Dự án phát triển hạ tầng đô thị TP.Hội An: Khớp nối đồng bộ hạ tầng giao thông

PHAN VINH 05/03/2020 09:46

Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An đang được triển khai. Tại cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng các sở, ban ngành của tỉnh vừa qua, các bên liên quan đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để dự án đạt hiệu quả cao, khớp nối đồng bộ với hạ tầng tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các sở, ban ngành cần tính toán nhiều phương án để dự án đạt hiệu quả cao.Ảnh: P.V
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các sở, ban ngành cần tính toán nhiều phương án để dự án đạt hiệu quả cao.Ảnh: P.V

Nhiều hạng mục quan trọng

Ông Đào Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn và xây dựng Tân Phong (Hà Nội) - đơn vị tư vấn dự án, cho biết mục tiêu đầu tư dự án là tạo điều kiện về môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch TP.Hội An; đồng thời tăng cường phòng chống lũ, chống xói mòn, chống xâm nhập mặn nguồn nước, tăng cường tính bền vững kết cấu hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Dự án có tổng vốn 88,5 triệu USD (tương đương với 2.056 tỷ đồng), đang triển khai các hạng mục đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại, dự kiến hoàn thành vào dịp 30.4 sắp tới. Ngoài ra, các hạng mục khác như hệ thống cảnh báo lũ sông Vu Gia - Thu Bồn; xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi và hồ Pháp Bảo; nâng cấp, cải tạo đường ĐT608..., dự kiến trao thầu vào quý II.2020.

Những hạng mục trình UBND tỉnh phê duyệt lần này gồm đường dẫn cầu Cửa Đại - Nam Hội An và hạng mục nạo vét sông Cổ Cò (bao gồm cầu thôn 3). Theo đó, hạng mục đường dẫn cầu Cửa Đại - Nam Hội An có điểm đầu tại điểm cuối phía nam cầu Cửa Đại chạy dài 36,5km, điểm cuối giao nhau với quốc lộ 40B (kết hợp với tuyến 129 ven biển). Loại đường trục chính đô thị, vận tốc quy định 70km/h. Hoàn chỉnh quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch 38m, bao gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và vỉa hè hai bên. Hạng mục còn đang xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc toàn tuyến gồm hệ thống thoát nước ngang, dọc, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, cây xanh.

Hạng mục nạo vét sông Cổ Cò từ Km14 - Km19+450 với chiều dài 5,45km. Quy mô nạo vét phần trên cạn dài 1,85km, phần có mặt nước dài 3,6km. Ngoài ra, tại Km17+844 của lý trình sông Cổ Cò còn có hạng mục cầu thôn 3 bắt qua sông khớp nối với đường Dũng Sĩ Thanh Khê - Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc.

“Đối với cầu thôn 3, chúng tôi đề xuất 3 phương án là cầu vòm vô cực, cầu dây văng và cầu dầm hộp đúc hẫng. Trong đó, phương án cầu vòm vô cực đảm bảo tiêu chí mỹ quan kiến trúc cao, công trình trở thành điểm nhấn của khu vực. Ngoài ra, chiều cao kết cấu nhịp thấp, giảm chiều cao đắp, giảm giải phóng mặt bằng và giảm thiểu ảnh hưởng khu dân cư hai bên” - ông Thắng nói.

Tính toán nhiều phương án

Về dự án nạo vét sông Cổ Cò, ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương đã triển khai việc quyết toán giải phóng mặt bằng. Đến nay quyết toán xong đối với dự án của Đất Quảng, còn dự án của Công ty Bách Đạt thì đang triển khai, chậm nhất đến đầu quý II.2020 sẽ hoàn thành việc quyết toán.

“Đề nghị tỉnh sớm tiếp tục giao cho Điện Bàn làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, bởi nếu giao chậm quá thì các kết quả mà chúng ta làm dở dang trước đây sẽ phải làm lại, ví dụ kết quả đo đạc, xử lý chênh lệch giá đất giữa bồi thường theo phương án cũ và mới” - ông Đạt nói.

Góp ý về các hạng mục, ông Nguyễn Ngọc Tân - Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN&PTNT) cho rằng, hạng mục nạo vét sông Cổ Cò cần có phương án chống nhiễm mặn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng ven sông. Bởi việc nạo vét sông sẽ dẫn nước từ hướng Đà Nẵng về và khả năng xâm nhập mặn rất cao. Ngoài ra, khi xây dựng phương án chống lũ ở sông Thu Bồn cũng phải nghiên cứu và tham khảo thêm mức lũ ở Đà Nẵng để có định hướng đúng đắn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, đối với đường phía nam cầu Cửa Đại, trước đây đã thiết kế rồi thì bây giờ làm cho đủ, riêng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chú ý khớp nối với quy hoạch dọc 2 bên tuyến đường này. Bây giờ phải xem quy hoạch 2 bên tuyến đường đó, chỗ nào cần thiết phải làm vỉa hè, hệ thống cống thoát nước, hệ thống hộp kỹ thuật, các đường ống kỹ thuật thì thực hiện. Về đầu tư, cố gắng giảm hạng mục để tiết kiệm, như vỉa hè không cần thiết phải làm toàn tuyến, những chỗ đi qua khu dân cư thì mới làm hoặc có chỗ làm phía đông, có chỗ làm phía tây thôi. Ngoài ra, toàn tuyến từ cầu Cửa Đại vào đến sân bay Chu Lai cần phải có những dự án đảo, vịnh hoặc điểm dừng chân để tránh đơn điệu. Về phần cây xanh, nằm trong vệt như đã tính khoảng 10m, dọc đó trồng hệ thống cây xanh cảnh quan, còn sau 10m là cây rừng phòng hộ. Hệ thống điện phải đồng nhất.

Riêng với dự án nạo vét sông Cổ Cò, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị Sở GTVT khẩn trương bàn giao đoạn 5,4km cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, thị xã Điện Bàn khẩn trương phê duyệt quyết toán bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ chủ đầu tư chuyển sang cho ban quản lý để tiếp quản và giao cho thị xã Điện Bàn làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng.

“Riêng đối với hạng mục cầu thôn 3, nút ở phía tây đề nghị nghiên cứu lại. Nhìn trên bản đồ, tôi thấy vẫn ép được về phía đông, nên nghiên cứu ép sát sân golf và nắn tuyến dịch về phía đông đảm bảo lòng sông tối thiểu 90m theo quy định. Về phương án kiến trúc thì căn cứ vào khẩu độ sông tại khu vực này để tính kiến trúc cho hài hòa tổng thể. Hạng mục cầu, nhà đầu tư phải bỏ tiền chứ Nhà nước không đầu tư. Ngoài ra, Sở Xây dựng thiết kế kiến trúc cho toàn tuyến, các cầu qua sông” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án phát triển hạ tầng đô thị TP.Hội An: Khớp nối đồng bộ hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO