Xử lý bất cập dự án dân cư

TRẦN HỮU 31/03/2021 08:01

Hôm qua 30.3, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì buổi làm việc đánh giá  thực hiện quy hoạch xây dựng và đầu tư các dự án khu dân cư, đô thị, tái định cư trên địa bàn tỉnh.

Việc phát triển ồ ạt các dự án đô thị tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc trước đây để lại nhiều hệ lụy. Ảnh: H.P
Việc phát triển ồ ạt các dự án đô thị tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc trước đây để lại nhiều hệ lụy. Ảnh: H.P

“Điệp khúc” chậm tiến độ

Theo Sở Xây dựng, trong số 108 dự án khu dân cư, đô thị triển khai tại thị xã Điện Bàn thì Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có 79 dự án. Điều đáng chú ý là 64 dự án trong tổng  số 79 dự án của khu đô thị này đang thực hiện các thủ tục đầu tư (31 dự án đang tổ chức thi công dở dang và 33 dự án chưa xây dựng).

Từ năm 2003 đến nay Quảng Nam đầu tư 144 dự án khu dân cư, đô thị, tái định cư. Trong đó, thị xã Điện Bàn 108 dự án; TP.Hội An 8; Núi Thành 10; Quế Sơn 4; Tam Kỳ 5; Thăng Bình 2; Duy Xuyên 2; các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nam Giang, Phú Ninh, Phước Sơn mỗi địa phương 1 dự án khu dân cư, đô thị.

Hiện tại các dự án khu đô thị Bách Đạt 3, 4, 5, 6 nằm ở Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhiều dự án khác chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư do chuyển mục đích thương mại dịch vụ sang đô thị, hay quy hoạch diện tích lớn hơn diện tích được giao cho chủ đầu tư (gồm khu đô thị hỗn hợp Nam Hương, Thái Dương 3, khu đô thị xanh Anvie Hà My, dự án khu đô thị Viêm Trung).

Thời gian qua, có dự án chậm tiến độ do tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Tại huyện Núi Thành, chính quyền tỉnh buộc phải giãn tiến độ đầu tư dự án khu nhà ở công nhân tại xã Tam Hiệp hay dự án khu nhà ở công nhân và tái định cư do Công ty CP Sản xuất ô tô Trường Hải làm chủ đầu tư.

Còn tại Điện Bàn, dự án khu dân cư mới 2A phường Điện Ngọc của Công ty Phong Hải Thịnh do phát sinh khiếu nại nên tỉnh chưa thống nhất gia hạn tiến độ; hoặc dự án khu tái định cư các phường Điện Ngọc, Điện Dương thuộc phân khu 1 của Công ty TNHH Hoàng Tiên. Về tiến độ thực hiện dự án, Sở Xây dựng cho rằng rất ít dự án triển khai đúng tiến độ đã được chấp thuận ban đầu, hầu hết dự án khu dân cư, đô thị đều phải gia hạn tiến độ; cá biệt có dự án kéo dài 15 năm vẫn chưa hoàn thành như khu đô thị số 9, khu đô thị số 4 thuộc Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Lúng túng xử lý

Sở Xây dựng nhìn nhận, nguyên nhân chính của dự án đô thị, khu dân cư chậm tiến độ chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng. Trong khi đó các địa phương cho rằng, ngoài ách tắc mặt bằng, những dự án phát triển đô thị, khu dân cư không thực hiện đúng thời gian quy định do kéo dài thời gian lập, phê duyệt quy hoạch; đánh giá báo cáo tác động môi trường...

Nhiều dự án đô thị tại phường Điện Ngọc (Điện Bàn) chậm tiến độ. Ảnh: H.P
Nhiều dự án đô thị tại phường Điện Ngọc (Điện Bàn) chậm tiến độ. Ảnh: H.P

Tại Điện Bàn, một số dự án tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã triển khai thi công trước, làm mất hiện trạng, nên địa phương không có cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ kiểm kê để bồi thường, điều này cũng làm chậm tiến độ.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - Trần Úc, địa phương rất lúng túng trong giải quyết vướng mắc về từng dự án (khai thác quỹ đất kinh doanh, thương mại, đất ở; chuyển đổi, hoán đổi các loại đất) chứ không phải quy hoạch.

“Các khu đô thị, dân cư rất yếu và thiếu hệ thống xử lý nước thải chung. Trước đây hạng mục xử lý nước thải đi chung với nước mưa, từng dự án đầu tư hệ thống riêng rất cục bộ. Cho nên, các dự án đô thị, khu dân cư phải được ràng buộc đầu tư đồng thời với các đường giao thông đối ngoại” - ông Úc nói.

Thực tế hiện nay còn tồn tại khối lượng lớn hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 được lập nhưng không triển khai. Chính quyền TP.Tam Kỳ, Hội An, thị xã Điện Bàn có kiến nghị thực hiện điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch này.

Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh xem xét thống nhất ủy quyền cho địa phương thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch 1/500 đối với các đồ án do UBND tỉnh phê duyệt trước đây. Các dự án đô thị, khu dân cư thường đầu tư mạng lưới cấp nước riêng lẻ, nhưng việc quản lý, bảo trì, duy tu hệ thống này gần như bỏ ngỏ sau đầu tư. Do vậy, các địa phương đề xuất tỉnh cần thiết ban hành quy định kết nối nhà máy cấp nước sạch tư nhân với hạ tầng nước ở khu dân cư, đô thị do Nhà nước xây dựng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, các khu đô thị, dân cư, tái định cư hiện nay bộc lộ quá nhiều bất cập do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Do vậy, Sở Xây dựng và các địa phương cần rà soát, tham mưu quy hoạch điều chỉnh phân lô, nhưng phải phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch phát triển đô thị; đề xuất xử lý các khu vực dân cư chưa kịp giải tỏa bên các khu dự án đô thị, chưa khớp nối hạ tầng đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xử lý bất cập dự án dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO