Giáo dục ngoài công lập vật vã xoay xở trong đại dịch Covid-19

MỸ LINH - THANH THẮNG 16/03/2020 10:47

(QNO) - Dừng tất cả mọi hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, hàng trăm trường học, nhóm trẻ ngoài công lập lâm vào cảnh khó khăn, giáo viên không có nguồn thu nhập phải tự tìm kiếm việc làm để trang trải cuộc sống...

Các trường mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: L.T
Các trường mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: L.T

Nhiều khó khăn

Trường THPT Hà Huy Tập (TP.Tam Kỳ) là trường THPT ngoài công lập duy nhất trên địa bàn tỉnh. Năm học 2019 - 2020, trường có gần 400 học sinh (HS) ở 3 khối, riêng khối 12 có 72 HS, cùng với hơn 20 cán bộ, giáo viên. Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, nhà trường đã cho HS nghỉ học. Việc nghỉ học kéo dài khiến nhà trường rơi vào tình thế khó khăn.

Thầy Lại Thế Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết, nghỉ học quá nhiều khiến việc dạy và học bị gián đoạn, HS bị mai một kiến thức. Nhất là HS khối 12, thời điểm ôn tập thi tốt nghiệp THPT sẽ rất ngắn và không hiệu quả.

“HS của trường có sức học hạn chế hơn các trường khác, vì thế phải được duy trì  việc học tập liên tục mới đạt hiệu quả. Với tình hình hiện tại, sẽ rất khó khăn cho các em HS và thầy cô khi quay trở lại trường” - thầy Nam nói.

Theo thầy Nam, là trường tư thục nên nguồn thu chi của trường phụ thuộc phần lớn vào nguồn học phí của HS. Hiện nhà trường đã chi trả lương tháng 2.2020 cho cán bộ, giáo viên từ nguồn kinh phí dự trữ. Tháng 3 này, trường cũng đang cố gắng chi trả lương cho thầy cô giáo. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì chưa biết xoay xở thế nào.

“Tình hình như hiện nay thì không biết khi nào các em mới đi học lại, vì nếu việc kết thúc và bắt đầu năm học quá sát nhau thì nhà trường sẽ rất khó trong việc tuyển sinh, tập huấn cho giáo viên. Vì thế, trường mong muốn Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT điều chỉnh khung chương trình phù hợp để các em học và thi thuận lợi. Ngoài ra, cũng mong muốn có một số chính sách hỗ trợ trường tư như gia hạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, giãn thời gian đóng thuế…” - thầy Nam nói.

Từ khi có thông báo nghỉ học, lớp trẻ tư thục Lá Non (thôn Nam Sơn, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) cũng đóng cửa. Chị Nguyễn Thị Nhật Nguyệt - chủ cơ sở cho biết, cơ sở có 15 trẻ (từ 1 - 3 tuổi) do chị và một cô giáo khác trông. Nhưng từ giữa tháng 2 đến nay cơ sở phải dừng hoạt động để tránh dịch Covid-19.

Trẻ nghỉ học, chị Nguyệt mất công ăn việc làm, mất thu nhập. Để trang trải cuộc sống, những ngày qua chị phải đi vớt rong câu về bán. Mỗi ngày đi từ 5 giờ đến 8 giờ sáng, dầm mình sông Trường Giang (đoạn qua xã Tam Hiệp) để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

“Hầu hết các điểm giữ trẻ trường tư thục như chúng tôi đều rơi vào cảnh khó khăn, vì nguồn thu duy nhất từ việc giữ trẻ. Nếu nghỉ lâu quá thì sau này gây dựng lại như ban đầu là rất khó” - chị Nguyệt nói.

Chị Nguyệt (Lớp trẻ tư thục Lá Non, xã Tam Hiệp) phải hái rong câu bán kiếm thêm thu nhập trang trải gia đình. Ảnh: L.T
Chị Nguyễn Thị Nhật Nguyệt - chủ lớp trẻ tư thục Lá Non (xã Tam Hiệp) phải đi hái rong câu bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: L.T

Chị Ngô Thị Mỹ Ánh - giáo viên Trường Mầm non tư thục Sương Mai (thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp) cũng rơi vào cảnh tương tự. Cơ sở này trước tết có 40 trẻ, với 4 cô giáo. Tuy nhiên, từ khi có dịch bệnh, cơ sở cũng phải đóng cửa.

Chị Ánh gửi con nhỏ để đi vào Đắk Lắk hái hạt điều, rồi tìm mọi cách để có thu nhập trang trải trong gia đình. Các cô giáo khác cũng phải tự đi kiếm việc làm như phụ quán ăn, bán hàng online... “Cuộc sống thực sự rất khó khăn lúc này. Chỉ mong mau hết dịch bệnh để chúng tôi quay lại công việc với lớp, với trẻ” - chị Ánh tâm sự.

Thời điểm hiện tại, các trung tâm ngoại ngữ, tin học cũng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Một số trung tâm ngoại ngữ có hàng trăm học viên, nhưng gần 2 tháng nay học viên không đến lớp, không có khoản thu nào trong khi phải chi trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên, giáo viên người nước ngoài, bảo hiểm xã hội. Nỗi lo lớn hơn là những khoản vay ngân hàng để vận hành trung tâm.

Để xoay xở trước tình thế khó chung này, nhiều trung tâm phải cắt giảm chi phí từ 30 - 50%, nhiều nhân viên phải nghỉ việc, cắt hợp đồng với giáo viên người nước ngoài.

Mong được sẻ chia

Ông Nguyễn Văn Nghiệp - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển giáo dục An Gia Phát (trụ sở tại TP.Tam Kỳ) cho biết, với tình hình dịch bệnh xảy ra thì ngành nào cũng gặp khó khăn, các cơ sở đang cố gắng xoay xở tình hình, tìm thêm công việc cho nhân viên. Chính người điều hành cũng tìm kiếm những hình thức kinh doanh mới để lấy ngắn nuôi dài.

“Chỉ mong nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của các cấp ngành, địa phương, hỗ trợ phần nào các khoản gia hạn đóng bảo hiểm y tế, trả nợ các khoản vay ngân hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Nghiệp chia sẻ.

Theo Sở GD-ĐT Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 522 cơ sở giáo dục ngoài công lập (trong đó có 521 cơ sở mầm non và một trường THPT) thuộc quản lý của sở với 865 cán bộ, giáo viên. Trên địa bàn tỉnh còn có 78 trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc Sở GD-ĐT đang hoạt động. Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các cơ sở này đã dừng hoạt động.

“Sở GD-ĐT rất chia sẻ với khó khăn của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Rất mong các đơn vị cố gắng tìm nhiều cách để xoay xở, chia sẻ khó khăn với các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên tại các trường, trung tâm, để khi dịch bệnh được kiểm soát, cùng với ngành giáo dục tỉnh nhà quay trở lại với công việc” - ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giáo dục ngoài công lập vật vã xoay xở trong đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO