Tiếng kêu thương trong mùa lũ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 18/10/2020 07:13

Mới qua vài cơn lũ đầu mùa mà đã dậy lên tiếng kêu thương khắp dải đất miền Trung. Mất mát thiệt hại đủ thứ, mà đau xót nhất là đã có hơn 50 người chết và mất tích. Bi kịch rơi xuống nhiều ngôi làng bị họa núi đè, nhiều hoàn cảnh thương tâm mồ côi cha, mồ côi mẹ, mồ côi con…  

Lũ từ mưa trời trùm xuống.

Lũ từ lòng người dâng lên.

Tiếng hú gọi hỏi còn ai không, có ai không giữa mênh mông hiện trường đất đá sạt lở ở Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), khiến ai nghe cũng rợn người, xót lòng, không cầm được nước mắt. Cuộc tìm kiếm những người gặp nạn đang ráo riết mà nghe chừng rất ít ỏi hy vọng sống. Cơn lũ lòng càng ngập lên những ai oán về chuyện phá núi, phá rừng làm thủy điện, ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên. Phía khác là những câu hỏi đau đáu về phương tiện cứu hộ cứu nạn chừng như quá ít năng lực để ứng phó kịp thời trong tình hình mưa gió bão bùng. Phía khác là những phương án cảnh báo, phòng ngừa, triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân còn có lỗ hổng dẫn đến thiệt hại về người và tài sản...

Bao nhiêu phận đời ở miền Trung chìm nổi trong lũ lụt mà tiếng hú gọi tên phải gọi đích xác là “bản hòa tấu bi thương của thiên tai và nhân tai”. Con người đã xâm hại thô bạo tự nhiên và bị trả thù. Trời cũng nghiệt ngã khi đổ xuống mưa bão, lũ lụt nối đuôi vào những vùng dễ bị tổn thương, thường là nơi còn nhiều người nghèo, từ vùng heo hút trên núi cao đến nơi trũng thấp. Họa núi đè với những cú trượt kinh hồn, lở cả quả đồi, sạt hết cầu đường cheo leo, thường diễn ra cả miền cao Tây Bắc, Tây Nguyên, và phía tây các tỉnh miền Trung. Quảng Nam đã từng có trận Khe Chữ còn lưu lại ký ức kinh hoàng. Và, trong cơn bão lũ vừa qua, sạt lở núi ở Tây Giang khá dữ dội. Trên địa bàn huyện này, Trường Võ Chí Công mới khánh thành, có khu nội trú bị đất đá sạt lở đe dọa phải di dời học sinh đi chỗ khác trú học; ngôi làng Aur nổi tiếng hiếu khách ở xã A Vương giờ đang bị cô lập vì tuyến đường độc đạo bị chia cắt. Hình ảnh sạt lở của phóng viên Báo Quảng Nam chụp tại Đại Lãnh (Đại Lộc) cho thấy cả nghìn khối đất đá đổ xuống vây quanh nhà dân, trông thật đáng sợ...  

Dẫu khó nghèo, thiên tai khắc nghiệt vậy sao dân không bỏ chạy đi? Tâm lý người miền Trung thường chọn cách bám trụ kiên cường, bởi đất không những là nơi để ở mà là cả quê hương và đời sống gắn bó bao đời, nên chỉ khi bất khả kháng mới phải bỏ quê mà đi. Còn những người con của miền này đi xa lại luôn ngóng về mỗi khi vào mùa bão lụt. Mấy ngày qua người viết này lại nhận được những cuộc hú gọi như thế từ người Quảng xa quê tìm hiểu thông tin để về cứu trợ. Các tổ chức thiện nguyện cũng ngay lập tức lên đường đi giúp đỡ bà con, thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn. Số tiền hàng cứu trợ tiếp tục đổ về Quảng Nam và miền Trung thông qua kênh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ cùng nhiều kênh khác.

Đại dịch Covid-19 rồi kế tiếp những cú đánh bồi của thiên tai bão lụt, khiến kinh tế dễ “nốc ao”, và hẳn số hộ nghèo, tái nghèo sẽ tăng nhiều thêm, nên lâu dài phải tính về sinh kế bền vững chứ không thể hỗ trợ, cứu trợ mãi được. Tuy nhiên, bây giờ, với đạo lý của người Việt là “lá lành đùm lá rách”, hay phát triển thêm “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, trước mắt rất cần sự chia sẻ gian nan với đồng bào miền Trung, gom góp những tấm lòng và hành động tương thân tương ái khắp cả nước.

Sau âm hưởng những tiếng hú gọi thương đau trong lũ lụt thiên tai hoạn nạn, thì “tiếng gọi bầy” rất cần có trong việc cứu trợ, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại, bởi cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cả cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng kêu thương trong mùa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO