Tăng trưởng và chất lượng cuộc sống

ĐĂNG QUANG 11/10/2020 06:32

Con số suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế do đại dịch Covid-19 cùng nhiều nguyên nhân khác nữa, làm cho Quảng Nam và nhiều tỉnh thành đau đầu. Và không riêng các địa phương, cả nước cũng vậy. Báo cáo chính trị tại đại hội sẽ có phần chùng xuống vì điều đó.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm Covid này, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống ước tính còn 2%, mức thấp kỷ lục trong mấy thập kỷ qua. Từ đó, kéo giảm cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,8%, thấp nhất so với mức bình quân 7,49%/năm giai đoạn 2001-2005; 6,88%/năm giai đoạn 2006-2010 và 5,89%/năm giai đoạn 2011-2015. Như thế, mục tiêu tăng trưởng 7-8%/năm đặt ra trong Đại hội Đảng XI cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã không trở thành hiện thực. Các chuyên gia phân tích tốc độ tăng trưởng bình quân của 4 lần mỗi kỳ 5 năm gần đây ngày càng đi xuống, cứ mỗi 5 năm sau thì tốc độ lại giảm đi so với 5 năm trước. Rõ ràng dư địa tăng trưởng càng ngày càng ít. Người ta hay nhắc động lực của thời Đổi mới, nhưng đúng là sau khi bung cái lò xo bị nén để hái những trái ngọt, bây giờ đã ít đi và không dễ tìm quả để hái.

Tốc độ tăng trưởng suy giảm, nên thu nhập bình quân đầu người – một tiêu chí quan trọng trong đánh giá mức độ cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, dù tăng từ 100 USD trước năm 1990 lên khoảng 2.800 USD hiện nay, vẫn còn khoảng cách rất xa với các nước phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện đứng hàng 123/182 nước, thuộc nhóm 1/3 cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất. Đáng nói hơn, khoảng cách giữa GDP bình quân đầu người của Việt Nam với thế giới ngày càng xa (năm 2017 chênh lệch khoảng 8.300 USD, năm 2018  là 8.400 USD và đến năm 2019 là 8.735 USD). Để thành nước phát triển, thu nhập bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 20.000 USD, nghĩa là phải tăng trưởng 7,5-8% mỗi năm liên tiếp trong 25 năm tới để đạt mốc 20.000 USD vào năm…2045. Thật là vấn đề nan giải!

Không như các nhà hoạch định chiến lược kinh tế phải lo xa như thế, người viết bài này quan tâm hơn về việc cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây là thuật ngữ hay dùng để đánh giá chung về các mức độ tốt đẹp của cuộc sống đối với các cá nhân và trên phạm vi toàn xã hội, cũng như đánh giá về mức độ hài lòng (well-being) về thể chất, tâm thần và xã hội.

Tăng trưởng của GDP và thu nhập bình quân đầu người không đồng nghĩa với tăng chất lượng cuộc sống. Bởi, chỉ số tiêu chuẩn  đánh giá chất lượng cuộc sống bao gồm không chỉ về thu nhập, sự giàu có và việc làm, mà còn là môi trường sống, môi trường xã hội, sức khỏe và tinh thần, giáo dục, giải trí… Khi ta đặt việc cải thiện chất lượng cuộc sống còn quan trọng hơn là chỉ chạy đua để có thành tích tăng trưởng, sẽ thấy rằng cần đảm bảo các điều kiện sống của con người tốt hơn. Mà điều đó cần cho Việt Nam, cho Quảng Nam và các địa phương mà tỷ lệ hộ nghèo còn cao, còn nhiều vùng khó khăn trong tiếp cận các nhu cầu đời sống. Vậy nên chú trọng đến cải thiện các nhu cầu thiết yếu. Chẳng hạn các vấn đề cơ bản và cấp thiết của con người là cần cải thiện tình trạng sử dụng điện, nước sinh hoạt (nước sạch, nước lọc, nước máy, nước ngầm, nước giếng...), đảm bảo điều kiện nhà ở, chỗ ở (bao gồm diện tích nhà ở và chất lượng nhà ở); ngoài ra phải xây dựng thêm các công trình công cộng như công viên, nhà vệ sinh công cộng, nhà ở xã hội và các công trình phúc lợi công cộng khác phục vụ cho cuộc sống vật chất và tinh thần của con người...

Theo bảng đánh giá chỉ số chất lượng sống (Quality of Life) của WHO thì Việt Nam đứng hàng 72/76 nước, có nghĩa là gần chót bảng. Vậy cần quan tâm hàng đầu về vấn đề cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt là chỉ số phát triển con người (HDI).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng trưởng và chất lượng cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO