Thấu hiểu để sẻ chia

THÀNH CÔNG 15/05/2020 04:40

Dày lên từ những chuyến đi, không chỉ là kinh nghiệm trong nghề, là những cuốn “sổ tay trợ giúp pháp lý” đều đặn ra đời như tài liệu quý về chuyên môn, mà còn ở hành trình lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ đối với từng người, từng nhà. Học tập tấm gương vì nhân dân phục vụ của Bác Hồ, những bước chân không mỏi, ngược xuôi từ ngôi làng vùng đồng bằng đến từng nóc nhà nơi miền ngược, cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (TGPLNN) tỉnh vẫn đang lặng thầm với bộn bề công việc.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tuyên truyền pháp luật tại xã A Xan, huyện Tây Giang. Ảnh: LÊ NGUYỄN
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tuyên truyền pháp luật tại xã A Xan, huyện Tây Giang. Ảnh: LÊ NGUYỄN

Mẫn cán vì dân

Chỉ vỏn vẹn 24 cán bộ, nhân viên, cùng với 6 chi nhánh, vừa đóng ở các huyện miền núi như Đông Giang, Bắc Trà My, Phước Sơn, vừa “cắm chốt” ở đồng bằng tại Đại Lộc, Thăng Bình, Núi Thành, từ nhiều năm nay, Trung tâm TGPLNN tỉnh đã trở thành nơi tìm đến mỗi khi cần sự hỗ trợ về pháp lý của đông đảo người dân. Nhưng, không chờ đợi để phục vụ, cán bộ của trung tâm đều đặn với lịch đi về cơ sở dày đặc bất kể mùa mưa nắng, bất kể xa xôi cách trở của địa hình. 

Khó, nhưng hình như quen với cái khó, cái khổ, nhất là của đồng bào ở vùng cao, nên những cán bộ nhân viên trung tâm không còn nghĩ đến vất vả của riêng mình. Đó cũng là điều họ học được từ tấm gương đạo đức của Bác Hồ, làm việc tận tụy, mẫn cán vì dân. Việc học Bác ở nơi này, cũng vì thế mà cụ thể từ từng phần việc giản đơn.

Ông Lê Văn Hương - Giám đốc Trung tâm TGPLNN tỉnh chia sẻ, một trong những nhiệm vụ chính của đơn vị là bảo vệ, bào chữa cho người thuộc diện chính sách, hộ nghèo, trẻ em, những người yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, đơn vị cũng là nơi tư vấn pháp luật, là đại diện ngoài tố tụng giải quyết các thủ tục hành chính bất cứ khi nào người dân có yêu cầu. Những chuyến đi dài, đều nhất, còn phải kể đến công việc truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, các vùng đặc biệt khó khăn, góp phần “giảm nghèo về mặt pháp luật” cho các địa bàn này.

“Tính bình quân, mỗi năm anh em có mặt, tổ chức trợ giúp pháp lý cho hơn 70 xã. Những nơi vùng sâu, vùng xa, bà con khó có điều kiện đi lại tập trung, chúng tôi vào tận thôn, tổ chức thêm vài chục buổi mỗi năm ở cấp thôn như thế. Có nơi đường ô tô bây giờ vào tận xã, nhưng cũng có nơi trợ giúp viên pháp lý phải đi bộ 3, 4 tiếng đồng hồ mới đến” - ông Hương chia sẻ.

Khó, nhưng hình như quen với cái khó, cái khổ, nhất là của đồng bào ở vùng cao, nên những cán bộ nhân viên trung tâm không còn nghĩ đến vất vả của riêng mình. Đó cũng là điều họ học được từ tấm gương đạo đức của Bác Hồ, làm việc tận tụy, mẫn cán vì dân. Việc học Bác ở nơi này, cũng vì thế mà cụ thể từ từng phần việc giản đơn. Như thực hành tiết kiệm, cả đơn vị cùng ý thức tiết kiệm chi phí hành chính, ứng dụng “số hóa” tối đa trong công việc. Phát huy sự đoàn kết trong tập thể, không phải hô hào suông, anh em sẵn sàng giúp nhau trong từng phần việc; đơn vị minh bạch về tổ chức, tài chính, công khai nội dung, kế hoạch công tác, từ đó cải thiện đời sống cho từng thành viên trung tâm…

Điểm tựa về pháp lý

Nếu như nhiều năm trước, đến 90% lượng công việc của đơn vị là tư vấn pháp lý lưu động, thì nay trung tâm tham gia các hoạt động tố tụng nhiều hơn, với trung bình gần 200 vụ việc mỗi năm. Áp lực đè nặng lên vai đội ngũ cán bộ trung tâm, phần lớn còn khá trẻ. Người mới học từ người cũ, tăng cường cho cán bộ tự học, nâng cao trình độ chuyên môn; nhiều năm liền, trung tâm hoàn thành chỉ tiêu vụ việc được cấp trên giao.

Để tăng cường “cầu nối” với đồng bào miền núi, người dân tộc thiểu số, trung tâm chủ động tuyển dụng hai cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số ở Đông Giang và Bắc Trà My, đào tạo để một người đã chính thức trở thành trợ giúp viên pháp lý, một người đủ điều kiện và đang chờ được công nhận là trợ giúp viên. Nhờ cái tâm, trình độ lẫn vốn hiểu biết về luật tục, văn hóa, hai cán bộ này đã giúp đỡ hòa giải khá nhiều vụ việc vừa hợp lý, hợp tình, vừa phù hợp với văn hóa của vùng cao.

Vài năm trước, trợ giúp viên của đơn vị cùng Tòa án nhân dân huyện Đông Giang tham gia hòa giải một vụ ly hôn “hy hữu” khi người chồng cũ đòi bồi thường… 300 triệu đồng theo luật tục, dù tòa án đã công nhận thuận tình ly hôn. Những quy định của pháp luật gần như “vô hiệu” với cái lẽ của người chồng: “Mình không biết luật Nhà nước, chỉ biết luật của đồng bào mình là ai bỏ chồng, bỏ vợ thì phải đền cho người kia”. Vừa giải thích, vận động, vừa nhờ trợ giúp của già làng để khuyên giải, cuối cùng, vụ ly hôn khép lại êm đẹp, người vợ cũ chỉ phải “đền” 10 triệu đồng thay vì khoản tiền 300 triệu đồng như đòi hỏi của anh chồng.

Có mặt trong nhiều phiên tòa, hòa giải, bào chữa thành công khá nhiều vụ việc, trong đó có những câu chuyện khá phức tạp, món quà họ nhận lại chỉ đơn giản là lời cám ơn chân tình từ người được giúp đỡ.

“Nguyên tắc làm việc đầu tiên và không thay đổi của chúng tôi, là không thu phí. Suốt hàng chục năm nay, cán bộ, nhân viên trung tâm làm việc bằng cái tâm của nghề, điều đó cũng đã thành một “thương hiệu”, một vị thế và uy tín được xác lập bằng cống hiến của biết bao thế hệ. Không nhũng nhiễu tiêu cực, không vòi vĩnh đòi hỏi, chúng tôi đến với người dân để trợ giúp, để Trung tâm TTGPLNN tỉnh tiếp tục là địa chỉ đáng tin cậy của người nghèo, gia đình chính sách, người yếu thế. Trung tâm luôn sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin, phản ánh từ người dân, từ đó hướng dẫn, giúp đỡ mọi nhu cầu về pháp lý trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm” - ông Lương Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm TTGPLNN tỉnh chia sẻ.

Những bước chân của trợ giúp viên pháp lý vẫn lặng lẽ đi về, không quản ngại xa xôi, không nề hà gian khó. Họ vẫn luôn ở đó, nơi những người dân đang cần…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thấu hiểu để sẻ chia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO