Trở lại dự án đê sông Bàn Thạch: Chậm xử lý, dân khiếu nại vượt cấp

HỮU PHÚC 14/04/2020 06:27

Liên quan đến khiếu nại đòi bồi thường - hỗ trợ (BT-HT) của các hộ dân về dự án đê sông Bàn Thạch (Tam Kỳ), UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết kịp thời. Thế nhưng, hơn một năm qua, chính quyền TP.Tam Kỳ, chủ đầu tư và các ngành chức năng vẫn chậm xử lý, khiến người dân phải khiếu nại vượt cấp.

Đê sông Bàn Thạch đã thi công xong, nhưng đất sản xuất của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được giải quyết BT-HT.Ảnh: H.P
Đê sông Bàn Thạch đã thi công xong, nhưng đất sản xuất của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được giải quyết BT-HT.Ảnh: H.P

Khiếu nại vượt cấp

Về việc BT dự án đê sông Bàn Thạch, Báo Quảng Nam liên tục có nhiều bài viết phản ánh (“BT ở dự án kè bờ sông Bàn Thạch: Bao giờ mới giải quyết dứt điểm?”, đăng ngày 29.7.2019; trước đó ngày 17.4.2019 là bài “Dự án kè bờ sông Bàn Thạch: Thống nhất đề xuất thu hồi đất bị ảnh hưởng”).

Liên quan đến dự án này, trong Công văn số 1955, ngày 12.4.2019 của UBND tỉnh gửi các địa phương, Sở TN&MT và Sở NN&PTNT đã thống nhất về việc BT-HT với diện tích đất nằm ngoài vạch giải phóng mặt bằng (GPMB). Đê sông Bàn Thạch qua phường Hòa Hương (Tam Kỳ) đã thi công xong, diện tích đất của 10 hộ dân bị ảnh hưởng hầu như không thể sản xuất được.  

Có đất sản xuất bị ảnh hưởng, ông Trần Ngọc Bảo đặt vấn đề: “Tại sao chính quyền tỉnh thống nhất giải quyết BT-HT đất sản xuất bị ảnh hưởng cho chúng tôi nhưng gần 2 năm nay cơ quan thực thi BT vẫn không trả lời dứt điểm, phải chăng có khuất tất gì về thu hồi đất?” .

Theo các  hộ dân, cùng hiện trạng bị ảnh hưởng giống nhau do thi công dự án kè đê sông Bàn Thạch nhưng họ bị Nhà nước “bỏ quên” quyền lợi trong khi nhiều trường hợp khác đã nhận tiền BT. Vì vậy, 10 hộ dân ở khối phố Hương Sơn (phường Hòa Hương) đã khiếu nại kéo dài, thậm chí khiếu nại vượt cấp lên UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tại cuộc họp ngày 31.3.2020 về BT dự án đê sông Bàn Thạch, UBND TP.Tam Kỳ tiếp tục giao Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ phối hợp với UBND phường Hòa Hương thống kê diện tích đất nông nghiệp sản xuất ngoài đê sông, trong đó có nêu rõ các thửa đất có trong hồ sơ quản lý địa phương và các thửa đất không rõ ranh giới. Lập phương án phân loại 3 trường hợp cụ thể: Diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được; diện tích giao cho dân nhưng bị sạt lở; diện tích đất vẫn sản xuất được nhưng thiếu hoặc khó khăn về điều kiện để sản xuất (đường đi, tưới tiêu…). Giao UBND phường Hòa Hương có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc đất.

UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, các hộ dân bị ảnh hưởng đất nằm sát sông Bàn Thạch và không thuộc phạm vi thu hồi đất của dự án (nằm ngoài dự án), không thể hiện trong bản đồ trích đo địa chính phục vụ công tác BT-HT để giải phóng mặt bằng của dự án, nên không thu hồi đất là đúng theo phạm vi ranh giới dự án được đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh bàn giao. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, chính quyền địa phương thừa nhận ranh giới bờ thửa và diện tích của các thửa đất không xác định được. Nguyên nhân do nước sông dâng cao, một phần bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công công trình trước đây làm mất hoàn toàn ranh giới bờ thửa và các thửa đất này bị ảnh hưởng không sản xuất được là do không có lối đi để tổ chức sản xuất…

Hai bản báo cáo (Báo cáo số 267, ngày 2.10.2019 và Báo cáo số 406 ngày 26.12.2019) của UBND TP.Tam Kỳ đều thống nhất thực hiện thu hồi đất và BT hoặc HT chuyển đổi nghề cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Theo địa phương, để xảy ra khiếu nại của các hộ dân này là do đánh giá tác động môi trường, đánh giá các tác động khác của dự án chưa được sâu sát nên không lường hết mức độ ảnh hưởng sau khi công trình hoàn thành.

Cần giải quyết sớm

Quan điểm của chính quyền tỉnh và TP.Tam Kỳ là BT-HT cho người dân bị ảnh hưởng sản xuất do công trình đê sông Bàn Thạch, nhưng tại sao cơ quan BT lại đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc?

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị là lập thủ tục BT-HT trên cơ sở hồ sơ mốc giới địa chính được chủ đầu tư giao ngoài thực địa. Văn bản của UBND tỉnh đề cập, trường hợp hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp đủ điều kiện để BT khi Nhà nước thu hồi đất mà phần diện tích đất còn lại của thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn 100m2 nằm ngoài vạch GPMB, nếu người sử dụng đất có đơn đề nghị thu hồi thì UBND cấp huyện (thành phố) giải quyết. Trường hợp thửa đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân còn lại sau thu hồi nằm ngoài vạch GPMB mà có diện tích từ 100m2 trở lên, thì UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

“Vấn đề nằm ở chỗ, lấy nguồn ở đâu để BT cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Nếu sau này đơn vị kiểm toán vào kiểm tra thanh quyến toán việc BT phạm vi ngoài vạch GPMB, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm? Lẽ ra trước đây dự án phải có đánh giá tác động môi trường” - ông Đức nói.  

Cũng theo ông Đức, mới đây đơn vị đã mời nhiều ngành chức năng của tỉnh tham gia khảo sát thực tế và đề xuất phương án giải quyết, song lại bất thành do có đến 5 đơn vị liên quan không tham dự, trong đó vắng đại diện của Sở TN&MT là cơ quan tham mưu về chính sách BT-HT. Được biết, từ năm 2019 đến nay, rất nhiều lần UBND tỉnh có văn bản đôn đốc xử lý, gần đây nhất là Công văn số 147 ngày 9.1.2020 của UBND tỉnh, giao UBND TP.Tam Kỳ chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng tỉnh, Sở TN&MT, Sở Tài chính tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở lại dự án đê sông Bàn Thạch: Chậm xử lý, dân khiếu nại vượt cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO