Đổi thay vùng đông Điện Bàn

VĨNH LỘC 23/02/2021 05:28

Sau hơn 5 năm trở thành đô thị, vùng đông Điện Bàn thay đổi tích cực; hệ thống hạ tầng được kết nối, nhiều dự án du lịch, bất động sản được đầu tư, góp phần tạo sức bật và cơ hội mới cho vùng cát đầy nắng gió này.

Nhiều dự án du lịch, hạ tầng được triển khai đầu tư đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đông Điện Bàn. Ảnh: V.LỘC
Nhiều dự án du lịch, hạ tầng được triển khai đầu tư đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đông Điện Bàn. Ảnh: V.LỘC

Đô thị du lịch

Khu phức hợp Shantira Beach Resort &Spa (phường Điện Dương), thuộc Tập đoàn Hoàng Gia là một trong những dự án nổi bật của vùng đông Điện Bàn trong vài năm trở lại đây. Với diện tích 8,6ha, quy mô thiết kế gồm 70 căn biệt thự mặt tiền biển và 497 căn hộ resort, Shantira được xem là một sản phẩm bất động sản ven biển đẳng cấp tại Quảng Nam hiện nay. Dự kiến, quý II.2021 dự án sẽ được bàn giao khai thác, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương, đồng thời mang đến diện mạo mới cho phường Điện Dương cũng như vùng đông Điện Bàn.

Từ khi Điện Dương trở thành phường nội thị, với lợi thế nằm trong vùng quy hoạch động lực phía Bắc Quảng Nam và vùng đông của thị xã Điện Bàn, Điện Dương thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, khu nghỉ dưỡng cao cấp… Trong giai đoạn 2015 – 2020 đã có 64 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 12.500 tỷ đồng. Nổi bật có thể kể đến các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng cao cấp như Mỹ Việt, Malibu, Hoàng Gia, Sơn Phú Hải; các khu đô thị Bắc Hội An, Đại Dương Xanh, An Phú Thịnh… giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng thương mại, dịch vụ.

Ông Trần Minh Hoàng – Bí thư Đảng ủy phường Điện Dương nhìn nhận, thành công nhất của Điện Dương khi trở thành đô thị chính là tổng nguồn vốn đầu tư xã hội không ngừng tăng cao. 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Điện Dương đạt 14,57%/năm. Trong đó, nhóm ngành thương mại - dịch vụ - du lịch tăng 20,79%; nhóm công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 12,07%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh theo hướng thương mại - du lịch - dịch vụ, chiếm 69,31% tổng cơ cầu kinh tế phường; ngành công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng 11,7%; ngành nông nghiệp – thủy sản chỉ còn 18,98%.

Tại Điện Ngọc, diện mạo đô thị cũng thay đổi khá tích cực, hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng, kết nối đồng bộ, đời sống người dân ngày càng phát triển. Đến năm 2020, toàn phường không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm còn 4 hộ.

Theo ông Trần Duy Nghĩa – Bí thư Đảng ủy phường Điện Ngọc, thành tựu nổi bật nhất của địa phương sau khi trở thành đô thị chính là phát triển kinh tế. Tính đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất kinh tế Điện Ngọc đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 2,27 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân 21,81%. Nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở hành chính, thiết chế văn hóa… gia tăng qua hàng năm; công tác quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng, quản lý trật tự xây dựng được tăng cường; mỹ quan đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Xung lực phát triển

Ngày 11.3.2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 889/NQUBTVQH13 thành lập thị xã Điện Bàn, đồng thời nâng cấp 7 xã, thị trấn thành phường, bao gồm Vĩnh Điện, Điện An và 5 xã vùng đông là Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông. Mặc dù quá trình đô thị cũng làm phát sinh một số vấn đề liên quan đến môi trường, quản lý xã hội, nhận thức người dân, bất động sản, đầu tư hạ tầng, giải tỏa mặt bằng… nhưng không phủ nhận việc trở thành đô thị đã mang đến những cơ hội và xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, phát triển vùng đông đã giúp hoàn chỉnh hạ tầng đô thị, đảm bảo cho sự phát triển đô thị của Điện Bàn một cách bền vững. Hiện tại, Điện Bàn thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, vừa hoàn thiện các thủ tục đầu tư, vừa triển khai dự án trục chính đô thị khớp nối một số tuyến đường quan trọng. Đồng thời nỗ lực cùng với tỉnh khởi động nạo vét sông Cổ Cò; xúc tiến giải phóng mặt bằng chuẩn bị để tỉnh triển khai khởi công cầu Nghĩa Tự...

Ngoài ra, thị xã Điện Bàn cũng tổ chức thi tuyển kiến trúc cầu bắc qua sông Cổ Cò, khi hoàn thành những công trình này không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn tạo ra cảnh quan phát triển du lịch. “Điện Bàn phát triển nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào vùng động lực phía đông với các khu đô thị mới, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và tuyến đường du lịch ven biển” - ông Trần Úc khẳng định.

Thực tế, thời gian qua nhiều dự án nghỉ dưỡng, bất động sản có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã và đang được triển khai, thu hút đông đảo lực lượng lao động làm việc. Và con số sẽ không dừng lại ở đó mà ngày càng nhiều hơn, trở thành đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng, không chỉ hiện nay mà còn của những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi thay vùng đông Điện Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO