Thừa tự văn hóa, nghĩ từ linga-yoni

NGUYỄN ĐIỆN NAM 18/04/2021 04:29

Thế giới vạn vật thường trải qua ba khuynh hướng vận động là sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt. Một nền văn hóa hay văn minh cũng vậy. Vấn đề ở chỗ ta cần ý thức về sự thừa tự các giá trị văn hóa phi vật thể khi đối thoại với quá khứ và cả tương lai như thế nào, chẳng hạn như tín ngưỡng phồn thực.

 
 Ảnh minh họa.

Hãy thử bắt đầu từ xứ Quảng, nơi có một nền văn minh Chăm pa (Chàm) đã lùi xa thời vang bóng, để lại những đền tháp rêu mờ, các kiến trúc sứt mẻ.

Trong vô số biểu tượng đơn lẻ rải rác, phân tán, ta nhặt ra một ý nghĩa phồn thực dường như được thừa tự ở hôm nay và cho mai sau. Ví như hình tượng linga và yoni.

Đền tháp Mỹ Sơn có nhiều linga, yoni được thờ. Hình linga “to nhất Đông Dương” là tháp Bằng An (Điện Bàn). Ta thấy gì từ đó?

Do ảnh hưởng từ văn hóa tín ngưỡng cổ xưa, cư dân Chàm xem linga là biểu tượng cho sức mạnh của vũ trụ toàn năng, cũng là hiện thân của Shiva – thần sáng tạo và hủy diệt.

Ở khía cạnh khác, Shiva là hiện thân của tất cả sáng tạo và một sự khởi đầu mới cũng như bảo quản và tiêu hủy, trong đó linga là cột lửa với dương khí bùng cháy, yoni là phần âm tính của thần.

Linga và yoni thường kết hợp với nhau tạo thành một chỉnh thể và trong điêu khắc Champa có trường hợp trên bệ yoni có linga bằng hình người (hay thần) ngồi trên đó, như bộ yoni ở tháp Mỹ Sơn G1, thể hiện một vị thần ngồi trên bệ bằng những cuộn rắn Naga – trên đầu có năm rắn Naga làm tán che trên bệ yoni.

Hiểu một cách nôm na như dân gian, linga-yoni là biểu tượng sinh thực khí, dương và âm kết hợp khởi nguồn cho sự sinh sôi, phồn thực, là cội nguồn sáng tạo khởi sinh của muôn loài.

Ngoài việc thờ sinh thực khí ở hầu khắp các đền tháp, trong một điệu múa lễ cúng Ri chà nư cành của người Chăm cũng thể hiện tín ngưỡng phồn thực.

Trong điệu múa có các biểu tượng âm dương kết hợp, mang ý nghĩa trời đất giao hòa; từ đó con người, vật nuôi, cây trồng sinh sôi, phát triển, thể hiện qua hoạt cảnh người đàn ông khỏe mạnh cầm khúc gỗ hình sinh thực khí múa cùng bà bóng.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng đề cập rằng không chỉ người Chăm/Chàm mà người Việt từ xưa cũng trọng tín ngưỡng phồn thực. Tại Phú Thọ có lễ hội “Linh tinh tình phộc”, trong đó có trò Trám, với việc mang 2 vật nõ – nường (biểu tượng sinh thực khí đàn ông và đàn bà) chọi  vào nhau 3 lần để cầu cho nòi giống sinh sôi, vạn vật nẩy nở là biểu hiện rõ nét tín ngưỡng ấy.

Có lẽ từ khởi nguyên cho đến mai sau, mọi vật vẫn tồn tại hai mặt âm – dương và triết lý về sự phồn thực, hay được coi là “năng lượng Sáng Tạo” (như quan niệm của văn hóa Chămpa). Đó là ví dụ điển hình về sự thừa tự mà sau quá trình phát sinh, phát triển và hủy diệt vẫn tồn tại, để lại nhiều suy tưởng cùng đời sống con người.

Còn nhiều giá trị văn minh, văn hóa khác mà thế hệ hôm nay cần thừa tự. GS. Cao Huy Thuần, một học giả uy tín về văn hóa và giáo dục, từng giảng dạy tại Đại học Picardie (Pháp), có lý khi cho rằng sự thừa tự là căn bản trong lịch sử các nền văn minh.

Vậy nên thời hiện đại này “nếu chạy theo “văn minh kỹ nghệ”, tiến bộ vật chất một cách mù quáng, không chừng ta thắp một cây hương cho tổ tiên nào không phải là của ta” (Thế nào là một dân tộc văn minh - Cao Huy Thuần).

Đã có nhiều đề án, chương trình phát triển văn hóa nhấn mạnh tính “kế thừa và phát huy” các giá trị bản sắc dân tộc, nhưng hình như mới chú trọng những thành tố văn minh vật chất mà chưa chú trọng đúng mức giá trị tinh thần.

Với các nền văn minh, văn hóa cổ xưa, nếu chỉ sót lại ít công trình vật thể để nay trùng tu, làm thành điểm đến du lịch văn hóa, vậy giá trị phi vật thể sẽ được thừa tự thế nào? 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thừa tự văn hóa, nghĩ từ linga-yoni
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO