Khởi nghiệp, khi nào thì cần gọi vốn?

⁄NGUYỄN BÃO QUỐC (CEO BQ Training & Consulting Solutions) 03/08/2020 11:11

Tôi may mắn được tham gia rất nhiều diễn đàn khởi nghiệp, được gặp khá nhiều nhà đầu tư và cũng đã từng có vài lần gọi vốn (tuy chưa thực sự thành công) nhưng qua bài này, tôi muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm để các bạn trẻ khởi nghiệp, start-up biết và chuẩn bị hành trang cho mình nếu có gọi vốn.

Tác giả trong một buổi chia sẻ với các start-up về chủ đề “Bạn là CEO cuộc đời bạn!”. Ảnh: N.B.Q
Tác giả trong một buổi chia sẻ với các start-up về chủ đề “Bạn là CEO cuộc đời bạn!”. Ảnh: N.B.Q

“Bạn cần tiền để làm gì?”

Ai cũng biết rằng, khởi nghiệp thì thiếu rất nhiều thứ: từ kiến thức thị trường, kinh doanh, quản trị, rồi con người, máy móc, nguyên vật liệu…, nhưng một trong những cái thiếu lớn nhất của dân khởi nghiệp là thiếu vốn để làm ăn. Hơn 90% các bạn khởi nghiệp tôi gặp đều dành dụm tiền sau nhiều năm cố gắng đi làm công rồi ra mở doanh nghiệp, một số khác thì vay mượn cha mẹ, anh chị; một số người giải bài toán nhân lực và vốn bằng cách kết hợp bạn bè chơi với nhau để có cổ đông và tiền góp ban đầu, còn một số khác nữa thì vì quá đam mê nên vay ngân hàng và vay thẻ tín dụng để làm ăn…

Có một sự thật rằng, trong nhiều bạn trẻ khởi nghiệp rất ít người có kiến thức về tài chính nên họ không có khả năng xây dựng cho chính mình và mô hình kinh doanh theo đuổi một bài toán tài chính rõ ràng, vì vậy họ không tính được chính xác là khi nào sẽ tiêu hết số tiền ban đầu; cần đi trong bao lâu thì mới có sản phẩm và kế hoạch tung sản phẩm ra thị trường sẽ mất thời gian bao lâu và mất bao nhiêu tiền. Nên gần như phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung phần ngọn, cố gắng làm ra sản phẩm càng nhanh càng tốt, sau đó tập trung mạnh vào quảng cáo, bán hàng để có doanh thu rồi lấy tiền quay lại làm việc khác như xây lại hệ thống vận hành, kênh phân phối, nguồn nguyên vật liệu... Vẫn là bài toán “con gà và quả trứng”. Trả lời cho bế tắc này, phần lớn đều nói rằng “phải tranh thủ, chứ tiền mình đâu có đủ để làm” và họ cứ phải cuốn chiếu như vậy.

Trước khi thực sự gọi vốn, bạn phải trả lời được câu hỏi: “Bạn cần tiền để làm gì?”.

Sẽ có rất nhiều bạn thấy mình thiếu tiền khi khởi nghiệp, nào là thiếu tiền tuyển nhân sự, thiếu tiền nhập nguyên vật liệu, thiếu tiền chạy các chương trình marketing…, nhưng khi nhà đầu tư hỏi “Bạn cần tiền để làm gì?” thì nhiều người không trả lời được và cũng không biết cách để trả lời. Họ chọn những câu trả lời kiểu an toàn như: cần xây dựng hệ thống kênh phân phối; muốn tập trung marketing; muốn mở rộng sản xuất... Những câu trả lời kiểu áng chừng và chung chung như thế thì không ai thích cả và mọi việc sẽ chẳng đi đến đâu nếu bạn không có câu trả lời chính xác cho việc “Cần tiền để làm gì?”. Nếu mở rộng kênh phân phối thì hãy trình bày cụ thể cách thức bạn sẽ mở rộng như thế nào? Cần bao nhiêu nguồn lực? Hết bao nhiêu tiền và trong bao lâu? Nếu muốn tập trung vào marketing thì chiến lược 3 tháng, 6 tháng, 1 năm của bạn như thế nào, đẩy mạnh marketing những kênh gì? online hay offline? Cần chi bao nhiêu tiền?... Bạn cần phải biết và nắm chính xác từng bước như vậy.

Nhà đầu tư, họ là ai?

Sau nhiều lần giúp nhiều doanh nghiệp gọi vốn, tôi mới phát hiện một điều rằng toàn bộ kế hoạch đẹp đẽ của đa số các bạn mới chỉ ở trong đầu, nó chưa thực sự thành hình hài, nó chưa thực sự nghiêm túc được viết ra giấy những thứ như: Bạn kinh doanh - sản xuất sản phẩm gì? Mô hình kinh doanh của bạn là gì? Bản kế hoạch kinh doanh của bạn đâu? Thị trường của bạn ở đâu, Việt Nam, châu Á hay cả thế giới? Lợi thế cạnh tranh của bạn là gì? Lợi thế cạnh tranh ở sản phẩm, dịch vụ hay sự khác biệt trong kinh doanh? Nguồn nguyên liệu bạn ở đâu? Bạn cần dùng tiền vào những việc gì? Bao lâu thì bạn thu hồi vốn và bạn chia cho chúng tôi bao nhiêu?... Rất nhiều yêu cầu như vậy từ các nhà đầu tư, chứ không đơn giản theo kiểu ngày hôm nay bạn chạy về gặp mẹ và nói rằng “mẹ ơi! con cần tiền để làm ăn, mẹ có cho con mượn một ít, có con trả”.

Nhà đầu tư, họ là ai? Họ là những tổ chức hoặc cá nhân. Họ có kiến thức đầu tư, họ có kiến thức và bề dày kinh nghiệm kinh doanh và đặc biệt họ có tiền. Chọn nhà đầu tư như thế nào? Có rất nhiều phong cách đầu tư: Có người sẽ đầu tư cho bạn vốn và kiến thức, có người chỉ đầu tư vốn nhưng cũng có người muốn đồng hành với bạn để đưa ý tưởng đến thành công. Quan trọng là ở bạn, bạn phải xác định được năng lực hiện tại của mình, của team mình đang có thực sự cần gì ở nhà đầu tư.

Nếu bạn thiếu kiến thức và kinh nghiệm để triển khai thị trường hãy chọn nhà đầu từ cùng chiến đấu (ngoài việc góp vốn hãy mời họ vào vị trí điều hành, đồng sáng lập). Nếu bạn có một đội (team) thực sự mạnh có thể biến mọi ý tưởng thành hành động thì hãy kêu gọi đầu tư vốn. Nhưng nếu bạn muốn đưa tổ chức mình lên tầm cao mới mà thiếu hệ thống quản trị thì hãy chọn nhà đầu tư xứng tầm và có khả năng làm việc đó. Quyết định vẫn là ở bạn.

Làm thế nào để gọi vốn? Hiện tại có rất nhiều quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, từ nhiều vai trò như nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm, các vườn ươm doanh nghiệp, các công ty cố vấn doanh nghiệp… Bạn dễ dàng tìm thấy họ qua các diễn đàn khởi nghiệp và đầu tư, hoặc rất nhiều công ty môi giới cũng có những thông tin này. Bạn có thể tham dự các cuộc thi quốc tế như K - Startup Grand Challenge (Hàn Quốc), bạn có thể tham gia thương vụ bạc tỷ Shark Tank…

Thuyết trình trước nhà đầu tư, bước chốt sales này quan trọng. Bao nhiêu sự chuẩn bị đều dành cho bước này, đây là bước thuyết trình - đàm phán và bán hàng, bán ý tưởng của bạn cho nhà đầu tư. Thành bại hay không là nằm ở bước này. Bài thuyết trình của bạn phải thể hiện được những yếu tố sau: Ý tưởng kinh doanh của bạn giải quyết vấn đề gì cho xã hội? Tầm nhìn - sứ mệnh và giá trị cốt lõi của bạn là gì? Thị trường của bạn ở đâu, dung lượng như thế nào? Giải pháp khác biệt, lợi thế cạnh tranh của bạn là gì? Mô hình lợi nhuận của bạn như thế nào? Đội ngũ bạn gồm những ai, tiểu sử họ như thế nào? Bạn kinh doanh sản phẩm gì? Bạn cần bao nhiêu tiền, kế hoạch sử dụng tiền như thế nào? Doanh nghiệp của bạn là ai trong tương lai và đi về đâu?

Bài viết này tôi đã gợi ý cho bạn thấy toàn cảnh của bức tranh đi gọi vốn, nhà đầu tư, tiền rất quan trọng nhưng cũng có nhiều thứ còn quan trọng không kém. Vì vậy, trước khi thực sự muốn bước ra biển lớn hãy dành thêm thời gian học, đọc sách để tìm kiếm thêm kiến thức. Chỉ cần bạn cố gắng mỗi ngày một chút, hoàn thiện bản thân, hoàn thiện kỹ năng kinh doanh và bạn phải giỏi, lúc đó nhà đầu tư sẽ tìm đến bạn. Chúc bạn thành công!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp, khi nào thì cần gọi vốn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO