Trà Mai (Nam Trà My) đi nhặt ve chai bán lấy tiền ủng hộ miền xuôi chống dịch hoặc câu chuyện 3 học sinh ở Trường Tiểu học - THCS Lý Thường Kiệt (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) đập heo đất mua 5 thùng mì ăn liền ủng hộ bác sĩ ở tuyến đầu khiến nhiều người cảm động. Và còn phải nhắc đến tấm lòng của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, bà con và doanh nhân Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội hướng về quê nhà. Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện, các cơ sở Phật giáo trong tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực, tiếp tục đồng hành các nhà hảo tâm trao vật dụng y tế, hàng hóa đến các cơ sở y tế, lực lượng làm nhiệm vụ ở khu cách ly là vô cùng ý nghĩa…

 
 

Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 chiều 21.8, Thủ tướng yêu cầu phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh, nhất là trong hệ thống y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện; tiếp tục chung sống, chiến đấu trường kỳ với dịch bệnh. Phòng chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch trên địa bàn, trong phạm vi quản lý. Phải tập trung, dồn lực, kiên quyết thực hiện các giải pháp phù hợp phòng chống dịch. Trường hợp xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly gấp và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để người dân lo lắng, bất ổn do giãn cách xã hội. Phát huy các kinh nghiệm quý như thần tốc chỉ đạo, truy vết và xét nghiệm nhanh trên diện rộng; truyền thông sâu rộng, minh bạch, kịp thời; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân. Duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trong mọi ngành, lĩnh vực trong điều kiện bình thường mới ở mức cần thiết, không để đình trệ, đứt gãy. Các cơ sở sản xuất phải có phương án tổ chức sản xuất phù hợp, phòng dịch chặt chẽ, không để ngưng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 đã thống nhất nhận định, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam… đã được kiểm soát. Ban chỉ đạo cũng đề nghị, để chung sống an toàn với dịch bệnh, các cơ quan truyền thông, tổ chức đoàn thể tiếp tục tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh cơ bản như: hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên đeo khẩu trang nơi đông người...; rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn…; không lơ là, chủ quan trước diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Thiết nghĩ, các địa phương, đơn vị cần quan tâm những kinh nghiệm mà Bộ Y tế vừa tổng kết từ công tác phòng chống dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam hay Hải Dương để tiếp tục có nhiều phương án tác chiến với Covid-19 một cách phù hợp, hiệu quả nhất.

Đó là, công tác phòng chống dịch đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo, các cấp các ngành, cơ quan Trung ương, địa phương. Xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời, tiết kiệm cho nguồn lực. Hành động quyết liệt, giãn cách kịp thời. Huy động các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ, các chuyên gia và sinh viên tham gia phối hợp Đà Nẵng, Quảng Nam để chống dịch đồng thời thiết lập ngay Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng. Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng hoạt động của các tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng. Phát huy tốt sức dân trong phòng chống đại dịch. Đảm bảo tất cả hoạt động phát triển kinh tế với khu vực khác như kiểm soát biên giới, người nhập cảnh, bảo hộ công dân và chủ động về hậu cần, sẵn sàng điều chuyển hỗ trợ khi các địa phương, cơ sở y tế có nhu cầu.

Từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi luôn ước ao cho “dông bão” sớm qua đi, để người dân quê tôi tiếp tục hành trình mới đầy tươi sáng cho hôm nay và cho cả mai sau.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[Emagazine] - Quê tôi mùa Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO