Vì an toàn đường sắt

CÔNG TÚ 21/04/2020 14:51

Xử lý nghiêm vi phạm hành lang, nâng cấp đường ngang hợp pháp, thu hẹp và cảnh giới bằng chốt gác tại lối đi tự mở (đường ngang bất hợp pháp)… là những việc cần thiết phải làm vì an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.

Lối đi tự mở qua địa bàn thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.Ảnh: C.T
Lối đi tự mở qua địa bàn thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.Ảnh: C.T

Mất an toàn

Hằng ngày, người dân thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn (Duy Xuyên) thường xuyên qua lại lối đi tự mở băng qua lý trình km824+530 đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh.

“Đường bê tông nằm phía đông đường sắt là khúc cong cua hay muốn băng qua đường sắt phải lên con dốc khiến người tham gia giao thông bị khuất tầm nhìn. Chưa kể nhiều khi phương tiện bị chết máy, hoặc bị kẹt ngay giữa các tấm lát đường tàu rất nguy hiểm” - ông Nguyễn Văn Bài, một người dân thôn Chiêm Sơn phản ánh.

Ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đây là lối đi tự mở nhưng phương tiện xe máy qua lại đông, đối tượng tham gia giao thông không riêng gì ở Duy Xuyên mà còn của địa phương lân cận vào ga Trà Kiệu để giao dịch.    

Ngoài lý trình nêu trên, Ban ATGT tỉnh cho biết, trên tuyến đường sắt dài 91,5km qua địa bàn Quảng Nam còn có 61 lối đi tự mở khác. Trong đó, Điện Bàn chiếm 3, Duy Xuyên 4, Quế Sơn 3, Thăng Bình 6, Phú Ninh 6, TP.Tam Kỳ 7 và Núi Thành 33.

“Nhiều lối đi tự mở giao cắt với đường huyện, đường xã có mật độ phương tiện cơ giới đường bộ lưu thông khá đông. Tuy nhiên, mặt đường không bằng phẳng, độ dốc lớn, tầm nhìn hạn chế nhưng chưa được tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác nên mất ATGT rất cao” - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Sinh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho hay.

Hiểm họa tai nạn giao thông còn tiềm ẩn ở không ít đường ngang hợp pháp chỉ mới phòng vệ bằng biển báo. Vụ va chạm xảy ra vào ngày 2.4 vừa qua tại đường ngang biển báo lý trình km870+190 (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) giữa tàu hàng với ô tô con khiến 3 người bị thương, gây chậm tàu là ví dụ điển hình. Ngoài ra, người dân xây dựng công trình, trồng cây trong hành lang ATGT đường sắt gây khuất tầm nhìn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu.

Nỗ lực khắc phục

Trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp giao ban với các phó chủ tịch UBND tỉnh vào ngày 13.4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất cho Ban ATGT tỉnh thực hiện 8 chốt gác (kể cả 5 chốt gác bổ sung), với mức thù lao chi trả cho người tham gia chốt gác bằng mức lương tối thiểu vùng III theo quy định. Ban ATGT làm việc với Sở Tài chính về kinh phí thực hiện; tiếp tục rà soát các lối đi tự mở khác có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện vào tháng 12.2020.

Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý đường sắt) cho biết, quý I năm nay đã tiến hành nâng cấp xong 11 đường ngang phòng vệ bằng biển báo lên thành đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn; phối hợp với địa phương rào thu hẹp được 5 lối đi tự mở.

Ông Huỳnh Văn Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho hay, doanh nghiệp cũng thường xuyên sửa chữa mặt lát đan đường ngang, mặt đường bộ trong phạm vi đường ngang. Thông qua hệ thống camera giám sát đặt tại đường ngang có gác, người có trách nhiệm kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh lực lượng gác chắn thực hiện nghiêm túc quy trình tác nghiệp, nội quy lao động. Năm 2019 công ty đã lập biên bản đình chỉ, báo cáo cấp thẩm quyền đề nghị xử lý 13 vụ vi phạm xây dựng công trình; quý I.2020 tiếp tục phát hiện 6 trường hợp.

Theo Quy chế phối hợp số 12/QCPH-BGTVT ngày 25.3.2013 giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh, trách nhiệm tổ chức chốt gác tại các lối đi tự mở thuộc về UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Thế nhưng địa phương chưa làm tròn trách nhiệm.

Trước thực trạng nhiều lối đi tự mở mất ATGT cao, năm 2019, Ban ATGT tỉnh phối hợp Sở Giao thông vận tải triển khai thí điểm 3 chốt gác tại km848+380 (xã Bình Trung, Thăng Bình), km886+820 và km888+820 (thị trấn Núi Thành, Núi Thành). Mỗi chỗ đầu tư chốt tạm bằng khung thép, lợp tôn, trang bị máy quạt, điện thoại liên lạc và thuê 3 lao động làm việc 3 ca, mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.

Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng tập huấn nghiệp vụ cho người chốt gác, trang bị sổ ghi giờ tàu, dụng cụ tín hiệu, phòng vệ, lắp đặt cần chắn. “Hiệu quả chốt gác rõ ràng đã đem lại sự đảm bảo chắc chắn hơn về ATGT. Năm 2019 tại 3 chốt gác không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào” - ông Lê Văn Sinh nói.

Ban ATGT tỉnh đề xuất UBND tỉnh tiếp tục cho duy trì 3 chốt gác nêu trên đồng thời triển khai kiểm soát tại 5 lối đi tự mở tại km824+530 (Chiêm Sơn, Duy Xuyên), Tam Kỳ là km861+220 (phường Hòa Thuận) và km863+600 (phường Trường Xuân); Núi Thành với km872+180 (xã Tam Xuân 2) và km897+540 (xã Tam Nghĩa). Tuy nhiên, vật giá năm 2020 tăng và mức lương tối thiểu vùng được nâng lên (vùng III là 3,43 triệu đồng), Ban ATGT tỉnh đã thỏa thuận với người dân với mức thù lao 3,25 triệu đồng/người/tháng và xin ý kiến của UBND tỉnh xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì an toàn đường sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO