[eMagazine] - Thanh xuân ở lại núi cao...

THANH THẮNG - HOÀNG LY 20/11/2019 10:22

Nghề giáo là một nghề như bao nghề nghiệp khác. Nhưng không giống bao nghề khác bởi sự cho đi là vô kể.

 

Thời gian trôi qua trên tuổi người, thanh xuân là khoảnh khắc tươi đẹp nhất. Và có một thanh xuân đã ở lại nơi họ dành trọn mọi buồn vui, hi vọng, tự hào của nghề nghiệp – nghề giáo cao quý, và có vẻ như trường tồn với thời gian, khó đong đếm rạch ròi.

Nếu có đôi chút băn khoăn, bạn hãy cùng tôi cùng lên vùng cao Nam Trà My, nơi mà những mái trường lẩn khuất trong sương luôn có nhiều câu chuyện dành cho bạn.

 

Mùa đông năm nay dường như ít khắc nghiệt hơn, nhưng buổi lên lớp nào cô giáo Nguyễn Thị Hoạt cũng phải choàng áo lạnh. Cái lạnh bình thường ở vùng cao mùa này có khi “chấp” cả mùa đông tê tái dưới xuôi. Chưa kể sức khỏe của nhà giáo gần 30 năm nghề ấy không đủ để chống lại với cái lạnh miền cao.

Tôi tự hỏi có kiểu gương mặt nào dành cho những nhà giáo?

Ở cô giáo Nguyễn Thị Hoạt (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, Nam Trà My) là gương mặt của người mẹ tận tụy, chịu thương chịu khó, nét ưu tư thường trực như muốn nói với người đối diện: học trò tôi đấy, mai này cứng cáp không biết có đua kịp với chúng bạn không…

Mùa xuân năm 1990, cô giáo Hoạt từ xã Trà Dương (huyện Bắc Trà My) lặn lội lên Trà Tập nhận nhiệm vụ. Ngày ấy đường chưa mở, chuyến đi mất vài ngày trời. Thân gái vượt sông Tranh, lần nào may mắn thì nhờ đò, không đò thì vượt sông bằng bè chuối, quần áo tư trang gói trong một chiếc túi ni lông để khỏi ngấm nước. Những đồng nghiệp của cô giáo Hoạt có khi suýt mất mạng trên dòng sông có cái tên như thơ ấy.

Bước chân mệt nhoài bao lần đến những điểm trường xa lắc của cô gái độ tuổi thanh xuân ấy có lúc nghe chùng chình với suy nghĩ nhiệm vụ này sẽ mau kết thúc, mình sẽ lại về quê, lấy chồng, công tác ở một nơi thuận lợi hơn…

 

Gần ba mươi năm làm nghề giáo ở vùng rừng núi Trà Tập, bước chân cô giáo Nguyễn Thị Hoạt đặt đến hầu hết các điểm trường xa nhất như Răng Chuổi, Tắk Pổ, Măng Ổi… Cực nhọc, thiếu thốn đối với họ như một sự thật hiển nhiên nhưng không khi nào trong lòng nhà giáo ấy dấy lên suy nghĩ làm cho xong nhiệm vụ. Mỗi lần chuyển điểm trường đi nhận nhiệm vụ ở thôn, nóc khác là cô giáo ấy nước mắt ngắn dài vì nhớ lớp, nhớ học trò.

Cô giáo Hoạt nay đã 53 tuổi. Vùng cao hôm nay đổi thay quá nhiều so với ngày đầu tiên lên nhận nhiệm vụ. Gắn bó gần như trọn tuổi thanh xuân cho sự học vùng cao, không một ý nghĩ “phản bội” dấy lên sau hành trình dài nhọc nhằn thuở gian khó, tấm lòng nhà giáo ấy giờ thong dong lắm. “Nếu chọn lại nghề, tôi cũng chỉ chọn nghề giáo thôi!”.

 

Ai đã đặt tên cho cái nóc một lần tang thương ấy cái tên thật hay: Khe Chữ.

Thảm họa sạt lở núi tháng 11.2017 là câu chuyện sẽ còn nhắc đến nhiều đời nữa trong cộng đồng dân Khe Chữ và nóc Ông Tuân (xã Trà Vân): cả một ngôi làng gần như bị xóa sổ hoàn toàn, hàng chục người bị thương, mất mạng.

Ngay sau thiên tai, bà con dắt díu nhau đi tìm nơi ở mới. Trong cuộc di dân trong nước mắt bởi nỗi đau mất người, mất của, mất làng ấy không ai quên nhiệm vụ là vẫn tiếp tục duy trì lớp học cho các cháu. Và trong cái huyên náo của người người dựng lại nhà mới, bao xôn xao chỗ ở mới cũ thì tiếng đọc bài vẫn vang lên mỗi ngày trong căn nhà tạm được trưng dụng thành lớp học dã chiến. Chính thanh âm trong trẻo ấy đã làm giảm đi nỗi ảm đạm của mấy ngày tang tóc đã qua.

Thôn 2, Trà Vân những ngày tang thương... (Video: THANH THẮNG)

Thầy Lê Châu Khánh (Trường tiểu học Trà Vân) và cô giáo Hồ Thị Ngọ (Trường Mẫu giáo Họa Mi, xã Trà Vân) được phân công về làng Khe Chữ ổn định và dạy học cho các em nhớ như in ngày ấy. “Sau trận sạt lở mất làng, mọi thứ gần như đảo lộn hoàn toàn, dân tình ngơ ngác vì gần như không còn gì để mang theo. Chúng tôi dù phân tâm đến mấy trong lúc bộn bề ấy thì cũng phải tập trung cho nhiệm vụ của mình lúc ấy, là dạy”.

 

Ngôi nhà ở một nhóm công nhân thi công đường Đông Trường Sơn được tận dụng thành lớp học. 28 em, hai lớp ghép lại. Hai mươi học trò học chung 2 cuốn sách, vì mọi thứ đã bị chôn vùi.

Lịch sử của Khe Chữ có những ngày lạ lùng như vậy.

Dùng một mảnh ván làm bảng, than củi thay cho phấn trắng, thầy Lê Châu Khánh viết những dòng chữ đầu tiên ở làng mới với hi vọng con chữ sẽ lấn át đi nỗi hãi hùng trong tâm trí non nớt của lũ trẻ. Dần dà, bút, vở bảng viết cũng theo thầy Khánh, cô Ngọ trở về từ nhiều lần lặn lội về các điểm trường khác để chia sẻ. Những bữa cơm ấm nóng cũng chính do các thầy cô vận động chăm lo từ chính quyền và các tổ chức từ thiện.

“Sáng sớm phụ huynh đưa con đến học, học xong các em vẫn ở lại ăn trưa chờ phụ huynh chiều đến đón về, như thế bà con mới có thời gian tập trung vào dựng nhà sớm ổn định cuộc sống” - thầy Khánh kể về những ngày vừa làm thầy giáo, vừa làm người chăm trẻ đáng nhớ của mình.

Năm học 2018-2019, trường mới Khe Chữ được hình thành, việc dạy học ổn định trở lại, thầy Khánh được về trường chính, nhưng vẫn thương học trò Khe Chữ. “Bảy năm công tác vùng cao, kỷ niệm ở Khe Chữ thật khó quên và thật đẹp trong nghề” - thầy Lê Châu Khánh chia sẻ.

 

Hẳn nhiều người chưa quên câu chuyện về buổi lễ khai giảng đẹp như mơ của cô trò điểm trường Tắk Pổ (Ngọc Linh, Nam Trà My) mới đây.

Làng Tắk Pổ chỉ có 35 hộ đồng bào Ca Dong, sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy nằm rìa chân núi Ngọc Linh (thôn 1, xã Trà Tập), quanh năm đầy ắp tiếng cười nói trẻ thơ. Điểm trường Tắk Pổ nằm cheo leo trên đỉnh đồi đầy cỏ may, bao quanh ngôi là hàng cau xanh như khung cảnh trong cổ tích.

 

“Nàng tiên” trong đời thực là hai cô giáo tuổi đời còn rất trẻ: cô giáo Trà Thị Thu, 25 tuổi và Riah Uối, 23 tuổi, cả hai đều xinh xắn, tươi trẻ… Thu quê xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình) lên công tác ở Trà Tập hơn 5 năm, đây là năm đầu tiên được phân công dạy lớp 1 và 2 với 12 học sinh tại điểm trường Tắk Pổ.

“Buổi sáng mình dạy chính, buổi chiều phụ đạo cho các cháu yếu hơn. Bọn trẻ Ca Dong nói tiếng Kinh còn yếu lắm nên mình vất vả hơn nhưng các cháu lại rất ngoan, vâng lời cô lắm”.

 

Riah Uối không phải là người địa phương mà quê tận xã vùng cao Chơ Chun, huyện Nam Giang – cách Tắk Pổ hơn 200 cây số. Đường về nhà quá xa, cách trở, nên Riah Uối lấy nghề giáo ở đất này làm niềm vui trọn tuổi xuân của mình.

 

Chiều về, bọn trẻ lẽo đẽo theo chân hai cô giáo trẻ ra bờ suối hái rau. Tiếng trẻ ríu rang, khung cảnh yên bình trong sương chiều trôi qua trôi qua e không nhà đạo diễn điện ảnh đại tài nào phác họa được. Thanh xuân như thế của họ thật đáng giá.

Thanh xuân như cổ tích của cô và trò ở Tắk Pổ. (CTV)

 

Dạy chữ, trông trẻ… và còn gì nữa trong dặm dài sự nghiệp nhà giáo vùng cao?

Thưa rằng, còn vô khối những việc lạ lẫm khác mà những đồng nghiệp của họ ở vùng xuôi chắc chắn không thể nghĩ ra. Ví như chuyện nuôi heo, trồng rau - không khác gì bộ đội tăng gia sản xuất mới đủ nuôi ăn các em.

Điểm trường chính Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập có 325 học sinh, trong đó có 265 em bán trú. Mức chu cấp của nhà nước gần như chưa thấm tháp gì với sức ăn các em. Ba bữa cơm mỗi ngày, kho gạo, kho thức ăn vơi đi nhanh như cơn gió xua nhanh làn sương buổi sớm.

Vậy là khu đất trước sân nhà ở của giáo viên thành vườn rau. Nhà giáo nào cũng biết cuốc đất trồng rau như nhà nông thứ thiệt. Và chăm luôn đàn heo 12 con… Tất cả đều dành cho bếp ăn nội trú.

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo – điểm trường bán trú tiểu học Trà Tập thường đưa học sinh ra vườn sau giờ học. Nhổ cỏ, trồng rau, chăm bón vườn tược như một nội dung sinh hoạt ngoại khóa, có tác dụng kép là vừa cho các em có cơ hội lao động thực tế, vừa là để cải thiện được bữa ăn.

 

“Lấy ngắn nuôi dài” – câu thành ngữ dường như đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đối với thầy trò điểm trường Trà Tập. Không biết bao lứa hạt mầm rau cải đâm chồi trên những lớp đất không mấy màu mỡ được tỉ mẩn đào xới, bao lứa heo lớn lên bằng sự tận tụy… tất cả để nuôi lớn các em. Cái chữ dường như trở nên dễ đọc, con số dường như biết vâng lời hơn khi những cái dạ dày không còn kêu gào vì thiếu thốn…

Thầy giáo Lê Huy Phương - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập khi được hỏi về tâm sự những nhà giáo đa năng như vừa kể chỉ biết cười thật hiền. Mọi diễn tả hay trau chuốt ngôn từ có lẽ không lột tả được chân tình trong mọi việc làm hằng ngày của họ. Hạnh phúc của họ cồn lên như những đợt sóng khi lớp học trò này nối tiếp lớp học trò khác đủ tuổi ra đi. Còn họ ở lại với bếp ăn quen thuộc, mỗi đầu năm học lại điền thêm những gương mặt mới.

Có ty tỷ điều hay phát xuất từ tấm lòng các nhà giáo dành cho trẻ vùng cao. Ví như chuyện “Gian hàng 0 đồng chia sẻ yêu thương” ở trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Trà Don (xã Trà Don).

Thay vì phân phát áo quần, các đồ dùng hữu ích khác cho các em thì nhà trường đã thay đổi cách làm. Đó là tập trung tất cả về tủ hàng để ở trường, em nào cần thứ gì, thử vừa thì mang về dùng, tránh việc được phân phát những thứ không vừa vặn phải bỏ đi, lãng phí. Đã có hàng trăm thứ vật dụng không cần thiết của người này đến tận nơi mà người khác thấy cần từ chiếc tủ hàng này.

Cũng ở điểm trường này, phong trào “Đôi bạn học tập” đã ghi nhận sự tiến bộ đáng mừng của nhiều học trò. Hay từ nhiều năm trước, các thầy cô đã tự nguyện đóng góp nuôi học trò…

 

Có lẽ tình yêu học trò, sự tận tụy với nghề giáo đã lan tỏa thật sự yêu thương trong cộng đồng. Nên mấy năm qua, bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, có hàng trăm nguồn viện trợ khác ở khắp mọi miền giúp các điểm trường heo hút ở Nam Trà My được xây dựng kiên cố, nhưng bản làng sáng lên bởi con chữ lan dần đến mọi điểm cao, xa hút.

Thầy giáo Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My chia sẻ, toàn huyện có 116 điểm trường lẻ, hiện chỉ còn 36 điểm trường chưa kiên cố. Những điểm trường còn lại sẽ tiếp tục vận động từ nguồn xã hội hóa.

 

Mấy hôm trước, cô giáo Phạm Thị Hiền Sinh - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập nhận được quà chúc mừng Ngày Nhà giáo sớm. Đó là bó hoa rừng các em hái được trên đường từ nhà trở lại trường. Mùa này hoa rừng hiếm hơn, chưa kể có khi không thể ra rừng bởi mùa mưa lạnh buốt, muỗi vắt chực chờ.

Cô giáo Trần Thị Tú Điển từ vùng biển Tam Tiến (Núi Thành) lên công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My) đã hơn 4 năm nay cũng dần quen với cái tình mộc mạc của các em. Nếu thấy một cô cậu học trọ lấm lem, mặt đỏ dừ đến tận mang tai, dấm dúi vật gì đó sau lưng thì chắc chắn các cô có quà!

 

Mọi ngôn từ dù phong phú đến mấy cũng không thể diễn tả được tâm tình của lớp lớp thầy cô giáo gieo chữ ở vùng cao. Mọi con số dù nhiều đến mấy cũng không đong đếm được cái tình gói ghém trong con chữ đã làm nên bao đổi thay điều kỳ diệu ở vùng cao.

Có người đã nghĩ chỉ dành một thời đoạn thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp trồng người trên núi cao, song hầu hết họ đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp trồng người cao cả nơi ấy.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Thanh xuân ở lại núi cao...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO