“Hãy chọn giá đúng!”

NGUYỄN ĐIỆN NAM 30/08/2020 04:21

“Hãy chọn giá đúng” là một trò chơi truyền hình, chỉ gom lại vấn đề chọn giá cả các mặt hàng sao cho đúng là có thưởng. Nhưng trong đời cũng có lắm chuyện phải nghĩ làm sao để chọn được giá đúng, khó như giá trị sống, giá trị làm người…

Đời người phải trải qua biết bao sự lựa chọn nhưng tựu trung có thể nhóm lại những thứ chủ yếu được tự do chọn và bắt buộc phải chọn mà thôi.

Nói tự do là cái gì thuộc về quyền con người được chọn theo bản ngã tự nhiên. Cơ bản như những nhu cầu sinh lý bình thường hoặc những sinh hoạt đời sống mà ai cũng có thể chọn.

Nói bắt buộc là vì tình thế phải chọn (thế thời thế thế thời phải thế) hoặc do định chế tổ chức xã hội ràng buộc như pháp luật.  

Đại khái lý thuyết vậy, còn bây giờ mới hỏi tại sao gần đây xã hội ta có nhiều vụ việc gây ồn ào trong dư luận vì sự lựa chọn?

Như sự lựa chọn cán bộ.

Bắc Ninh chọn ông Chinh, làm Bí thư Thành ủy khiến dư luận ồn ào vì cho rằng nước cờ đi hậu “Chiến - Chinh” có dấu hiệu không minh bạch, bởi ông Chiến (cha) đang làm Bí thư Tỉnh ủy, còn ông Chinh (con) là cử nhân cờ, được điều chuyển về làm Bí thư Thành ủy sau đại hội. Nghe Trung ương “tuýt còi” yêu cầu kiểm tra và ông Chinh lập tức được cho thôi chức bí thư rồi chuyển qua làm phó giám đốc một sở nọ.

Như lựa chọn của giáo dục.

Thi tốt nghiệp THPT hay không thi, bàn đi rồi bàn lại thành thi hai đợt;  có nơi vừa thi đại học vừa xét tuyển, rồi có đại học xét tuyển không thi. Thi xong tới khai giảng, người nói bỏ người thì không, buồn cười lại có đề xuất “khai giảng trực tuyến”. Vào đầu cấp học xáo xào chuyện chuẩn bị sách giáo khoa, cái thì tự chọn, cái thì bắt buộc. Vào đại học nổi lên việc cạnh tranh tuyển sinh không trong sáng, đâu đó phát thư dèm pha qua lại, dán chồng quảng cáo lên nhau, cạnh khóe nhau giá học phí, giá trị bằng cấp đại học công tư… Chuyện như tò vò, khiến phụ huynh thời này phải mò mẫm xác định lại tâm thế cho con mình học để làm gì, học như thế nào, học ra sao...

Đang rung chấn như một tiếng bom là chuyện làm hộ chiếu nước ngoài.

Đó là khi xì ra hồ sơ của một đại biểu Quốc hội có hộ chiếu ở Cyprus (Síp). Nếu một người dân bình thường đầu tư gần 60 tỷ đồng để có “hộ chiếu vàng” ở nước đó thì luật không cấm. Nhưng là đảng viên, đại biểu Quốc hội, thì việc mang quốc tịch nước ngoài và không báo cáo sớm với tổ chức theo quy định, là việc cần xem lại tư cách. Ông Phạm Phú Quốc sẽ nói tiếng nói đại diện cho cử tri Việt Nam bầu cho ông như thế nào khi mang theo hình bóng ông Phạm… Síp, với gia đình đã định cư, chịu chi phối bởi các điều luật của nước ấy?

Cũng nhân vụ này mà nhiều người nhắc lại chuyện từng có đại biểu Quốc hội đăng ký quốc tịch ở Malta; rồi cảnh báo không ít tội phạm đã sớm lo mua hộ chiếu nước ngoài để phòng khi bị truy nã thì tẩu thoát. Cho nên, dẫu theo thông lệ quốc tế ai cũng có quyền tự do lựa chọn nơi cư trú, nhưng để có quốc tịch của nước nào cũng bị giới hạn trong khuôn khổ luật pháp của nước đó chứ không phải tự do là vô biên.     

Đến đây bỗng nhớ chuyện GS.Trần Văn Thọ, một người Quảng Nam hơn 40 năm sang Nhật sinh sống và thành danh, nhưng vẫn giữ cho mình quốc tịch Việt Nam. Đó là sự lựa chọn của một người nhưng lại làm cho nhiều người Việt cảm thấy dậy lên một niềm thương kính ông, và thương đất mẹ dẫu mẹ còn khó nghèo.

Lựa chọn định hướng và công việc nào cho xã hội, cho đất nước phát triển lên, đó là sứ mệnh của chính khách. Còn người bình thường có thể tự do trong nhiều lựa chọn cách thế ứng xử, nhưng để có giá trị sống, giá trị nhân cách mà xã hội kính trọng tùy thuộc vào tâm đức và trí tuệ của người đó vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Hãy chọn giá đúng!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO