Biến nguy thành cơ

PHAN VINH 13/04/2020 11:30

Hầu hết doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để thích ứng với thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã biến nguy cơ thành cơ hội, áp dụng nhiều sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Anh Thành trong một video truyền thông hướng dẫn người dân cách chế biến thỏ. Ảnh: NVCC
Anh Thành trong một video truyền thông hướng dẫn người dân cách chế biến thỏ. Ảnh: NVCC

Thay đổi hình thức kinh doanh

Nuôi và phân phối sản phẩm thịt thỏ tươi cho các nhà hàng, quán ăn, đám tiệc trên khắp các tỉnh thành miền Trung lâu nay, trang trại “Thỏ xứ Tiên” của anh Nguyễn Thành (SN 1985, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) phát triển khá ổn định. Anh còn liên kết với 10 hộ chăn nuôi thỏ vệ tinh để đảm bảo nguồn cung.

Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, lợi nhuận của trại thỏ mỗi tháng đạt gần 20 triệu đồng, với hơn 4 tấn thịt thành phẩm được xuất bán ra thị trường. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2.2020, dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu ăn uống, đám tiệc của người dân giảm sút, trại thỏ của anh Thành bị ảnh hưởng đáng kể. Đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về cách ly toàn xã hội, các quán ăn, nhà hàng ngừng hoạt động thì anh Thành rơi vào bế tắc.

“Thỏ mình nuôi theo quy mô trang trại, sản lượng gối đầu lên nhau, đảm bảo nguồn cung thường xuyên ra thị trường, ngoài trang trại còn có các hộ liên kết. Thỏ thành phẩm không bán được, hàng ứ đọng. Doanh thu giảm, chi phí chăn nuôi liên tục tăng cao khiến chúng tôi vô cùng khó khăn” - anh Thành nói.

Trước thực tế này, anh Thành đã thay đổi hình thức kinh doanh, thay vì bán cho nhà hàng, quán ăn, anh phải ướp sẵn thịt thỏ hoặc đông lạnh để giao đến các hộ gia đình. Anh đầu tư mạnh hơn cho mảng thỏ cảnh, để đáp ứng thú chơi, giải trí của trẻ em khi ở nhà tránh dịch và các khu sinh thái.

Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi trùn quế, bán trùn chăn nuôi gia cầm và lấy phân bón cho rau củ quả, cải thiện bữa ăn cho thỏ, tiết kiệm chi phí.

Anh cũng chú trọng đầu tư truyền thông, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, dành thời gian tư vấn và chào hàng trực tuyến đối với các khách hàng tiềm năng.

Anh Thành chia sẻ: “Với những thay đổi này, chúng tôi sẽ có được lòng tin của khách hàng, tiếp cận được hình thức bán hàng mới, bền vững hơn. Ngoài ra còn chuẩn hóa được quy trình chăn nuôi khép kín, tiết kiệm tối đa vốn dành cho thức ăn”.

Kiện toàn lại doanh nghiệp

Cũng gặp không ít khó khăn trong đại dịch Covid-19 này vì sức mua sắm của người dân giảm sút, Hợp tác xã Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm của anh Phạm Văn Huệ thay vì “ngồi không một chỗ” chờ hết dịch thì đã bắt tay vào làm những việc cần thiết.

Anh Huệ cho biết, đơn hàng giảm, doanh thu hụt, việc sản xuất tạm ngưng, đây là khoảng thời gian mà đơn vị củng cố lại đội ngũ nhân viên, bàn giao quy trình cụ thể cho từng cá nhân. Dọn dẹp, sửa soạn lại cơ sở sản xuất và nâng cấp các thiết bị máy móc. Anh Huệ còn rà soát lại hồ sơ năng lực của hợp tác xã, để mạnh dạn tiếp cận được nhiều vốn vay hơn và tự tin tham gia các thị trường lớn khi dịch kết thúc.

“Lâu nay, Bảo Tâm liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp, hộ sản xuất ở các địa phương để thu mua nguyên liệu đầu vào, tuy nhiên hồ sơ, hợp đồng có nhiều điểm chưa chặt chẽ. Điều này đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua và thanh toán giữa 2 đơn vị. Đây là khoảng thời gian chúng tôi rà soát, kiểm tra và hoàn thiện các hợp đồng liên kết chặt chẽ về pháp lý để sau khi hết dịch, chúng tôi bắt tay ngay vào quy trình mới, hiệu quả hơn” - anh Huệ nói.

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và đời sống chung của toàn xã hội, doanh nghiệp rất khó khăn.

Trong bối cảnh này, cộng đồng khởi nghiệp vốn đã đối diện với nhiều khó khăn về năng lực, kinh nghiệm, thị trường, nguyên liệu… thì nay càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, cộng đồng khởi nghiệp nên xem giai đoạn này cũng như những khó khăn mà trước đây họ đã vững bước đi qua, biến thách thức thành cơ hội để vực dậy, phát triển sau khi dịch kết thúc.

“Cộng đồng khởi nghiệp chúng ta là những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ, mọi hoạt động đều có thể kiểm soát được. Vì vậy, ngay từ bây giờ, cộng đồng khởi nghiệp cần tận dụng tối đa thời gian, cấu trúc lại cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, lập kế hoạch, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chất lượng, mẫu mã, bao bì liên quan đến sản phẩm cho thật ấn tượng, đủ sức cạnh tranh và đúng quy định. Đồng thời xây dựng, áp dụng công cụ quản lý tiên tiến để hội đủ điều kiện, vươn lên đón đầu sau khi dịch kết thúc” - ông Sinh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến nguy thành cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO