Nghĩ từ lễ khai giảng…

CHÂU NỮ 06/09/2020 09:56

(QNO) - Lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 tổ chức hôm qua 5.9. Với ngành giáo dục Quảng Nam, đây là một lễ khai giảng đặc biệt khi thực hiện nhiệm vụ “nhiều trong một”: vừa tổ chức khai giảng, vừa đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa khai giảng vừa tựu trường và mọi việc đều được tinh gọn hết mức có thể.

Lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Tam Kỳ). ẢNH: PHƯƠNG THẢO
Lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Tam Kỳ). ẢNH: PHƯƠNG THẢO

Tất cả học sinh đều mang khẩu trang, được sát khuẩn tay, được đo thân nhiệt khi bước vào cổng trường. Trao đổi sau lễ khai giảng với một số học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, hầu hết cho rằng, “công thức chung” trong lễ khai giảng năm học này đã được loại bỏ một phần.

Các trường tổ chức đón học sinh đầu cấp học, bậc học phù hợp điều kiện và tình hình thực tế, trên tinh thần “lấy học sinh làm trung tâm”. Có trường chỉ tổ chức khai giảng với thành phần gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh lớp đầu cấp học, bậc học; có trường chọn thêm mỗi lớp chưa tới 10 em (ngoài học sinh các lớp đầu cấp học) tham dự.

Các trường mầm non, mẫu giáo không tổ chức khai giảng chung tại sân trường mà đưa học sinh về từng lớp và ban giám hiệu đến từng lớp trò chuyện, chúc mừng học sinh.

Có trường livestream lễ khai giảng hoặc gửi hình ảnh, clip qua zalo đến phụ huynh.

Hiệu trưởng một số trường gửi thư cho học sinh các lớp không dự khai giảng. Ví như con tôi, năm nay học lớp 3, hôm qua cháu không dự lễ khai giảng. Nhưng ở nhà, cháu được đọc thư (đúng hơn là tâm sự, chia sẻ, dặn dò...) của cô hiệu trưởng gửi đến học sinh các lớp 2, 3, 4, 5 qua zalo và cháu cảm thấy vui vì vẫn được cô hiệu trưởng quan tâm.

Học sinh được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn khi vào cổng trường. Ảnh: C.N
Học sinh được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn khi vào cổng trường. Ảnh: C.N

Sáng qua, có dịp theo dõi lễ khai giảng ở một vài trường trên địa bàn TP.Tam Kỳ, tôi nhận thấy hầu hết tổ chức nhanh gọn (có trường tổ chức trong vòng nửa giờ), nhưng không kém phần trang trọng, dù không khí không rộn ràng như mọi năm.

Nhiều nội dung không quan trọng được lược bỏ; giảm tiết mục văn nghệ; đại biểu tham dự ít hơn; diễn văn ngắn gọn, súc tích hơn; ngay cả phần trao quà tiếp sức học sinh nghèo đầu năm học mới cũng chỉ công bố và ghi nhận chứ không trao tại buổi lễ. Học sinh không phải ngồi lâu dưới nắng để nghe những bài phát biểu lê thê.

Đáng chú ý, nếu như mọi năm, hầu hết phụ huynh học sinh bậc học mầm non, mẫu giáo, phụ huynh học sinh lớp 1 đưa con vào tận lớp, tận trường, thì nay phụ huynh đều ở ngoài cổng trường để tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch bệnh. Tình trạng học sinh khóc lóc không muốn rời cha mẹ giảm hẳn. Các cháu trở lên tự lập, tự tin hơn và cô giáo cũng đỡ vất vả hơn.

Một điều đặc biệt nữa, là năm nay các trường không tổ chức “khai giảng thử”, đây cũng được xem là giảm bớt tính hình thức cũng như đỡ lãng phí thời gian của thầy cô giáo và phụ huynh, học sinh.

Đối với các trường không tổ chức tựu trường, ngày khai giảng cũng là ngày tựu trường của học sinh lớp đầu cấp học, bậc học. Với nhiều thầy cô và học sinh, điều này khiến cảm xúc trong ngày đầu đến trường trọn vẹn hơn.

Học sinh mẫu giáo được cô giáo đưa vào lớp mà không có phụ huynh đi kèm. Ảnh: C.N
Học sinh mẫu giáo được cô giáo đưa vào lớp mà không có phụ huynh đi kèm. Ảnh: C.N

Theo cán bộ của một trường THCS trên địa bàn TP.Tam Kỳ, điều quan trọng trong giáo dục là tạo cho học sinh sự thoải mái, để các em không phải áp lực khi đến trường trong suốt quãng đời học trò và đây là công việc cần làm, một cách lâu dài, chứ không phải tổ chức khai giảng như thế nào… 

Và, từ lễ khai giảng trong mùa dịch Covid-19 này, những người làm công tác giáo dục nói riêng, xã hội nói chung, đã có thể nghĩ xa hơn đến việc tránh lãng phí, loại bỏ bệnh hình thức, đưa mọi thứ đi vào thực chất, trước hết là trong môi trường giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩ từ lễ khai giảng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO