Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ô tô

QUẾ LÂM 03/11/2020 11:43

Đại học Đà Nẵng vừa phối hợp với Tập đoàn Ô tô Trường Hải (THACO) tổ chức tọa đàm về đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Đại học Đà Nẵng phối hợp với THACO tổ chức tọa đàm về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Ảnh: Q.L
Đại học Đà Nẵng phối hợp với THACO tổ chức tọa đàm về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Ảnh: Q.L
 PGS-TS. Phạm Xuân Mai (Tập đoàn THACO) chia sẻ, với dân số gần 100 triệu người, tăng trưởng bình quân 6,5%/năm, thu nhập đầu người bình quân 3.000USD/năm, trong đó có đến 65% dân số trẻ, thị trường ô tô ở Việt Nam hiện nay và những năm đến là rất tiềm năng. “Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đứng trước cơ hội và thách thức phải hoạch định chiến lược đến năm 2030 với 3 xu hướng chính (xe điện, xe tự lái - thông minh và dịch vụ chia sẻ phương tiện), trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao và ĐMST là 2 trụ cột” - ông Phạm Xuân Mai nhấn mạnh.

GS-TS. Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định, xu thế phát triển công nghệ ô tô Việt Nam và thế giới là hạn chế động cơ diesel, động cơ đốt trong, thay vào đó sẽ sử dụng các nhiên liệu sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường như hybrid, điện accu, pin nhiên liệu hydrogen… Vì thế, ngành công nghiệp ô tô trong nước cần sẵn sàng, chủ động nghiên cứu ĐMST để đưa ra những sản phẩm thích ứng, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao; việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh theo hướng thực chất, hiệu quả hơn.

Tham gia tọa đàm, TS. Trần Văn Luận, giảng viên ngành Cơ khí - Giao thông Đại học Đà Nẵng cũng đã giới thiệu một số kết quả nghiên cứu về ứng dụng vật liệu mới trong chế tạo ô tô. Theo đó, công nghệ ứng dụng tấm composite lõi tre đã cho thấy một số ưu điểm như cách âm tốt, độ cứng, sức bền và độ chịu lửa cao, cấu trúc tấm chế tạo bằng công nghệ hút chân không…, nên có thể xem xét tính khả thi cho các tấm vách của xe bus…

PGS-TS. Nguyễn Hữu Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đại học Đà Nẵng cho biết, nhà trường đã và đang triển khai phương pháp Học theo dự án (Project-based Learning) cho sinh viên (SV). Theo đó ngày càng có nhiều chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia đồng hướng dẫn, đánh giá, tạo nhiều cơ hội cho SV thực hành, thực tập và thực hiện các đề tài có tính liên ngành, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Nhà trường và THACO sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong thời gian đến trong đào tạo nguồn nhân lực (cử chuyên gia THACO đồng hành với nhà trường góp ý, phản biện, đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo, đồng hướng dẫn, tiếp nhận SV thực tập, làm đồ án…; ưu tiên tuyển dụng SV tốt nghiệp; đào tạo sau đại học cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của THACO…).

Đại diện THACO cho biết, sẽ tăng cường phối hợp, đặt hàng, tài trợ cho các dự án nghiên cứu ĐMST góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết trong thực tiễn của doanh nghiệp. Mô hình tương tự Tập đoàn Fujikin Nhật Bản vừa ký kết xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển ngay tại Trường Đại học Bách khoa Đại học Đà Nẵng... Trong khi đó, xác định chiến lược phát triển khoa học công nghệ gắn với ĐMST, phục vụ nhu cầu phát triển các địa phương, doanh nghiệp, thời gian qua Đại học Đà Nẵng cũng đã có nhiều ký kết, thỏa thuận hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn lớn như THACO là đối tác quan trọng, có truyền thống gắn bó với các trường thành viên trong hợp tác đào tạo nhân lực và ĐMST.

Dự án nghiên cứu phát triển Robot hàn khung vỏ xe của các nhà khoa học thuộc Đại học Đà Nẵng đã được triển khai, ứng dụng hiệu quả tại THACO, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đổi mới công nghệ và giá trị cạnh tranh cho sản phẩm các dòng ô tô trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều cựu SV của Đại học Đà Nẵng đã và đang làm việc tại THACO, trong số đó có không ít người đảm nhận những vị trí chủ chốt, đóng góp tích cực cho sự phát triển của THACO.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO