Phát triển hạ tầng giao thông vùng đông: Kết nối liên hoàn

CÔNG TÚ 06/10/2020 09:39

Từ đường Võ Chí Công, hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn với trục dọc ven biển này cần được tiếp tục khai mở để đồng bộ, tạo sức bật đưa vùng đông phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Đường Võ Chí Công qua vịnh An Hòa (Núi Thành) đã xây dựng đủ quy mô mặt cắt theo quy hoạch rộng 38m. Ảnh: C.T
Đường Võ Chí Công qua vịnh An Hòa (Núi Thành) đã xây dựng đủ quy mô mặt cắt theo quy hoạch rộng 38m. Ảnh: C.T

Thông trục dọc ven biển

Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), “quốc lộ 1 ven biển” (đường Võ Chí Công) giữa tuần qua đã được thông xe kỹ thuật đoạn từ dốc Diên Hồng (nút giao quốc lộ 40B, TP.Tam Kỳ) đi sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành).

Được biết, ngày 18.1.2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đường ven biển Việt Nam tại Quyết định số 129/QĐ-TTg (cho nên có tên thường gọi là đường 129). Trong đó, đoạn qua Quảng Nam bắt đầu từ Hội An đến sân bay Chu Lai dài 69km, nay được chọn đặt tên là đường Võ Chí Công.

Sau một thời gian đầu tư xây dựng, đoạn từ Hội An đến dốc Diên Hồng dài 42,5km (bao gồm cầu Cửa Đại) có mặt cắt ngang bằng 1/2 theo quy hoạch đã đưa vào khai thác từ năm 2016. Kể từ đây, vùng đất đầy gió và cát kéo dài từ Hội An, qua Duy Xuyên, vào Thăng Bình và đến tỉnh lỵ Tam Kỳ thật sự chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt dự án về công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ “mọc lên”.

Xe đi lại trên tuyến Võ Chí Công ngày càng đông đúc, nhất là ô tô đã góp phần chia sẻ lưu lượng phương tiện cho quốc lộ 1 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông dù đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng.

Nhằm thông suốt trục dọc ven biển này, đoạn còn lại từ dốc Diên Hồng đến sân bay Chu Lai có chiều dài 26,5km (đi qua TP.Tam Kỳ và huyện Núi Thành), mặt cắt ngang 12,5m với tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách tỉnh được khởi công xây dựng từ tháng 12.2018. Đến nay, công trình thông xe kỹ thuật và sẽ hoàn thiện trong thời gian tới, là tiền đề để khai phá tiềm năng và thế mạnh của khu vực vùng đông Tam Kỳ và Núi Thành, vào giáp với Dung Quất (Quảng Ngãi).

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư), vào đầu năm 2021 sẽ sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục làm đủ mặt cắt ngang theo quy hoạch rộng 38m đoạn Hội An - dốc Diên Hồng. Việc đường Võ Chí Công hoàn thành toàn tuyến sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh cũng như phát triển các ngành công nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông để giảm tải cho quốc lộ 1, đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày càng cao của nhân dân và các khu đô thị, tạo cảnh quan khu vực ven biển.

Kết nối liên hoàn

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, vùng đông của tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ. Đây là khu vực sôi động, phát triển vượt bậc sau khi đoạn tuyến Hội An - dốc Diên Hồng của đường Võ Chí Công đưa vào khai thác. Giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Nam quyết tâm đầu tư xây dựng hoàn thành toàn bộ mặt cắt đường theo quy hoạch (kể cả đoạn dốc Diên Hồng vào sân bay Chu Lai).

Đồng thời, tỉnh sẽ triển khai thực hiện hoàn chỉnh tuyến đường hành lang ven biển từ Cửa Đại vào Núi Thành. Các trục ngang đông - tây kết nối liên hoàn với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 1, các cảng biển, sân bay Chu Lai và đường Võ Chí Công cũng sẽ được tiếp tục xây dựng hoàn thiện. Sự đầu tư trên là tiền đề quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra diện mạo mới cho vùng đông.

Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông kết nối với 3 trục dọc liên quan trực tiếp vùng đông là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 1 và đường Võ Chí Công thời gian qua đã được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn lực. Đơn cử, đường Điện Biên Phủ (Tam Kỳ); đường trục chính khu công nghiệp Tam Hiệp lên cao tốc, rồi cầu vượt vòng xuyến 2 tầng Tam Hiệp (Núi Thành) đã hoàn thành. Các dự án từ ven biển Bình Minh lên ngã ba Cây Cốc, quốc lộ 14E và giáp nút giao cao tốc qua Thăng Bình, hay dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 40B qua Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước đang giai đoạn triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, các dự án thi công đường ven biển Bình Minh lên giáp cao tốc qua Thăng Bình, trọng tâm là tuyến đường kết nối đường Võ Chí Công lên ngã ba Cây Cốc “đứng bánh” nhiều tháng qua do ách tắc giải phóng mặt bằng kéo dài. Cạnh đó, một số tuyến đường kết nối quốc lộ 1 với đường Võ Chí Công đã quá tải, cần phải được nâng cấp, mở rộng hoặc xây mới như đoạn ngã tư Hà Lam - Võ Chí Công trên quốc lộ 14E; tuyến ĐT613 với “nút thắt cổ chai” cầu Bình Dương đang là cầu tạm.

Vào địa phận Núi Thành, tuyến đường ĐT617 đã xuống cấp nặng, mất an toàn giao thông cho nên cần được quan tâm bố trí nguồn lực cải tạo căn cơ. Đặc biệt, việc đầu tư kết nối tuyến đường ĐT620 (theo quy hoạch) với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là rất cần thiết, để “quy tụ” các trục huyết mạch gồm cao tốc - quốc lộ 1 - Võ Chí Công - ĐT620 với đường vào sân bay Chu Lai, đáp ứng nhu cầu phát triển năng động của vùng đông trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển hạ tầng giao thông vùng đông: Kết nối liên hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO