Nỗi lo sạt lở ở những ngôi trường miền núi (clip)

HOÀI AN 01/10/2020 09:26

(QNO) - Sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều ngôi trường ở miền núi Tây Giang, Đông Giang bị sạt lở đất gây mất an toàn. Thầy và trò cùng nhau khắc phục tạm thời để sớm ổn định việc dạy học. Tuy nhiên mùa mưa bão đang đến gần, các trường này tiếp tục đối mặt nguy cơ sạt lở đất.

Thầy và trò trường
Thầy và trò Trường THPT Quang Trung (thị trấn Prao, Đông Giang) dọn lớp đất đá sạt lở phía sau khu nội trú học sinh. Ảnh: HOÀI AN

Mưa lớn và lũ quét vừa qua khiến nhiều trường học trên địa bàn huyện Tây Giang bị ngập lụt, sạt lở đất. Theo thống kê, toàn huyện có 41 phòng/10 điểm trường bị ngập nước, 2 nhà bếp bị hư hỏng. Nước lũ cũng cuốn trôi nhiều đường dẫn nước phục vụ sinh hoạt cho học sinh tại các trường.

Sau khi lũ rút, Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cùng các trường khẩn trương xử lý bùn đất, vệ sinh môi trường, đảm bảo cho học sinh đi học trở lại. Đối với các trường có học sinh bán trú phải đảm bảo lương thực, thực phẩm. Phòng đã thống kê, đề xuất hướng khắc phục các điểm trường học bị hư hỏng và tổ chức thực hiện đảm bảo công tác dạy học của nhà trường.

Đất đá bồi lấp khu vực nhà ăn  của một điểm trường ở Tây Giang. Ảnh: THANH THẮNG
Bùn đất bồi lấp khu vực nhà ăn của một điểm trường ở Tây Giang. Ảnh: HOÀI AN

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, Tây Giang), mưa lũ làm sạt lở taluy âm gần khu nhà vệ sinh, nếu mưa lớn kéo dài thì nguy cơ sạt lở sẽ tiếp diễn. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm sạt lở khối núi phía sau khu nhà ở nội trú làm hư hỏng bếp ăn, nhà kho.

Nhà trường đã cùng với lực lượng biên phòng, dân quân địa phương dọn dẹp khối bùn đất trong khu nội trú để học sinh ổn định, yên tâm học tập. Còn về lâu dài, nhà trường sẽ tiếp tục đề xuất huyện Tây Giang có hướng khắc phục cụ thể.

Dòng nước từ trên núi chảy thẳng vào sau lưng bếp ăn khu nội trú Trường PTDTBT THCS Lý Tự Trọng. Ảnh: HOÀI AN
Dòng nước từ trên núi đổ xuống sau lưng bếp ăn khu nội trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng. Ảnh: HOÀI AN

Thầy Nguyễn Viết Trường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng cho biết, năm học 2020-2021 trường có 303 học sinh bán trú, sau lũ nhà trường khẩn trương khắc phục hậu quả và đến nay đã hoạt động bình thường. Sau mưa lũ thì nước sinh hoạt đang rất bức thiết, hiện nguồn nước vẫn còn tạm lấy được nhưng chỉ vài ngày nữa sẽ hết.

“Điểm sạt lở rất lớn, vị trí dòng nước chảy thẳng vào bếp ăn bán trú của học sinh. Việc này khi làm chúng tôi đã đề xuất ít nhất kè hoặc che chắn lại nhưng vì thiếu nguồn kinh phí nên chưa làm được. Nếu không kè hoặc có phương án chỉnh dòng thì cũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến đời sống của học sinh bán trú” - thầy Trường nói.

Clip bộ đội giúp Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng dọn dẹp sau lũ:

Tại 2 xã biên giới Ch’Ơm - Ga Ry cũng xuất hiện nhiều vị trí sạt lở ở các trường học khiến giáo viên lo lắng.

Cô Hốih Ngươi - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mẫu giáo liên xã Ch’Ơm - Ga Ry cho biết, trường có 231 học sinh, 1 điểm trường chính, 9 điểm trường thôn. Sau trận mưa lớn vừa qua, điểm trường chính tại xã Ch’Ơm bị ngập nước, một số điểm trường thôn bị hư hỏng do sạt lở. Sau lũ, các ngành chức năng địa phương đã hỗ trợ nhà trường khắc phục hậu quả và đưa các em trở lại trường. Tuy nhiên tại điểm trường ở thôn A Ting (xã Ga Ry), nhà trường lo tình trạng này tái diễn nếu mưa lớn trút xuống.

Lãnh đạo huyện Tây Giang kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai sau lũ. Ảnh: THANH THẮNG
Lãnh đạo huyện Tây Giang kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: HOÀI AN

Tại Đông Giang, mưa lớn cũng khiến khu đất phía sau khu nội trú Trường THPT Quang Trung (thị trấn Prao) bị sạt lở hơn 100mvà tràn vào khu vực nhà ăn của học sinh.

Clip điểm sạt lở sau khu nội trú Trường THPT Quang Trung:

Thầy giáo Nguyễn Xuân Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho biết: “Sau mưa lũ nhà trường đã cho học sinh dọn dẹp đất đá sạt lở, tiếp tục xúc đất di chuyển đi nơi khác để xây lại bếp có chỗ nấu ăn cho các em. Còn về lâu dài sẽ tiếp tục đề xuất với các ngành chức năng có hướng khắc phục”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo sạt lở ở những ngôi trường miền núi (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO