Hỗ trợ phát triển mô hình khởi nghiệp

PHAN VINH 29/06/2020 11:39

Cuối tuần qua, các câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh tổ chức tham quan, tìm hiểu, tư vấn và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho một mô hình khởi nghiệp ở xã Duy Sơn (Duy Xuyên).

Vườn cây ăn trái của anh Cường hiện có hơn 10 loại, cho trái quanh năm. Ảnh: PHAN VINH
Vườn cây ăn trái của anh Cường hiện có hơn 10 loại, cho trái quanh năm. Ảnh: PHAN VINH

Cải tạo lại vườn

Mô hình kinh tế được các CLB khởi nghiệp sáng tạo đến thăm là khu vườn rộng hơn 3,5ha của anh Nguyễn Công Cường (SN 1987, thôn Trà Lý, xã Duy Sơn, Duy Xuyên). Ngoài việc trồng nhiều loại cây ăn trái, trong vườn của anh Cường còn có nhiều ao sen với tổng diện tích khoảng 1,5ha. Những năm qua, thu nhập từ cây sen và các loại cây ăn trái chỉ dừng ở mức ổn định, đủ trang trải gia đình. Ghi nhận những chia sẻ muốn mở rộng, phát triển mô hình của anh Cường, chiều 26.6, đại diện các CLB Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn đã đến thăm và tư vấn nhiều điều hữu ích.

Ông Phan Quang Tám (SN 1953, xã Điện Thọ), thành viên CLB Khởi nghiệp sáng tạo thị xã Điện Bàn, là người có kinh nghiệm nhiều năm trong phát triển kinh tế vườn và lai tạo, nhân giống cây ăn trái, chia sẻ khu vườn của anh Cường được khai hoang từ đất rừng đã nhiều năm nên đất đai cằn cỗi. Nếu như ở đồng bằng, người dân sau khi thu hoạch một vụ lúa đều dành thời gian cho đất nghỉ ngơi, chăm sóc và phục hồi dinh dưỡng bằng nhiều cách như rắc vôi khử trùng, ủ phân… Nhưng đây là đất núi, đá nhiều hơn đất nên việc cải tạo gần như rất khó, tốn chi phí, anh Cường đã không cải tạo mà trồng cây sau khi phát dọn rừng.

“Cây ăn trái trong vườn anh Cường không cho năng suất cao vì nhiều yếu tố: mật độ cây nằm sát với nhau, anh Cường chưa nắm cụ thể đặc điểm từng loại cây mà trồng theo kiểu tự nhiên... Vì vậy, để dinh dưỡng trong đất ít bị hao mòn phung phí, anh Cường nên chặt bỏ những loại cây không có hiệu quả kinh tế như cây mận và các loại cây đã suy. Thực hiện việc cắt tỉa cành để rễ không vươn rộng ra, ảnh hưởng đến những cây xung quanh. Làm nông nghiệp thông minh là phải chủ động, các loại cây mình trồng phải cho năng suất như mình mong muốn” - ông Tám nói.

Tạo nền tảng làm du lịch

Khu vực đồng sen Trà Lý, nơi anh Cường canh tác, đã không còn xa lạ với nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Tuy nhiên, dù mỗi khi đến mùa sen, du khách rủ nhau về đây “check-in” rất đông nhưng người dân địa phương vẫn chưa tạo được thu nhập từ du lịch. Anh Cường đã ấp ủ ý tưởng này khá lâu, với ý định dựa trên 3,5ha đất vườn và các ao sen của mình để làm khu du lịch sinh thái. Nhưng ý tưởng là một việc, anh vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, vì nơi đây còn nhiều khó khăn do lưới điện quốc gia chưa dẫn về được.

Anh Phạm Phú Hiển - Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Phú Hiển Lighting chia sẻ, công nghệ điện năng lượng mặt trời và hệ thống tích trữ điện hiện nay cho phép anh Cường có thể trang bị để phục vụ du lịch. Ước tính với công suất phục vụ cho 4 khu nhà chòi nằm tách biệt nhau, với mức đầu tư khoảng 250 triệu đồng cho hệ thống điện năng lượng mặt trời ở khu vực trung tâm hoàn toàn đảm bảo để anh Cường làm du lịch, không thua kém gì so với điện lưới quốc gia.

“Lợi thế ở đây là du khách chỉ đi chơi vào mùa nắng nên vấn đề tích trữ điện hoàn toàn khả thi để anh Cường làm du lịch. Phú Hiển Lighting cam kết sẽ tư vấn, hỗ trợ hết sức trong lĩnh vực chuyên môn của công ty để anh Cường thực hiện mô hình khởi nghiệp của mình” - anh Hiển nói.

Còn anh Phạm Khắc Thịnh - Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp sáng tạo thị xã Điện Bàn, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Miền Trung cho rằng, điều cần làm nhất ở mô hình khởi nghiệp của anh Cường là tạo nền tảng vững chắc về hạ tầng; trong đó chú trọng đầu tư cải tạo lại không gian vườn và đầm sen. Khởi nghiệp nông nghiệp gắn với du lịch phải thành lập được môi trường xanh, sạch và có nhiều sản phẩm du lịch.

“Ngoài thưởng ngoạn không gian thiên nhiên gần gũi thì du khách cũng mong muốn nhận được những dịch vụ khác, xoay vòng theo kiểu tới đây rồi thì ở đây có gì độc đáo? Chơi gì? Ăn gì? Mang cái gì về làm quà? Giải quyết được những câu hỏi này cũng giống như tạo nền tảng cơ bản để làm du lịch. Sau đó còn nhiều vấn đề khác như truyền thông quảng bá, thu hút du khách,… Các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Điện Bàn cam kết sẽ hỗ trợ cho anh Cường ở những lĩnh vực chuyên môn” - anh Thịnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ phát triển mô hình khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO