Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, nên không?

XUÂN PHÚ (THỰC HIỆN) 26/09/2020 12:30

Một trong những quy định mới Thông tư 32 (15.9.2020) điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học vừa được Bộ GD-ĐT ban hành “cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ cho học tập, với sự đồng ý của giáo viên” đang gây “bão” dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Chung quanh vấn đề này, Báo Quảng Nam ghi lại ý kiến của một số cán bộ quản lý, giáo viên.

Nhiều ý kiến trái chiều với việc Bộ GD-ĐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) giờ tan học.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nhiều ý kiến trái chiều với việc Bộ GD-ĐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) giờ tan học.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành: Quy định là con dao hai lưỡi!

 

Điện thoại di động là một trong những phương tiện rất hữu ích trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay nhưng quy định cho học sinh (HS) sử dụng trong giờ học là “con dao hai lưỡi” rất nguy hiểm. Bộ GD-ĐT nói vậy song đó chỉ là một nửa, hệ lụy của việc cho HS mang và sử dụng điện thoại trong lớp học rất lớn. Giáo viên không thể quản lý hết được 45 HS mỗi lớp, liệu các em có sử dụng phục vụ cho việc học tập, hay chơi games, lướt facebook, xem phim? Nhà trường khuyến khích các em sử dụng đúng mục đích nhưng sẽ không ai có thể kiểm soát hết được. Trong khi đó, thực tế thời gian tại lớp đâu có nhiều để HS tra cứu trên mạng. Còn nếu có yêu cầu gì chuẩn bị cho tiết học thì giáo viên đã giao nhiệm vụ và hướng dẫn HS tìm hiểu trước đó rồi, đâu cần thiết phải đến lớp mới làm.

Trường THPT Núi Thành lâu nay có quy định nghiêm cấm HS sử dụng điện thoại trong khuôn viên nhà trường, đây cũng là đề nghị của phụ huynh. Em nào có nhu cầu cần thiết liên lạc với phụ huynh thì nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện lên văn phòng trường gọi điện thoại không tốn tiền. Tuy nhiên, với tinh thần của Thông tư 32 vừa ban hành quy định như vậy, sắp tới nhà trường cùng với ban đại diện cha mẹ HS bàn bạc, tìm giải pháp và xây dựng nội quy cho phù hợp. Nếu là phụ huynh thì tôi cũng không đồng ý cho con mình sử dụng điện thoại di động trong lớp học vì có quá nhiều mặt tiêu cực.

Thầy giáo Nguyễn Đình Tiến - Hiệu trưởng TRƯỜNG THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ): Không có lý do gì để sử dụng điện thoại trong lớp!

 

Theo tôi không nên và cũng chẳng có lý do gì để HS sử dụng điện thoại truy cập mạng trong lớp. Giáo viên chuẩn bị bài giảng, tư liệu sẵn sàng rồi, có cần gì thì vào mạng rồi đưa lên màn hình ti vi gắn tại mỗi lớp cho HS theo dõi. Mỗi tiết học 45 phút, đâu có nhiều thời gian. Còn nếu có nhu cầu tìm hiểu sâu thêm thì cho các em về nhà làm, đâu cần thiết phải ngay tại lớp. Bản thân tôi không quan tâm đến chuyện quay hình ảnh, ghi âm rồi cắt ghép đưa lên mạng theo hướng không tích cực nhưng nói thật, cho phép HS sử dụng điện thoại thì toàn là tiêu cực ảnh hưởng đến các em thôi. Các em chát chít, những năm trước tại trường còn xảy ra tình trạng học trò hẹn hò đánh nhau trên mạng.

Trước đây, dựa trên ý kiến của phụ huynh, nhà trường quy định cấm HS sử dụng điện thoại trong trường và các em thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra dịch Covid-19, ngành triển khai dạy học online nên mới để HS mang điện thoại đến trường. Và có lẽ, chủ trương của Bộ GD-ĐT cũng xuất phát trên cơ sở dạy học theo hình thức này thời gian qua. Nhưng rất tiếc, dự thảo Thông tư 32 quy định điều này lại không được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến của ngành và dư luận xã hội trước khi ban hành dẫn đến nhiều tranh cãi trái chiều, rất khó thực hiện.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bích Trâm - giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (Phú Ninh): Đừng để HS lợi dụng điện thoại

 

Tôi dạy bồi dưỡng HS giỏi môn Văn nên thường khuyến khích các em truy cập mạng để vận dụng, bổ sung kiến thức. Nội dung trên mạng giúp ích rất nhiều, có thể hỗ trợ học trò học Văn tốt hơn, giáo viên cũng đỡ in ấn, photo tài liệu mà chỉ cần hướng dẫn các em vào đó để tìm hiểu, nghiên cứu thêm. Nói chung, với những HS giỏi, có ý thức sử dụng điện thoại để dùng cho mục đích học tập thì rất tốt. Còn nếu sử dụng đại trà cho tất cả HS thì rất băn khoăn. Nhiều em sẽ lợi dụng điện thoại để chơi, không khéo sinh hư hỏng và nhiều hệ lụy khác. Ngôi trường tôi đang công tác lâu nay cũng quy định cấm HS sử dụng điện thoại.

Trong chương trình dạy học mới có nội dung yêu cầu truy cập mạng để bổ sung, nâng cao kiến thức nên có lẽ điều đó khiến Bộ GD-ĐT đưa ra quy định này. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng chỉ nên triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm chứ không thể tổ chức đại trà thế này rất nguy hiểm. Khi học trò hư hỏng rồi thì lúc đó nhận ra cũng đã muộn.

Thầy giáo Diệp Tình - giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm: Không cần thiết

 

Sáng nay đang dạy trên lớp thì tôi phát hiện và nhắc nhở một HS đang lén sử dụng điện thoại. Nói điều đó để thấy rằng việc các em sử dụng điện thoại ảnh hưởng đến sự tập trung trong học tập. Vì vậy, HS được sử dụng điện thoại với điều kiện thầy cô cho phép và chỉ tại thời điểm nào đó của môn học chứ không phải tùy tiện dùng lúc nào cũng được. Với môn Toán của mình chẳng hạn, sau 20 - 25 phút giảng bài, thời gian còn lại có thể yêu cầu các em tìm hiểu thêm một nội dung nào đó trên mạng hoặc giới thiệu một địa chỉ trang website hay nào đó để HS mở rộng kiến thức.

Tuy nhiên, thực tế trên lớp không cần thiết vì thầy cô đã chuẩn bị những thông tin liên quan bài giảng đầy đủ cả rồi. Vả lại thời gian cũng không cho phép. Còn nếu muốn thì yêu cầu các em về nhà có nhiều thời gian hơn để lên mạng tìm tòi, học tập. Thật ra mỗi môn học có vài tiết hoạt động ngoại khóa, có thể giáo viên tận dụng thời gian đó để hướng dẫn các em học trên mạng. Một vấn đề khác, đó là tùy theo điều kiện từng gia đình, trường học, đâu phải HS nào cũng có điện thoại, trường nào cũng có wifi, rồi có đáp ứng nhu cầu nhiều người truy cập cùng lúc hay không, miền núi thì sao. Là phụ huynh, tôi cũng không cho con sử dụng điện thoại trên lớp. Mặt lợi đâu chưa thấy mà mặt tiêu cực lại có nguy cơ xuất hiện khá nhiều.

Thầy giáo Trần Anh Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ): Tôi hoàn toàn ủng hộ

 

HS được phép sử dụng điện thoại trong lớp học là một ý tưởng mới và hay, đem lại lợi ích rất lớn cho HS trong việc học tập, phù hợp với xu thế mới hiện nay. Do đó, bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT. Cho HS sử dụng điện thoại trong giờ học khi có sự đồng ý của thầy cô sẽ phục vụ tốt hơn việc dạy và học, tăng tính chủ động, tự học cho học trò. Thông qua truy cập internet dưới sự định hướng và giám sát của giáo viên, các em có thể tìm tòi, khám phá, có chính kiến bản thân về nội dung liên quan đến bài học. Tôi cho rằng, Thông tư 32 quy định điều này không chỉ cho hiện tại mà còn hướng tới tương lai.

Tất nhiên, cái gì chưa hay, chưa tốt, mặt trái của việc HS sử dụng điện thoại trong giờ học chúng ta phải tìm cách khắc phục chứ không vì điều đó mà cấm cản. Khi nghe thông tin này nhiều giáo viên, phụ huynh lo lắng cũng đúng. Trường tôi lâu nay quy định cấm HS sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường học. Các em được mang theo nhưng phải tắt nguồn, đến giờ tan trường có thể mang ra sử dụng hoặc liên lạc với người thân để đưa đón về nhà. Đó là nhu cầu chính đáng của HS và phụ huynh. Nói tóm lại, quy định cho HS sử dụng điện thoại là xu hướng khách quan hiện nay, không thể khác được. Vấn đề quan trọng là, cần phát huy mặt tích cực của nó, hạn chế thấp nhất mặt chưa tốt. Nếu với tư cách phụ huynh, tôi cũng hoàn toàn đồng ý cho con em mình sử dụng điện thoại trên lớp vì lợi ích của nó mang lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, nên không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO