Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14G

CÔNG TÚ 28/04/2020 09:57

Chức năng lưu thông và an toàn giao thông (ATGT) trên quốc lộ (QL) 14G, trục ngang chiến lược qua địa phận huyện Đông Giang sẽ được cải thiện đáng kể khi một số cầu đang xây dựng mới đưa vào khai thác sau tháng 5.2020.

Trên công trường thi công cầu Sông Vàng cũng gặp vướng mắc liên quan đến nhà ở của người dân. Ảnh: C.T
Trên công trường thi công cầu Sông Vàng cũng gặp vướng mắc liên quan đến nhà ở của người dân. Ảnh: C.T

Cải thiện cầu, ngầm tràn

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã quyết định nâng cấp tuyến ĐT604 lên thành QL14G vào tháng 5.2012. Tuyến đường có lý trình từ Km0+000 (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đến Km66+000, giao với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Prao, Đông Giang. Đến nay, QL14G qua địa phận Quảng Nam (điểm đầu Km24+000, giáp ranh TP.Đà Nẵng) vẫn có kết cấu chủ yếu là mặt đường láng nhựa nhỏ hẹp; nhiều chỗ nền sụt lún và bề mặt bị hư hỏng, bong tróc, lề bị xói lở. Đặc biệt, một số cầu, ngầm tràn trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông. Vào mùa mưa, nước lũ băng qua ngầm Dốc Rùa (thuộc thôn Pa Liêng, xã A Ting) gây chia cắt giao thông, thậm chí có trường hợp tử vong do nước lũ cuốn trôi.

Nhiều năm qua, cử tri và chính quyền các cấp kiến nghị Bộ GTVT quan tâm bố trí danh mục đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 hoặc xúc tiến nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng QL14G. Ngày 6.2 vừa qua, gói thầu B3-59a thi công xây dựng 4 cây cầu gồm Km32+480, Sông Vàng, Sông Kôn và Dốc Rùa 2 trên QL14G, thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2, nguồn vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mới chính thức được khởi công. Cả 4 cây cầu đều có bề rộng 7,5m; giá trị hợp đồng xây dựng hơn 52,8 tỷ đồng; thời hạn thi công 4,5 tháng.

Gặp khó

Theo ông Giản Viết Quang - Phó Trưởng phòng Điều hành Ban Quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư), thời hạn hợp đồng chỉ 4,5 tháng nên ban điều hành yêu cầu nhà thầu phải huy động máy móc thiết bị, triển khai nhiều mũi và tập trung nguồn lực tài chính để thi công. Nhà thầu đã khắc phục những trở ngại, chẳng hạn như cát, đá, thép phải chở từ Đà Nẵng lên nhưng QL14G hiện hữu nhỏ hẹp, đường nhiều khúc cua, quanh co và có độ dốc lớn. Điều kiện vận chuyển vật liệu khó khăn nên không thể mua bê tông từ bên ngoài chở về, họ đành phải lắp dựng trạm trộn bê tông tại hiện trường. Gặp đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khâu huy động nhân lực và vật lực không hề đơn giản. Đặc biệt, công trường cầu Km32+480 (xã Ba) bị ngưng trệ do một số hộ dân cản trở thi công, khiến việc hoàn thành trước ngày 31.5 nhằm đáp ứng yêu cầu đóng hiệp định vay vốn JICA của dự án gặp thách thức lớn.

Để có phương án tham mưu phù hợp, cuối tuần qua, đại diện chủ đầu tư, Sở GTVT, Sở Tài chính, chính quyền huyện Đông Giang và xã Ba đã kiểm tra thực tế vướng mắc tại cầu Km32+480 và cầu Sông Vàng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh khẳng định, huyện đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng và bàn giao đúng tiến độ cam kết. Tuy nhiên, quá trình thi công có ảnh hưởng đến nhà của người dân nằm sát các mố cầu. Cụ thể, nhà ở của các hộ Đỗ Cao Sa và Hồng Dâng nằm sát mố cầu Km32+480, hiện trạng nhà xuống cấp, móng nông nên khi lu lèn, đào móng xây kè đường đầu cầu khiến nhà có nguy cơ sụp đổ. Nhà bà Ngô Thị Giêm nằm sát mố cầu Sông Vàng và thuộc lưu vực của dòng chảy dễ xảy ra sự cố mùa mưa lũ.

“Cả 3 nhà vừa nêu đều nằm trong hành lang an toàn mố cầu theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, địa phương kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho di dời” - ông Hồ Quang Minh nói.

Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cảnh báo, thi công đắp đường dẫn vào cầu cao sẽ thu hẹp dòng chảy làm dâng cao dòng nước và xoáy sẽ rất nguy hiểm cho các nhà sát đầu cầu. Do đó, Sở GTVT thống nhất với ý kiến của địa phương và đại diện chủ đầu tư là cần phải di dời nhà dân khu vực này. Tuy nhiên, do nguồn vốn của dự án hạn chế, đại diện chủ đầu tư mong muốn tỉnh hỗ trợ nguồn lực thực hiện, sớm tháo gỡ vướng mắc để thi công đúng hạn định. Bày tỏ sự đồng thuận, các bên liên quan thống nhất kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho chủ trương thu hồi diện tích đất của 3 hộ nêu trên và bổ sung kinh phí khoảng hơn 1,2 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng. Nếu cho phép giải tỏa nhà như đề xuất, việc xây dựng tường chắn đá hộc cầu Km32+480 sẽ được điều chỉnh thành đắp nền thông thường vừa an toàn cho người dân trong quá trình khai thác công trình, đảm bảo chất lượng vừa tránh lãng phí đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO