Hạ tầng giao thông ở Hiệp Đức

CÔNG TÚ 18/08/2020 11:27

Hệ thống hạ tầng giao thông (HTGT) huyện Hiệp Đức chưa hoàn chỉnh, chưa tạo động lực cho kinh tế - xã hội địa phương chuyển mình mạnh mẽ.  

Quốc lộ 14E qua địa bàn Hiệp Đức chật hẹp, mất an toàn giao thông. Ảnh: C.T
Quốc lộ 14E qua địa bàn Hiệp Đức chật hẹp, mất an toàn giao thông. Ảnh: C.T

Năng động đầu tư

Trên địa bàn xã Hiệp Hòa, cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu Trà Linh đã kết nối đôi bờ thượng nguồn sông Thu Bồn. Vùng này từng một thời sôi động cảnh ghe thuyền ngược nguồn để trao đổi, bán mua sản vật, mắm muối, dụng cụ sản xuất của đồng bằng, vùng biển. Dự kiến cuối tháng 8 này, cầu Trà Linh sẽ nghiệm thu, đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội mới cho mảnh đất Hiệp Hòa nói riêng và Hiệp Đức nói chung trong xây dựng, phát triển.

Cùng với đó, hành trình sang sông của người dân chưa bao giờ dễ dàng đến thế, câu chuyện đánh đu số phận vào chuyến đò ngang tròng trành của bến Hiệp Hòa cũng chính thức trở thành dĩ vãng. Công trình này được khởi công giữa năm 2018 với nguồn vốn xây dựng lên đến hơn 120 tỷ đồng nơi địa hình núi non, sông nước hùng vĩ.

Tuyến ĐH1.HĐ dài khoảng 9km đảm đương sứ mệnh kết nối quốc lộ (QL) 14E tại xã Quế Thọ với đường bao trung tâm thị trấn Tân Bình. Năm 2018 trở về trước, huyện mới triển khai  xây dựng hơn 3km mặt đường huyện (ĐH) này. Đoạn tuyến dài 5,4km còn lại rơi vào tình trạng “nắng bụi, mưa bùn” khiến cuộc sống của người dân thêm vất vả, nhọc nhằn.

“Trẻ con đi học bùn đất văng lấm lem quần áo. Mặt đường nham nhở, toàn đất và sỏi, đá nên xe chạy bị xóc không đảm bảo an toàn” - bà Dương Thị Loan, một người dân xã Quế Thọ kể. Nhưng trước thềm Xuân Kỷ Hợi 2019, niềm vui của bà con như nhân lên khi được lưu thông thuận tiện trên toàn bộ cung đường đã kiên cố hóa chắc chắn, phẳng lỳ. Điều này có được nhờ UBND tỉnh quyết định cho đầu tư bằng nguồn vốn của Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) - Hợp phần khôi phục, cải tạo đường địa phương.

Ông Trần Thọ - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hiệp Đức cho biết, triển khai đề án kiên cố ĐH và đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) theo nghị quyết của HĐND tỉnh, địa phương lồng ghép nhiều nguồn lực, nhất là huy động sức người, sức của từ nhân dân để thực hiện rất hiệu quả. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hàng chục ki lô mét mặt đường ĐH đã được kiên cố hóa. Lồng ghép với nguồn lực tỉnh hỗ trợ theo đề án, ngày 31.10.2016, HĐND huyện Hiệp Đức đã ban hành Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND về phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, ngân sách huyện bố trí 8 tỷ đồng cho 4 năm, bắt đầu áp dụng từ năm 2017. Để hết năm nay, huyện có thêm 30,2km đường GTNT được đầu tư hoàn thành (14,31km đường xã và 15,89km đường dân sinh).  

Còn lắm trăn trở

Thành quả huy động, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho HTGT đã gỡ không ít “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, an ninh - quốc phòng ở Hiệp Đức. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực trạng đường sá qua Hiệp Đức còn lắm chuyện trăn trở. Theo chia sẻ của ông Trần Thọ, toàn huyện có 14 tuyến ĐH với chiều dài 130,2km. Ngoài 18,81km đang là đường đất, bề mặt của 111,39km còn lại từng thâm nhập nhựa, thảm bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng. Tuy nhiên, trong số chiều dài mặt đường đã được cải tạo cứng hóa, hiện có tới 68,87km bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn làm trước đây đều hẹp song huyện đủ kinh phí để nâng cấp, mở rộng. Hệ thống đường GTNT khoảng 140km, nhưng mặt đường đất cũng chiếm phần lớn khiến việc lưu thông hàng hóa, đi lại sản xuất, nhất là kinh tế rừng gặp trở ngại, sản phẩm bán ra không đúng giá trị thực do bị tư thương ép giá.  

Đáng chú ý, giao thông đối ngoại là điểm hạn chế trong công tác đầu tư hạ tầng ở địa phương. Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức - ông Nguyễn Như Công cho hay, các tuyến QL14E, tỉnh lộ (ĐT) 611B và ĐT614 đi qua địa bàn huyện, nhưng hầu hết đều xuống cấp. Trong đó, tuyến ĐT614 quanh co, lên xuống dốc nên từng xảy ra nhiều vụ tai nạn. Đáng nói, QL14E là trục giao thông huyết mạch, kết nối QL1 lên đường Hồ Chí Minh, song đoạn qua Hiệp Đức lại rất chật hẹp, hai xe tải lớn ngược chiều tránh nhau vô cùng khó. Xe container không dám tấp vào lề để nhường đường do sợ nền đất lún dễ khiến phương tiện gặp sự cố. Cử tri qua các lần tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội đều kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường. Nhưng thời gian qua, Bộ GTVT bố trí vốn chủ yếu để duy tu, bảo dưỡng công trình.  

Nhằm phát triển HTGT, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; gắn kết GTNT, ĐH với ĐT và QL nhằm tạo sự liên hoàn, xóa đi “nút thắt” để giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Hiệp Đức kiến nghị HĐND tỉnh tiếp tục triển khai đề án kiên cố hóa ĐH và GTNT giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, Bộ GTVT cần sớm nâng cấp, mở rộng QL14E nhằm tạo tiền đề cho địa phương thu hút doanh nghiệp, khai phóng tiềm năng lợi thế, giải bài toán thoát nghèo. Ngoài ra, tỉnh bố trí nguồn lực cho nâng cấp, mở rộng ĐT614 và ĐT611B để tạo HTGT đối ngoại liên hoàn, thông suốt giữa các địa phương phía nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạ tầng giao thông ở Hiệp Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO