Khó khăn giao thông Bắc Trà My

CÔNG TÚ 20/10/2020 09:14

Hạ tầng giao thông vận tải huyện Bắc Trà My vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân cũng như chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cầu Đồng Chùa là “nút thắt cổ chai” trên tuyến đường ĐH1.Ảnh: C.T
Cầu Đồng Chùa là “nút thắt cổ chai” trên tuyến đường ĐH1.Ảnh: C.T
Nỗ lực đầu tư

Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Bắc Trà My - ông Nguyễn Hữu Sự cho biết, địa phương có khoảng 97km đường huyện (ĐH), 207km đường xã (ĐX) và hệ thống giao thông nông thôn (GTNT). Đặc biệt, địa bàn huyện có hơn 42km đường quốc lộ (QL) 40B và gần 15km đường QL24C, cùng với đó là đường Trường Sơn Đông đi qua đã tạo nên bức tranh giao thông kết nối đông - tây, nam - bắc tương đối rõ nét.

Xác định hạ tầng giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, những năm qua, Bắc Trà My huy động nhiều nguồn lực đầu tư. Đến nay, bề mặt đường của các tuyến ĐH1.BTM, ĐH2.BTM, ĐH3.BTM và ĐH5.BTM đã kiên cố hóa bền chắc. Trong số đó, mặt cắt đoạn qua trung tâm các xã mở rộng khang trang để phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trên tuyến ĐH8.BTM từ xã Trà Đốc đi xã Trà Bui, địa phương thực hiện kiên cố hóa cục bộ một số đoạn được khoảng 5km mặt đường; đoạn tuyến còn lại đã tổ chức đấu thầu và chuẩn bị triển khai thi công từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ.

Về hạ tầng giao thông đối ngoại, mặt đường QL40B trở nên êm hơn nhờ đơn vị quản lý thực hiện tốt việc bảo trì. Tuyến tránh Trà My và cầu Sông Trường làm nhiệm vụ liên thông thị trấn Trà My với 2 xã Trà Giang và Trà Sơn, kết nối trục QL40B hiện trạng và giao với nút giao QL24C được đưa vào sử dụng mới. Bây giờ, người dân địa phương lưu thông đến địa phận Quảng Ngãi một cách nhanh chóng nhờ tuyến QL24C hình thành với kết cấu bề mặt thâm nhập nhựa, kết nối thông suốt giữa Bắc Trà My với huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Được khai thác với phương tiện sắm mới, sức chở phù hợp với địa hình miền núi, tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Trà My mỗi ngày đưa đón hàng nghìn lượt hành khách, góp phần giảm thiểu đáng kể lưu lượng xe cộ cá nhân lưu thông trên QL40B. Ngoài xe buýt, nhân dân và cán bộ có thể sử dụng xe khách tuyến cố định để xuất phát đi Tam Kỳ, Đà Nẵng, ra đến Thừa Thiên Huế.

Còn nhiều trở ngại

Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, để khắc phục khó khăn và khai phá tiềm năng, lợi thế đưa địa phương bứt phá đi lên, huyện kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng QL40B nhằm kết nối thông suốt trục đông - tây, hỗ trợ nguồn lực làm đường giao thông vào vùng dược liệu. Cạnh đó, cấp có thẩm quyền hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị Trà My (như giao thông, trạm xử lý nước thải…) cho xứng tầm là đô thị trung tâm hạt nhân vùng tây nam của tỉnh (gồm các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My).

Là trục đối ngoại chiến lược, cả hai tuyến QL40B và 24C thường xuyên bị đe dọa bởi mưa lũ. Năm nay cũng không phải ngoại lệ, mùa mưa bão mới bắt đầu nhưng nhiều vị trí đã bị sạt lở taluy dương với hàng chục nghìn mét khối đất, đá đổ xuống mặt đường gây ách tắc giao thông. “Đến hẹn lại lên”, mưa lớn kéo dài khiến nước lũ băng ngang ngầm Sông Trường (km62+00) và ngầm Nước Oa (km63+100) trên QL40B làm chia cắt lưu thông lên một phần Bắc Trà My và toàn bộ Nam Trà My. Ngoài tác động của thời tiết khắc nghiệt, tiêu chuẩn nền mặt đường còn thấp cho nên phương tiện có tải trọng lớn đi qua khiến cho hai tuyến QL vừa đề cập nhanh hư hỏng.

Ông Nguyễn Hữu Sự chia sẻ, phần lớn mặt cắt QL40B qua Bắc Trà My đều rất chật hẹp, cong cua, địa hình dốc không đáp ứng với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến hiện tại, chứ chưa nói tới tương lai. Chưa kể, các tuyến QL24C và đường Trường Sơn Đông đấu nối vào, xe cộ từ các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Ngãi, nhất là ô tô đi qua địa bàn huyện ngày càng nhiều khiến QL40B bị quá tải trầm trọng, mất an toàn giao thông. Hơn nữa, hiện trạng trục huyết mạch như thế này sẽ không thể tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế, bởi xe container chở nguyên vật liệu lên miền ngược để phục vụ sản xuất, hoặc chở sản phẩm hàng hóa quay về xuôi không thể đi thông thì doanh nghiệp khó đầu tư vào địa bàn. Chính vì vậy, việc nâng cấp, mở rộng QL40B là rất cần thiết, giải tỏa bức xúc kéo dài bấy lâu nay.

Hạ tầng giao thông thuộc trách nhiệm địa phương đầu tư cũng rất nhiều hạn chế, vì nguồn lực thiếu trước hụt sau. Nhiều đoạn thuộc hệ thống ĐX, nhất là GTNT còn là nền đường đất, thậm chí không khác gì lối mòn vào khu dân cư. Do vậy, mùa mưa mặt đường lầy lội, sạt lở thường xuyên. Tuyến ĐH4.BTM đã thâm nhập nhựa lâu năm, lại nằm ở vùng có độ dốc lớn, xe tải vận chuyển keo thu mua từ trong dân lưu thông khiến nền, mặt đường xuống cấp nặng song huyện chưa có kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Mặc dù đã đầu tư kiên cố hóa mặt đường, tuyến ĐH1.BTM vẫn còn “nút thắt cổ chai” với cầu Đồng Chùa tại lý trình km0+135. Địa phương cho biết, cầu này là cầu sắt được làm từ rất lâu rồi. Với bề mặt nhỏ và hư hỏng, cầu khó đảm bảo an toàn nếu phương tiện tải trọng lớn lưu thông. Cho nên, huyện kiến nghị tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 quan tâm bố trí sớm nguồn lực từ chương trình xây dựng cầu, cống trên hệ thống ĐH để đầu tư xây dựng cầu Đồng Chùa, hướng tới tương lai gần là một hạng mục của tuyến ĐT617 nối dài theo quy hoạch (Núi Thành - Bắc Trà My).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó khăn giao thông Bắc Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO