Động tĩnh trạng thái "ngủ đông"

NGUYỄN ĐIỆN NAM 28/03/2020 08:44

Xao xác lạnh tê khi nhiều quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp, ra lệnh phong tỏa, phải chọn trạng thái “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19. 

Nhiều nơi hạn chế di chuyển, tụ tập đông người, khuyến cáo đám tiệc chỉ dưới 50 người, hàng quán chỉ phục vụ 30 người, nay thì cấm cửa hẳn một số loại hình kinh doanh để tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Tại Việt Nam, từ các thành phố lớn đến tận vùng nông thôn xứ Quảng cũng rơi vào tình cảnh ấy. “Ngủ đông” được diễn dịch nôm na là “ai yêu Tổ quốc yêu đồng bào thì ở chỗ nào đứng yên chỗ nấy”(!).

Trước các ý kiến chuyên gia đưa ra những dự báo về suy thoái kinh tế, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khuyên “các doanh nghiệp cần chuyển sang trạng thái “ngủ đông” khi đối diện với khủng hoảng” (theo Vietnam Finance). Phải chăng đã xuất hiện nỗi ám ảnh về một cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới do dịch bệnh khiến doanh nghiệp có thể chết vì đói?  

Nhưng “ngủ đông” cần nên biết chuyển trạng thái  động - tĩnh thế nào cho phù hợp, đúng thời điểm, đúng chỗ chứ không cứ nhất nhất lúc nào cũng “đứng yên” mà tồn tại được.

Bài học này phải học từ tự nhiên. Thế giới động vật có loài ở núi cao chuyển trạng thái “ngủ đông” khi gặp mùa rét, băng giá, tránh vận động để hạ thân nhiệt và giảm mức trao đổi chất làm tiêu hao năng lượng; có loài chọn “ngủ đông” để tránh bị săn đuổi.

Thế giới thực vật cũng có loài cây “ngủ đông” mà điển hình như cây sâm Ngọc Linh của Quảng Nam vậy. Trong quá trình phát triển tự nhiên của cây sâm, khoảng vào cuối tháng 8 sâm Ngọc Linh bắt đầu chín hạt, rồi rũ lá đến tận cuối tháng 10 thì bước vào “ngủ đông”. Nhiều loài động thực vật “ngủ đông” nhưng không hoàn toàn nằm yên mà chuyển trạng thái động - tĩnh theo chu kỳ, trong tĩnh có động, trong động có tĩnh, như sâm Ngọc Linh vẫn dưỡng củ trong lòng đất để đủ sức đâm chồi nẩy lộc vào mùa xuân.

Với con người, khả năng “ngủ đông” đã mất đi sau thời kỳ tiến hóa từ loài động vật bậc cao, giờ thân nhiệt xuống quá thấp là tim ngừng đập.

Vậy nên nói chuyện “ngủ đông” là hình tượng hóa việc xuất xử trong đời sống sinh hoạt làm ăn mà thôi. “Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên” (Đạo Đức Kinh), ấy là nói cai trị một nước lớn cũng như nấu con cá nhỏ, có khi không cần làm việc gì nhiều mà vẫn được.

Thế khác chi bây giờ trong thời đại dịch nhiều nguyên thủ khuyên dân nên ít đi lại tụ tập mà ngồi yên trong nhà, ai rủi bị cách ly tập trung hóa ra may là được y tế thăm khám, cơm nước phục vụ tận nơi (!).

Để phòng chống dịch hiệu quả có khi chỉ nhờ hạn chế giao tiếp diện rộng, chăm vệ sinh thân thể, rửa tay xịt cồn… Nhưng cả nền kinh tế xã hội nếu “đóng cửa” dài lâu thì lấy gì tăng trưởng, thu nhập không có, cho nên chọn “ngủ đông” cũng là tình thế chẳng đặng đừng trong một giới hạn nào đó mà thôi.

Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Nam cũng sẽ phải “ngủ đông”. Du lịch, dịch vụ, vận tải… thấy rõ rồi với nhiều khách sạn, nhà hàng đóng cửa, còn các doanh nghiệp da giày, may mặc bị gián đoạn nguồn cung nguyên liệu phải ngưng việc.

Như ở Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ), Công ty CP Phước Kỳ Nam đã cho ngừng việc 1.900 lao động, Công ty TNHH Fashion Garment ngừng việc từ tháng Ba, nếu không nhập được nguyên phụ liệu thì tiếp tục cho lao động ngừng việc…

Ý nghĩ tích cực trước khi chuyển qua “ngủ đông” là chủ động dọn dẹp, sắp xếp lại, chuẩn bị các điều kiện để khi thức giấc thì hồi phục. Ngân hàng Nhà nước đưa ra gói tín dụng 250 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trụ lại, đồng thời hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng để miễn giảm thuế phí, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Đó giống như việc chủ động dọn lá, ủ ấm để cây sâm Ngọc Linh đỡ mất sức khi héo rũ, rồi bật lên với kỳ sinh trưởng mới. Thì đành mong vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động tĩnh trạng thái "ngủ đông"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO