Gỡ vướng giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm

TRẦN HỮU 01/03/2021 04:16

Cuối tuần qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm có vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo.

Dự án đường ven biển Võ Chí Công đang gặp vướng mắc mặt bằng đoạn qua vịnh An Hòa (Núi Thành). Ảnh: H.P
Dự án đường ven biển Võ Chí Công đang gặp vướng mắc mặt bằng đoạn qua vịnh An Hòa (Núi Thành). Ảnh: H.P

Chậm trễ kéo dài

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường cho rằng, quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ (BT-HT), tái định cư (TĐC) đối với các dự án trên địa bàn tỉnh đều chậm trễ so với quy định chung. “Nhiều dự án, công trình kéo dài vài năm, thậm chí hàng chục năm do công tác BT-HT, giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm trễ. Người dân sau khi TĐC gặp khó khăn về việc làm, thu nhập, ổn định đời sống” - ông Sơn nói.

Điều gây lúng túng cho cơ quan chức năng là xử lý nợ tiền sử dụng đất tồn đọng, kéo dài; quy định về thu tiền sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp trước đây địa phương không lập phương án BT, GPMB qua nhiều năm. Thêm vào đó là rắc rối trong xử lý đối với các trường hợp không ban hành quyết định thu hồi đất khi BT.

Ở một số địa phương, hồ sơ pháp lý về đất đai thiếu rõ ràng do lịch sử quản lý sử dụng đất qua các thời kỳ trước đây chưa thống nhất. Chẳng hạn, tại các xã vùng đông Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên, Tam Kỳ… bị thất lạc hồ sơ thực hiện theo Chỉ thị số 299 ngày 10.11.1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước. Mặt khác, sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn, không công bằng trong áp dụng chính sách pháp luật về đất theo quy định dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện dai dẳng.

Theo luật định, TĐC “đi trước một bước”, nhưng ở hầu hết địa phương công tác TĐC triển khai khá bị động khiến người dân không đồng thuận trong di dời chỗ ở. Để gỡ các vướng mắc về chính sách đất đai, BT-HT, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất từ năm 2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 43.

Liên quan đến nội dung đơn giá BT nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu thấp, Sở Tài nguyên và môi trường kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT rà soát quy định hiện hành để điều chỉnh cho phù hợp hoặc hằng năm ban hành quy định về hệ số điều chỉnh cho đảm bảo đơn giá phù hợp theo quy định. Việc quản lý hiện trạng tại các địa phương sau khi có thông báo thu hồi đất chưa nghiêm, bằng chứng là thường xảy ra tình trạng xây dựng cơi nới, chiếm đất trái phép. Trong khi đó, chính quyền cấp huyện chưa chủ động giải quyết theo thẩm quyền, đùn đẩy trách nhiệm về UBND tỉnh xử lý khiến nhiều vụ việc phát sinh kéo dài.

Xử lý kịp thời ách tắc mặt bằng

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, việc thành lập ban chỉ đạo không phải để làm thay chức năng, nhiệm vụ của cơ quan liên quan mà nhằm quán triệt tinh thần xử lý về chính sách BT-HT, GPMB thống nhất. Qua đó, tạo đồng thuận cao từ trên xuống dưới để xử lý dứt điểm những tồn tại trong thu hồi đất tại các dự án trọng điểm. Cơ chế, chính sách về BT phải được giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng không cứng nhắc.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh triển khai công tác BT, GPMB 21 dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công và 9 dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư tư nhân. Sở Tài nguyên và môi trường đã hoàn chỉnh dự thảo quy định sửa đổi, bổ sung chính sách BT-HT, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất để thay thế 3 quy định hiện hành gồm Quyết định số 43 ngày 22.12.2014, Quyết định số 02 ngày 15.1.2016, Quyết định số 19 ngày 5.9.2017.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh triển khai 427 dự án, 19.267 tổ chức/hộ gia đình ảnh hưởng, với tổng số tiền đã chi trả BT-HT hơn 1.000 tỷ đồng. Riêng các dự án trọng điểm có vốn đầu tư công, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo BT, GPMB và tổ giúp việc tại Quyết định số 62 ngày 7.1.2021 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Trong đó, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo trực tiếp theo dõi, đứng điểm, tiếp dân, đối thoại, đưa ra phương án giải quyết cụ thể. Mục đích thành lập ban chỉ đạo là nhằm điều hành “sâu sát, kịp thời của lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị” để giải quyết có hiệu quả công tác BT-HT, GPMB, TĐC trên địa bàn tỉnh.

Sắp tới, Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện các dự án trọng điểm, gồm dự án đường Võ Chí Công; đường nối từ quốc lộ 1 (ngã 3 Cây Cốc tại Thăng Bình đến nút giao với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi); đường nối từ đường cứu hộ cứu nạn đến quốc lộ 1; dự án quốc lộ 40B; giai đoạn 2 dự án nạo vét luồng vào Cảng Kỳ Hà...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO