Giáo dục ở Đông Giang

CÔNG TÚ 01/10/2020 11:19

Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được huyện Đông Giang quan tâm chăm lo và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn lắm khó khăn về cơ sở hạ tầng trường lớp cũng như thiếu giáo viên, cần được sớm giải quyết.

Một điểm trường chính Trường Tiểu học và THCS Zà Hung. Ảnh: C.T
Một điểm trường chính Trường Tiểu học và THCS Zà Hung. Ảnh: C.T

Nỗ lực

Những năm qua, GD&ĐT huyện Đông Giang tiếp tục gặt hái nhiều kết quả quan trọng. Quy mô mạng lưới trường lớp chuyển biến rõ nét; cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học từng bước được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Giang Trần Văn Hùng chia sẻ, chế độ chính sách của Nhà nước đối với công tác GD&ĐT được thực hiện đảm bảo. Tranh thủ từ nhiều nguồn, huyện hằng năm dành nhiều tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị. Cảnh trường lớp vách làm bằng tranh, tre, nứa, lá hoặc gỗ đã không còn, thay vào đó ít nhất là nhà cấp 4 với tường xây và mái lợp tôn.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đông Giang có 30 trường học ở các cấp học, bậc học. Đến nay, các xã, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3. Cùng với đó, các xã, thị trấn đều đạt chuẩn PCGD bậc THCS.

Trong 5 năm qua, huyện có 1.963 em học tại Trường THPT Âu Cơ và Trường THPT Quang Trung đỗ tốt nghiệp, trong đó 489 em đỗ đại học các chuyên ngành. Riêng về bậc học do Phòng GD&ĐT Đông Giang quản lý, ông Trần Văn Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT cho hay, địa phương có 9 trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (mầm non 2 trường, tiểu học 4 trường và 3 trường THCS); còn 4 trường đang hoàn thiện về cơ sở vật chất và sẽ đề nghị tỉnh kiểm tra công nhận vào cuối năm 2020. Năm học mới 2020 - 2021, cả 28 trường trên địa bàn đón 6.296 em (5.224 em là người dân tộc thiểu số) vào 69 lớp và 3 nhóm trẻ mầm non, 135 lớp tiểu học và 55 lớp bậc THCS; trong đó trẻ 5 tuổi học mẫu giáo và trẻ 6 tuổi học lớp 1 đều đạt 100%.

Vượt khó

Nằm ven đường Hồ Chí Minh, một trong hai điểm chính của Trường Tiểu học và THCS Zà Hung (xã Zà Hung) đang “sở hữu” tường rào, cổng vào bằng tre. Thầy Hồ Văn Khẩn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học và THCS Zà Hung bộc bạch: “Do vị trí tường rào, cổng trường nằm trong hành lang an toàn đường bộ của đường Hồ Chí Minh nên không thể xây dựng kiên cố mà chỉ làm tạm bợ thôi. Muốn xây dựng kiên cố, hạng mục này cần lùi vào sâu bên trong, bắt buộc phòng học, phòng chức năng phải cải tạo hoàn chỉnh cho đồng bộ, nhưng như vậy kinh phí sẽ nhiều”.

Thầy Hồ Văn Khẩn cho biết thêm, nhà trường còn có 2 điểm trường khác nằm ở thôn Ka Dâu và thôn Xà Nghìn được xây dựng từ năm 2006 cơ sở vật chất đã xuống cấp cũng cần sớm xây dựng mới để đảm bảo an toàn.

Theo ông Trần Văn Hùng, cơ sở vật chất trường lớp ở nhiều điểm trường thôn chưa đáp ứng để được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chính vì vậy, tỉnh cần quan tâm có cơ chế về tài chính để tháo gỡ tình trạng trên. Học sinh đang học lớp 1, đến năm học 2022 - 2023 sẽ bước vào học lớp 3, bắt buộc lúc đó phải học môn Tin học. Tuy nhiên, các điểm trường thôn chưa có phòng máy. Muốn khắc phục trước mắt, nhà trường chỉ còn cách tập trung các em về tại điểm chính, song vẫn không ổn vì cự ly di chuyển xa tầm 3km trở lên. Hơn nữa, đường đi rất khó khăn và học trò còn đối mặt với nhiều hiểm nguy như mưa lũ, sạt lở đất… Ngoài ra, điểm trường thôn nếu được trang bị phòng máy thì việc bảo vệ tài sản cũng nan giải bởi nhân sự bảo vệ trường chỉ có một người, không thể nào đi kiểm tra, quán xuyến hết điểm chính và các điểm thôn.

Đông Giang đang thiếu 59 giáo viên trong biên chế. Để khắc phục, UBND tỉnh cho phép hợp đồng giáo viên, nhưng đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở Tài chính về cách thức hợp đồng như thế nào, kinh phí đâu trả lương, mức chi trả bao nhiêu? Cho nên, huyện áp dụng dạy tăng tiết, dạy thay, dạy thỉnh giảng. Tuy nhiên, giáo viên thuộc diện này di chuyển khó khăn. Đơn cử, một giáo viên đang dạy môn Anh văn ở thị trấn Prao phải đi đến xã Mà Cooih cách khoảng 20 cây số để làm nhiệm vụ tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trần Phú. Đông Giang đang chờ kỳ thi tuyển viên chức giáo viên do tỉnh tổ chức diễn ra để bổ sung biên chế còn thiếu. Vậy nhưng, địa phương vẫn lo vì hồ sơ đăng ký thi tuyển chỉ có 51 người, một số môn không có ai đăng ký như Tin học (nhu cầu 4 giáo viên). Giả sử cả 51 người đăng ký tại Đông Giang đều thi đạt, huyện cũng còn thiếu 8 giáo viên. Với những trăn trở vừa nêu, mục tiêu đến năm 2025 xây dựng mới 13 trường học đạt chuẩn quốc gia sẽ không dễ đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giáo dục ở Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO