Hướng đến trường học hạnh phúc

CHÂU NỮ 19/12/2019 11:29

Ngành giáo dục Quảng Nam vừa phát động xây dựng phong trào trường học hạnh phúc năm học 2019 - 2020. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những rào cản nhất định, để phong trào thật sự thành công, cần sự nỗ lực từ nhiều phía...

Niềm hạnh phúc của học sinh là “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ) tập thể dục đầu giờ. Ảnh: C.N
Niềm hạnh phúc của học sinh là “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ) tập thể dục đầu giờ. Ảnh: C.N

Hạn chế áp lực

Khi được hỏi, cần làm gì để xây dựng trường học hạnh phúc, một học sinh THPT nêu ý kiến, thầy cô và cha mẹ sợ học trò và con cái sẽ không cố gắng nếu không tạo áp lực; trong khi đó, học sinh lại sợ áp lực, và sợ những thành tích “ảo” mà người lớn luôn muốn học trò hướng tới. Một phụ huynh có con học THCS cho rằng, con chị luôn bị áp lực với những bài kiểm tra và điểm số; mà một khi con cái bị áp lực, cha mẹ cũng bị áp lực theo. Một phụ huynh khác, có con học tiểu học, cho biết mối quan tâm của anh lại là vấn đề... vệ sinh. “Ngày đầu tiên đưa con tới trường, tôi quan tâm đến khu vực vệ sinh. Trẻ em nếu không thoải mái “đầu ra”, cũng khó thoải mái khi nạp kiến thức” - phụ huynh này chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Hảo – Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT) nhìn nhận, áp lực học hành, áp lực thi cử, áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ... khiến nhiều học sinh không cảm thấy tự tin và thoải mái khi đến trường. Bên cạnh đó cũng có nhiều học sinh cảm thấy không hài lòng với điều kiện trường học cũng như các mối quan hệ ở trường. Nhiều nhà giáo yêu nghề, nhận thức được sứ mệnh của người thầy; đa số thầy cô nghiêm túc, chịu khó nhưng có người chịu nhiều áp lực trong công việc và các mối quan hệ, đôi khi không kiềm chế được bản thân dẫn đến vi phạm đạo đức nhà giáo... Điều đó có nghĩa đích đến của việc xây dựng trường học hạnh phúc còn xa.

Cần thay đổi

“Xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, không bạo lực. Cùng với đó, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa; người học được đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái; được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất, năng lực...”

(Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT) 

Theo ông Nguyễn Bá Hảo, để xây dựng trường học hạnh phúc, trước hết phải xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, giáo viên phải thay đổi, phải là người gieo trồng hạnh phúc, thực hiện tốt tư vấn tâm lý học đường; tổ chức dạy học, hoạt động, kiểm tra đánh giá học sinh... theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đồng thời, có giải pháp tác động có hiệu quả đến phụ huynh để họ chủ động và có trách nhiệm tham gia quá trình giáo dục. Ông Châu Văn Thủy - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) cũng cho rằng, người thầy là chủ thể của phong trào xây dựng trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc chỉ khi thầy cô giáo hạnh phúc. Hạnh phúc của giáo viên là yêu thương học sinh đúng cách.

Cũng nhìn nhận vấn đề theo hướng trên, một hiệu trưởng trường tiểu học ở Tam Kỳ cho rằng muốn có trường học hạnh phúc, thầy cô giáo phải thay đổi, phải yêu nghề mến trẻ mà quan niệm “yêu nghề, mến trẻ” ngày nay khác với ngày xưa. “Thương cho roi cho vọt” hay “kỷ luật là sức mạnh” không còn phù hợp với trẻ bây giờ; mà phải quan tâm, gần gũi, tìm hiểu, lắng nghe, thấu hiểu, động viên... Thầy cô còn phải làm chủ được bản thân, làm chủ trong mọi tình huống sư phạm, làm chủ kiến thức, kỹ năng, nhân cách...

Một cô giáo (đề nghị không nêu tên) nói rằng, ngành giáo dục luôn nỗ lực “nói không” với bệnh thành tích nhưng công tác trong ngành lâu nay, cô nhận thấy, bệnh thành tích vẫn chưa bỏ được. Cô bày tỏ: “Không chữa dứt điểm bệnh thành tích từ trên xuống dưới, khó có thể xây dựng trường học hạnh phúc. Do vậy, để thay đổi thực trạng, cá nhân mỗi người phải tự thay đổi mình, cả giáo viên, học sinh, phụ huynh, đặc biệt là giáo viên...”. Còn cô Hồ Kha Dạ Thảo - Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Trần Phú (Phú Ninh) thì tâm sự, không chỉ đến bây giờ, khi phát động phong trào xây dựng trường học hạnh phúc, người thầy mới nhìn lại mình và nỗ lực. “Bản thân tôi mỗi ngày đều từng bước điều chỉnh, thay đổi thái độ với học sinh, phụ huynh theo hướng tích cực. Và tôi nhận thấy, yêu thương, thấu hiểu, gần gũi học sinh... sẽ đem lại kết quả tích cực trong giáo dục. Quan trọng là mỗi giáo viên phải ý thức đem lại hạnh phúc cho mình, cho học trò và phụ huynh; và cần thay đổi thái độ, hành vi, cách ứng xử của mình với học trò”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đến trường học hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO