Đảm bảo bếp ăn bán trú cho học sinh

CHÂU NỮ 24/09/2020 04:31

Nhiều trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị bếp ăn bán trú phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bữa ăn bán trú ở Trường Mẫu giáo Hoa Sen (Tam Kỳ). Ảnh: C.N
Bữa ăn bán trú ở Trường Mẫu giáo Hoa Sen (Tam Kỳ). Ảnh: C.N

Lo lắng khi tổ chức bán trú hậu dịch Covid-19 không chỉ là tâm trạng của cán bộ lãnh đạo các trường mà còn của phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh dù rất khó khăn trong việc đưa đón con đi học 2 buổi/ngày vẫn không đăng ký bán trú cho con vì lo ngại dịch bệnh. Trong khi ở bậc mầm non, gần như 100% phụ huynh đăng ký bán trú thì ở bậc tiểu học, con số này dao động 80 - 90%.

Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, ngành không chỉ chú trọng việc học mà còn chú trọng cả việc nuôi dưỡng sao cho chu đáo, chất lượng. Việc tổ chức bán trú năm học này vất vả hơn mọi năm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Dù rất lo lắng, nhưng các trường cố gắng chuẩn bị mọi điều kiện tổ chức bán trú để tạo thuận lợi cho phụ huynh.

Vào đầu năm học, nhiều trường có bán trú trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho đội ngũ cấp dưỡng cũng như cán bộ quản lý, giáo viên. Ở Phú Ninh, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện tổ chức họp với các trường học và dự kiến tổ chức bán trú từ ngày 5.10 tới ở bậc tiểu học. Việc triển khai bán trú thận trọng và có phần muộn hơn mọi năm là để các trường có thời gian chuẩn bị, nhằm vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Tương tự, tại một số huyện, thị xã khác, công tác bán trú năm học 2020 - 2021 cũng được các trường tổ chức theo hướng “2 trong 1”: vừa tổ chức bán trú, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, nên công tác tập huấn và vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng hơn.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Sen (Tam Kỳ) cho biết, trước khi tổ chức bán trú năm học 2020 - 2021, nhà trường trang bị đầy đủ các đồ dùng, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch như nước rửa tay, gel sát khuẩn, khẩu trang, kính chống giọt bắn. Nhà trường hợp đồng với những đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín và hồ sơ pháp lý đầy đủ. Cùng với đó là phân công nhân viên y tế, ban giám hiệu kiểm soát thực phẩm 3 bước, từ sơ chế, chế biến đến đầu ra sản phẩm. Thức ăn được che đậy, bảo quản kỹ khi vận chuyển từ bếp ăn đến từng lớp, thực hiện lưu mẫu thực phẩm theo quy định.

Theo cô Mỹ Dung, quan trọng là giáo viên tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng nước sát khuẩn trước khi vào lớp, sau giờ chơi; rửa tay bằng xà phòng trước giờ ăn, sau khi đi vệ sinh.

Dự kiến tổ chức bếp ăn bán trú từ đầu tuần sau, cô Nguyễn Thị Thanh Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ) cho biết, nhà trường tổ chức bán trú dựa trên nhu cầu của phụ huynh với khoảng 760/920 học sinh đăng ký bán trú. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, nhân viên phục vụ, nhân viên cấp dưỡng đã được yêu cầu bảo đảm vệ sinh trong quá trình chế biến, nay yêu cầu này càng đặt ra nghiêm ngặt hơn như mang khẩu trang suốt quá trình làm việc; tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt quá trình chế biến; thường xuyên rửa tay đúng cách trước, trong và sau khi chế biến… Về dinh dưỡng, nhà trường dự kiến cải thiện bữa xế cho học trò. Ngoài ra, nhà trường cũng quy định hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp với nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảm bảo bếp ăn bán trú cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO