Bài toán điều hành ngân sách

TRỊNH DŨNG 15/09/2020 09:01

Kinh tế suy giảm. Ngân sách thâm hụt, có nguy cơ âm vào cuối năm. Bài toán điều hành ngân sách rất khó giải. Cân đối ngân sách linh hoạt là điều cần đặt ra một cách khẩn cấp.

Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch tái phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng khả năng ngân sách sẽ không đạt tiến độ dự toán. Ảnh: T.D
Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch tái phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng khả năng ngân sách sẽ không đạt tiến độ dự toán. Ảnh: T.D

Sụt giảm liên tục

Dù nhiều địa phương thực hiện giãn cách, phong tỏa, sản xuất công nghiệp tháng 8 vẫn gia tăng đến 2,6% so tháng trước, tăng 10,3% so cùng tháng năm trước. Song, điểm sáng này không đủ để lấp khoảng trống sụt giảm của 8 tháng đầu năm (theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp đã giảm gần 15% so cùng kỳ). Nặng nề nhất là ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan (giảm 39,5%), hóa chất (giảm 26%), sản xuất xe có động cơ (giảm 24,5%), chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (giảm 14%), dệt (giảm 10,6%)…

Trong tháng 8 ngành du lịch giảm đến 70% lượng khách lưu trú, 77% lượng khách tham quan... Thương mại, vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải... rơi vào tình trạng ảm đạm. Đầu tư công không gánh vác được sứ mệnh giải cứu nền kinh tế khi tỷ lệ giải ngân đến cuối tháng 8 chỉ đạt 39%/tổng kế hoạch vốn được phân bổ... Sản xuất, kinh doanh đình trệ. Nền kinh tế gần như bị tê liệt trong nhiều tháng đã đẩy nguồn lực ngân sách thiếu hụt.

Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho biết hiện có số ít nguồn thu tiệm cận tiến độ (thuế thu nhập cá nhân, môi trường…) nhưng tỷ trọng không lớn. Các nguồn thu khác đều không đạt tiến độ, nhất là ba nguồn thu lớn (ô tô, bia và thủy điện) chỉ bằng 49,2% dự toán (giảm 37% so cùng kỳ). Mỗi tháng phải thu 1.710 tỷ (theo kế hoạch) nhưng thực tế quá thấp.

“Hụt thu là điều đã được lường định kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Chính quyền, cơ quan quản lý hy vọng sẽ tái phục hồi kinh tế sau dịch bệnh lần 1 được kiểm soát. Song không ai nghĩ đến “kịch bản” dịch bệnh bùng phát lần thứ hai khiến mọi dự báo về thu ngân sách đều bị phá sản” – ông Chín nói.

Nguy cơ ngân sách bị âm

Nền kinh tế đã được tái kích hoạt vận hành. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng trong những tháng vừa qua để đạt doanh số, mở rộng sản xuất. Hyosung Tam Thăng đã đạt một thỏa thuận với ngành điện lực về một dự án trạm hạ thế 110kVA tại khu vực này để mở rộng công suất sản xuất.

Trường Hải đã cho xuất xưởng xe hơi du lịch, thâm nhập thị trường... Song, những thống kê thị trường cho thấy không dễ dàng gì có thể phục hồi, tái thiết nền kinh tế theo đúng kế hoạch. Nam Hội An đưa dự án vận hành ngày 28.6.2020, nhưng vắng khách quốc tế. Con số 700 tỷ đồng thuế thu từ dự án này theo kế hoạch của Quảng Nam khó có thể đạt được.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco dự đoán thị trường và sức mua những tháng còn lại của năm 2020 sẽ giảm 25%. Cho dù Thaco cam kết sẽ góp vào ngân sách Quảng Nam ít nhất 12.000 tỷ đồng (giảm 10% so năm 2019), nhưng trước sự bất ổn của thị trường, cam kết của Thaco khó trở thành hiện thực.

Không ai dự báo được khi nào dịch bệnh kết thúc hay sẽ còn tái bùng phát bất ngờ. Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay trong khi không có dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn gia nhập thị trường thì nhịp điệu sản xuất của doanh nghiệp vẫn chậm. Nhiều doanh nghiệp vẫn cho công nhân làm việc luân phiên, thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm ngừng sản xuất.

Ông Phan Văn Chín nói dự toán thu nội địa đã được ấn định 20.524 tỷ đồng, nhưng thu đã giảm đến 38% so cùng kỳ. Trong khi đó, chi thường xuyên không đạt dự toán (51,8%) nhưng chi cho con người, cho các đề tài đều tăng. Chính phủ, Quốc hội chưa điều chỉnh hay cắt, giảm thu chi. Trong khi đó, có quá nhiều lĩnh vực cần phải chi. Theo tiến độ thu này thì sẽ không đạt dự toán, nhưng chi vẫn không thể cắt giảm nên cuối năm nay ngân sách sẽ không còn tiền. Cân đối ngân sách linh hoạt là điều cần phải đặt ra một cách khẩn cấp. 

 Quảng Nam đang đứng trước bài toán khó giải trong việc điều hành ngân sách. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng khả năng sẽ hụt thu trầm trọng nên phải chủ động một phương án sẵn sàng cho suy giảm để cân đối điều hành ngân sách. Xác định một điều không để âm quỹ ngân sách bởi thiếu tiền không thể điều hành được.

“Đầu tư có thể chậm, có thể giãn hoặc dừng nhưng chi tiêu cho an sinh, bộ máy, con người buộc phải đảm bảo. Hiện đã sử dụng hết nguồn dự phòng. Nhưng vẫn cần nguồn dự phòng cho chống dịch và chống thiên tai” – ông Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài toán điều hành ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO