Lễ truy điệu Bác Hồ trong nhà lao Hội An

LÊ NĂNG 11/05/2020 11:08

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào thời kỳ ác liệt, ngày 2.9.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Bằng tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Người, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng giải phóng đến vùng địch kiểm soát, ở đâu đồng bào chiến sĩ, quân và dân xứ Quảng cũng đã tìm cách tổ chức truy điệu, để tang Bác. Đặc biệt, trong nhà lao Xóm Mới (nhà lao Hội An), anh chị em tù chính trị vẫn tìm mọi cách để tang Bác với tấm lòng tôn kính nhất.

Lễ truy điệu Bác Hồ do Khu ủy 5 tổ chức ngày 9.9.1969 tại Sông Thanh, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (ảnh tư liệu).
Lễ truy điệu Bác Hồ do Khu ủy 5 tổ chức ngày 9.9.1969 tại Sông Thanh, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (ảnh tư liệu).

Truy điệu, để tang Bác trong lao

Liên tục các ngày 3 và 4.9.1969, ở nhà lao Xóm Mới, địch đóng kín, khóa chặt cửa phòng giam và tăng cường tuần tra canh gác nhằm giữ bí mật không cho tù nhân biết tin Hồ Chủ tịch qua đời. Các chế độ như ăn uống và sinh hoạt hằng ngày của tù nhân hầu như bị chúng cắt xén, song chúng không thể ngăn được dòng thông tin truyền đến. Thông qua chiếc radio của cơ sở ta trong hàng ngũ địch, Đảng bộ nhà lao nắm được tin Bác Hồ qua đời. Tin Bác mất đã gây niềm xúc động lớn trong cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt giam cầm trong nhà lao.

Sau khi nhận tin, Đảng bộ nhà lao nhanh chóng thông báo cho các chi bộ, tổ đảng và từng cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên biết và phát động các chi bộ Đảng trong nhà lao tìm mọi cách và bố trí thời điểm thích hợp để tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Kế hoạch chung là tổ chức trước khi địch mở cửa buổi sáng một tiếng đồng hồ. Hình thức tổ chức là đứng xếp hàng, mặc niệm và hát Quốc ca, sau đó là dùng khăn mặt bịt lên đầu. Trong trường hợp địch phát hiện, bắt bớ thì bằng mọi cách phải đấu tranh, không khai báo.

Theo kế hoạch, đúng 5 giờ sáng 6.9.1969, lễ truy điệu và để tang Bác Hồ được bí mật tổ chức tại các phòng nam tù nhân và nữ tù nhân. Việc tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ giữa bốn bức tường trong chốn lao tù thật khó khăn và cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng. Song với lòng kính yêu và tiếc thương vô hạn, những người tù yêu nước đã vượt qua hiểm nguy để tham dự buổi lễ truy điệu Bác. Tù nhân yêu nước với khăn trắng, đứng xếp hàng, hát Quốc ca và dành ba phút mặc niệm để tỏ lòng tiếc thương vô vàn đối với Bác.

Tuy buổi lễ truy điệu Bác được tổ chức bí mật, chớp nhoáng, song đến 6 giờ cùng ngày thì địch phát hiện, chúng cho bắt toàn bộ tù nhân bịt khăn trên đầu đem tra tấn nhằm tìm ra “kẻ chủ mưu”. Trước hành động của địch, anh em tù chính trị đã đấu tranh với lý lẽ sắc bén làm cho bọn giám thị phải đuối lý, song chúng tiếp tục giở trò đem số người đấu tranh phơi nắng dưới cột cờ ba ngày liền rồi mới cho về phòng giam.

Những tấm lòng nhớ Bác

Sau lễ truy điệu, trong niềm xúc động khôn nguôi, đồng chí Huỳnh Kim Vạn (nguyên Phó Chủ tịch xã Điện Phong, Điện Bàn) đã nén lòng sáng tác Điếu văn truy điệu Bác Hồ trong nhà lao Hội An. Bài điếu có nội dung như sau: “Tin sét đánh ngang tai đau đớn quá/ Tin Bác về xúc động cả tim tôi/ Bác Hồ ôi! Hỡi Bác Hồ ôi!/ Công đức Bác như trời cao biển rộng/ Bác mất đi - trời đất đều chuyển động/ Non sông nhà bao phủ một màu tang/ Bác mất đi cả thế giới bàng hoàng/ Nhân dân miền Nam chúng con đều cúi đầu rơi lụy/ Nhớ Bác xưa: Suốt đời Bác không một ngày an nghỉ/ Đông bôn Tây tẩu, gian khổ chẳng sờn lòng/ Tù đày không nản chí/ Xả thân vì đại nghĩa/ Chỉ vị quốc dân mưu/ Hai mươi lăm năm xây dựng lại cơ đồ/ Tả đột hữu xung/ Ra sức lãnh đạo toàn dân diệt ngoại xâm trừ nội phản/ Hơn hai mươi năm hai lần cứu nguy diệt loạn/ Thế giới phải ngạc nhiên/ Pháp, Hoa Kỳ đều choáng váng/ Dân tộc ta là dân tộc đại anh hùng/ Thế hệ chúng con là thế hệ của Bác Hồ Chí Minh/ Rất xứng đáng với con Hồng cháu Lạc/ Vững lèo lái chúng con nhờ có Bác/ Với thuyền nan đã chiến thắng cả ba đào/ Nhân dân miền Nam chúng con đang hoài vọng khát khao/ Quyết diệt giặc để Bác mau về miền Nam/ Chúng con thăm Bác/ Nào ngờ! Miền Nam Bác chưa về/ Bác lại về nơi thiêng liêng cực lạc/ Lòng chúng con vô cùng đớn đau tiếc thương/ Cho hay, nhứt đán vô thường/ Thương tiếc Bác chúng con nguyện vâng lời Bác dạy/ Hôm nay hơn ngàn bốn trăm người già, trẻ, gái, trai/ Cả thảy bị giặc bắt cầm tù tại “Trung tâm cải huấn” Hội An/ Đồng một lòng làm lễ cư tang, truy điệu Bác để tưởng nhớ công đức của vị cứu tinh dân tộc”.

Cũng tại nhà lao Hội An, trong năm 1969, có 6 chị em tù chính trị đã thêu bài thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ và được bí mật chuyển ra ngoài. Đến năm 1971, chiếc khăn thêu này được mang ra tặng Đại hội Đảng bộ thị xã Thanh Hóa lần thứ VIII. Bên ngoài nhà lao nhân dân cũng đã sáng tác thơ về Bác Hồ và Di chúc của Người đưa vào nhà lao làm tài liệu giáo dục chính trị cho tù nhân yêu nước, bài thơ có đoạn: “Non sông đất nước nghiêng mình/ Bốn nghìn năm đã kết tinh Bác Hồ/ Lòng con đau xót vô bờ/ Nghìn năm sau biết bao giờ cho nguôi…/ Theo lời Di chúc thiêng liêng/ Chúng ta thề quyết vươn lên không ngừng/ Quảng Đà nở rộ xuân mai/ Đà Thành chào đón đoàn quân tiến về/ Nhà máy bãi chợ bến xe/ Phố phường nổi dậy diệt tề, trừ gian/ Súng Bác Hồ tặng Hội An/ Hai mươi năm nắm vững vàng trong tay/ Quê ta giặc chết chồng thây/ Đồng xanh rợp bóng cờ bay dập dìu/ Bao nhiêu đau xót tình thương/ Bấy nhiêu sức mạnh phi thường chiến công/ Quê ta đất thép thành đồng/ Chờ ngày đại hội cho lòng nở hoa...” (Theo: Lịch sử đấu tranh cách mạng ở nhà lao Hội An (1947 - 1975), trang 209).

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, biến đau thương thành hành động cách mạng, anh chị em tù yêu nước ở nhà lao Xóm Mới đã liên tục đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù. Đặc biệt, kết hợp với phong trào đấu tranh ở bên ngoài, tối 27 rạng sáng 28.3.1975 quân ta tấn công giải phóng nhà lao Xóm Mới. Ngày 28.3.1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay phấp phới trên nóc nhà lao Xóm Mới, báo hiệu sự kiện nhà lao Xóm Mới được hoàn toàn giải phóng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lễ truy điệu Bác Hồ trong nhà lao Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO