Phát triển văn hóa đọc cho học trò

XUÂN PHÚ 13/01/2021 04:56

Ngành GD-ĐT đang có nhiều động thái nhằm giúp học trò hình thành và phát triển văn hóa đọc trong điều kiện thư viện nhiều trường học chưa đạt chuẩn, sách thư viện thiếu thốn, học sinh (HS) chưa có thói quen và niềm đam mê đọc sách.

Học sinh Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc) đọc sách báo tại thư viện trường. Ảnh: X.P
Học sinh Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc) đọc sách báo tại thư viện trường. Ảnh: X.P

Nhiều khó khăn

Những năm qua, cơ sở vật chất ngành GD-ĐT được quan tâm đầu tư rất lớn, nhiều trường học khang trang, trang thiết bị được mua sắm khá nhiều. Tuy nhiên, hệ thống thư viện trường học lại chưa có sự đầu tư tương xứng.

Tại cuộc họp góp ý đề án mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị Sở GD-ĐT phát động phong trào mỗi gia đình giáo viên, cán bộ viên chức của ngành có một tủ sách để phát triển văn hóa đọc cho con em, góp phần lan tỏa phong trào đọc sách ra toàn xã hội. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - ông Phùng Văn Huy cho rằng, câu chuyện của bác sĩ trẻ Nguyễn Thục Nữ (người Tiên Phước) tại sân chơi Siêu trí tuệ Việt Nam vừa qua sẽ được địa phương lấy đó để truyền cảm hứng văn hóa đọc sách cho học sinh.

Theo Sở GD-ĐT, hiện cả tỉnh có 515 trường phổ thông với gần 263.000 HS. Có 167 thư viện trường học đạt chuẩn song hầu hết trang thiết bị đã cũ và không còn phù hợp với mô hình thư viện mở hiện nay. Tỷ lệ trường học có phòng đọc HS đảm bảo diện tích (ít nhất 84m2/trường tiểu học và 108m2/trường THCS và THPT) khá thấp, ở bậc THCS 39%, THPT 49% còn bậc tiểu học không có trường nào đáp ứng.

Sách trang bị cho thư viện trường học còn thiếu về số lượng, không đa dạng về chủ đề. Lượng sách bổ sung hàng năm trung bình chưa đến 1 cuốn/HS. Tỷ lệ HS được tiếp cận, sử dụng thông tin tại thư viện trường ở bậc tiểu học và THCS 83% còn THPT chỉ 54%, thậm chí nhiều trường dưới 30%.

Việc bố trí nhân sự cho thư viện cũng chưa được coi trọng khi hầu hết nhân viên thư viện phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác như quản lý thiết bị, công nghệ thông tin..., nên việc đầu tư nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế. Ngay cả nhân viên thư viện chuyên trách cũng thiếu khá nhiều, buộc trường học phải phân công giáo viên kiêm nhiệm thư viện (26 trường tiểu học, 46 THCS, 13 THPT).

“Thiết bị và cơ sở vật chất dành cho thư viện chưa được đầu tư đúng mức. Không gian phòng đọc thư viện hạn chế, chưa được trang trí thân thiện, lôi cuốn HS đến thư viện. Nhưng điều đáng nói nhất hiện nay là nhu cầu đọc sách trong HS bị ảnh hưởng bởi các phương tiện giải trí hấp dẫn, nhiều phương tiện nghe nhìn có xu hướng lấn át văn hóa đọc như ti vi, facebook, game. Từ đó dẫn đến thói quen đọc sách của HS hạn chế, thời gian đọc sách tại trường rất ít, kỹ năng đọc ở mức độ thấp” - ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ.

Xây dựng văn hóa đọc sách

Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã có nhiều hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm hình thành và phát triển văn hóa đọc trong HS như thi kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo sách, tổ chức sôi nổi Ngày Sách Việt Nam 21.4… Một số trường học tổ chức thư viện ngoài trời để tạo điều kiện cho HS dễ dàng tiếp cận với sách hơn. Chẳng hạn, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (Tam Kỳ) mở thư viện ngoài trời cách đây hơn 1 năm và theo thầy Hiệu trưởng Phan Văn Dung, mô hình này giúp nhiều em được đọc sách thường xuyên vào bất cứ lúc nào, rất thuận lợi so với thư viện truyền thống.

Sở GD-ĐT đang xây dựng đề án phát triển văn hóa đọc cho HS các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% trường học có tối thiểu 1 thư viện, mỗi điểm trường có tủ sách dùng chung, có phòng đọc HS đảm bảo yêu cầu; xây dựng 2 thư viện điện tử tại 2 trường THPT chuyên; bổ sung sách hằng năm cho thư viện đạt 4 - 5 cuốn sách/HS; hình thành thói quen đọc sách cho HS với mục tiêu mỗi em đọc 2 - 4 cuốn/tháng.

Ông Hà Thanh Quốc khẳng định tính cấp thiết của đề án và mục tiêu xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng, phong trào đọc sách trong HS; giúp các em tăng vốn hiểu biết, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, hình thành lối sống lành mạnh. Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng môi trường đọc, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc sách cho HS. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 52 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 10 tỷ đồng, ngân sách địa phương 32 tỷ đồng (đều là vốn sự nghiệp), nguồn xã hội hóa 10 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển văn hóa đọc cho học trò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO