Phòng chống đuối nước cho trẻ

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC - TÂM LÊ 23/12/2019 10:17

Nhiều hoạt động thiết thực như dạy bơi, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước, xây dựng công trình hồ bơi lắp ghép... được triển khai, góp phần phòng chống đuối nước cho học sinh.

Hồ bơi lắp ghép tại Trường TH Đoàn Bường, xã Bình Triều. Anh: BIÊN THỰC
Hồ bơi lắp ghép tại Trường TH Đoàn Bường, xã Bình Triều. Anh: BIÊN THỰC

Hồ bơi lắp ghép

Mới đây, Sở VH-TT&DL nghiệm thu và bàn giao hồ bơi lắp ghép cho Trường Tiểu học (TH) Đoàn Bường (xã Bình Triều, Thăng Bình). Hồ bơi có tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng, được khảo sát và triển khai từ tháng 9.2019 với chiều dài 15m, rộng 6m và cao 1,2m do Công ty TNHH Sagapa (Đà Nẵng) thi công lắp đặt. Toàn bộ kinh phí do ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam hỗ trợ.

Thầy Nguyễn Công Nguyên - Hiệu trưởng trường TH Đoàn Bường chia sẻ, xã Bình Triều có sông Trường Giang đi qua, nên địa phương rất dễ bị ngập lụt vào mùa mưa. Điều này gây ảnh hưởng đến việc đi lại, học tập của học sinh, nhất là học sinh TH chưa được trang bị kỹ năng bơi lội. Trong khi đó, cả vùng đông này chưa có hồ bơi. “Bây giờ có hồ bơi tại trường, qua Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ lên lịch dạy học cụ thể. Các em học sinh khối 5 được học trước, trong suốt quá trình dạy bơi phải có thầy giáo thể chất hướng dẫn, quan sát” - thầy Nguyễn Công Nguyên cho hay.

Cùng với Trường TH Đoàn Bường, huyện Thăng Bình còn có 2 hồ bơi khác tại Trường TH Đinh Tiên Hoàng (xã Bình Định Nam), THCS Nguyễn Duy Hiệu (xã Bình Định Bắc). Các hồ bơi này được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Thăng Bình cho hay, với các hồ bơi được xây dựng tại trường học vừa qua, Phòng VH-TT huyện sẽ bố trí để tập huấn việc dạy và học bơi cho cả giáo viên, học sinh ở từng cụm cánh đông, cánh trung và cánh tây. Riêng cụm cánh trung, sẽ phải thuê hồ bơi ở thị trấn Hà Lam. Khi các hồ bơi đi vào hoạt động, Phòng VH-TT huyện tiến hành kiểm tra an toàn rồi mới đưa vào vận hành. Riêng đối với hồ bơi tại Trường TH Đoàn Bường đang thiếu áo phao, phòng đã kiến nghị với UBND huyện cấp kinh phí để trang bị thêm cho trường để đảm bảo việc dạy và học an toàn cho các em học sinh.

Được biết, ngoài hồ bơi lắp ghép cho Trường TH Đoàn Bường, giữa tháng 12 vừa qua, Sở VH-TT&DL bàn giao thêm 3 hồ bơi nữa tại Bắc Trà My, Đại Lộc và Nam Giang.

Trang bị kỹ năng

Tháng 11.2019, hồ bơi Trường TH&THCS Võ Chí Công (xã Quế Phước, Nông Sơn) được đưa vào sử dụng, là hồ bơi trong trường học đầu tiên tại Nông Sơn. Hồ bơi có diện tích 240m2, với tổng mức đầu tư hơn 600 triệu đồng. Thầy Hồ Văn Nhạn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 14 khối lớp, với 254 học sinh. Trường đã thành lập tổ quản lý bể bơi, đưa ra quy chế cụ thể, tổ chức dạy bơi cho học sinh khối THCS 2 buổi/tuần. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, nhà trường sẽ mở rộng dạy bơi cho học sinh khối TH, học sinh ở các xã lân cận, cũng như tăng buổi dạy bơi trong tuần.

“Việc đưa môn bơi vào dạy học trong nhà trường có ý nghĩa thiết thực, giúp các em nâng cao sức khỏe, biết bơi, tự bảo vệ mình trong môi trường sông nước, nhất là trong mùa mưa bão. Không chỉ học bơi, các em còn học kỹ năng xử lý các sự cố khi bơi, cách cứu người khi bị đuối nước và đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước” - thầy Nhạn nói.

Nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, xây dựng hệ thống trường học an toàn là nhiệm vụ được ngành giáo dục huyện Nông Sơn quan tâm thực hiện. Cô Lương Thị Minh Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Trần Quý Cáp (xã Quế Ninh) cho biết, hằng năm nhà trường luôn chủ động lập kế hoạch phòng ngừa rủi ro thiên tai để có biện pháp ứng phó kịp thời. Nhà trường đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức diễn tập, truyền thông những kiến thức cơ bản về phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, kỹ năng sơ cấp cứu, đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh. Trang bị đầy đủ thiết bị như áo phao, phao cứu sinh, loa… để sử dụng khi xảy ra tình huống nguy cấp.

“Các buổi tập huấn, truyền thông chú trọng trang bị cho học sinh kỹ năng sơ cấp cứu, phòng chống tai nạn đuối nước. Xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện để các em được học tập, rèn luyện tốt hơn” - cô Phượng nói.

Năm 2019, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp tổ chức các khóa tập huấn thực tế, giao lưu tìm hiểu kiến thức phòng ngừa tai nạn thương tích và sơ cấp cứu cho tình nguyện viên chữ thập đỏ và trẻ em trên địa bàn huyện. Ông Lương Văn Bá - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Nông Sơn cho biết, so với nội dung lý thuyết, nội dung thực hành kỹ năng, cách xử lý khi gặp người bị đuối nước cho trẻ được chú trọng hơn. Trong đó tập trung dạy các em kỹ năng cần thiết như cách quăng phao, ném dây trên mặt nước, cách khiêng nạn nhân, cách mở đường thở cho người đuối nước...

“Điều cốt lõi là giúp các em hiểu rõ cũng như tập làm quen với các bước, động tác sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống tai nạn đuối nước. Từ đó các em có thể xử lý kịp thời các tình huống đuối nước gặp phải, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn tại địa phương” - ông Bá nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống đuối nước cho trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO