Bài toán thu chi ngân sách

TRỊNH DŨNG 26/03/2020 10:47

Con số hơn 20.500 tỷ đồng thu nội địa trong năm nay của Quảng Nam sẽ không dễ đạt được khi dịch Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc. Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng. Làm gì để cân đối ngân sách khi nguồn lực bị hạn chế là điều đang được tính toán!

Nền kinh tế bị suy giảm do dịch bệnh Covid-19 nên dự kiến thu ngân sách sẽ khó đạt kế hoạch. Ảnh: T.DŨNG
Nền kinh tế bị suy giảm do dịch bệnh Covid-19 nên dự kiến thu ngân sách sẽ khó đạt kế hoạch. Ảnh: T.DŨNG

Nguồn lực ngân sách sẽ suy giảm

Quảng Nam ấn định sẽ thu khoảng 20.524 tỷ đồng thuế nội địa năm 2020. Cụ thể, sẽ thu 720 tỷ đồng từ doanh nghiệp nhà nước trung ương, chủ yếu thủy điện (khoảng 385 tỷ đồng, xấp xỉ 53,5% tổng số thu từ khu vực này). Khoảng 3.000 tỷ đồng thu từ doanh nghiệp FDI, trong đó dựa vào sản lượng bia của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heneiken Việt Nam - Quảng Nam sẽ được thị trường tiêu thụ 150 triệu lít, góp vào ngân sách 1.500 tỷ đồng.

Ngoài ra sẽ có thêm số thu phát sinh mới từ Công ty TNHH Nam Hội An nộp thuế kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là casino khoảng 700 tỷ đồng. Thu từ sử dụng đất 1.500 tỷ đồng (tăng 50% so dự toán trung ương giao) được tính chủ yếu vào tiền sử dụng đất của dự án Nam Hội An và các dự án vùng đông Quảng Nam.

Khu vực quan trọng nhất cho ngân sách nhà nước là doanh nghiệp công thương nghiệp ngoài quốc doanh, dự kiến khoảng 11.863 tỷ đồng. Trong đó, số thu từ ô tô du lịch Trường Hải dự kiến 9.234 tỷ đồng (chiếm đến 72% của khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh)…

Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết chưa thể thống kê số thuế thu được tháng 3, nhưng số thuế thu được công bố vài tuần trước cho thấy sự bất lợi của ngân sách năm nay.

Theo ông Hưng, thu ngân sách không thể đạt tiến độ, giảm so cùng kỳ. Tiến độ thu trung bình 2 tháng phải đạt 16,6%, nhưng 2 tháng đầu năm chỉ khoảng 3.145 tỷ đồng, chỉ đạt 71,9% so cùng kỳ (2 tháng đầu 2019 thu 4.199 tỷ đồng), chỉ bằng 15,3% dự toán. Thu từ Trường Hải chỉ bằng 85%, thủy điện gần bằng 96% cùng kỳ năm ngoái… Chỉ có 3 địa phương tăng so với tiến độ chung là Điện Bàn nhờ thu từ bia, còn Nam Trà My và Hiệp Đức nhờ thu từ tiền đất…

Điều đáng nói, hầu hết nguồn thu đều giảm so với 2019, đặc biệt khu vực ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn cũng chỉ thu 641 tỷ đồng (bằng 58,8%) đều được cho là chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ông Hưng khẳng định thu thuế sẽ giảm vì nền kinh tế gặp khó khăn, nhưng hiện thời chưa thể định lường được. Phải mất vài tháng sau mới có thể thống kê được sự tác động của dịch bệnh dẫn đến sụt giảm nguồn thu ngân sách. Dịch Covid-19 khiến dự kiến thu ngân sách Quảng Nam năm 2020 bị “sụp đổ”. Không chỉ nền kinh tế suy giảm, những chính sách giải cứu doanh nghiệp đã ban hành (có cả miễn, giãm, hoãn thuế…) sẽ tác động mạnh đến kế hoạch thu ngân sách năm nay.

Tính toán chi ngân sách

Theo ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính, chưa thể nói trước nhưng chắc chắn sẽ khó đạt chỉ tiêu thu ngân sách bởi các nguồn thu chủ lực đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một số nguồn thu đã có trong dự toán nhưng chưa phát sinh. Khó sẽ chồng lên khó.

“Đây là khó khăn rất lớn trong cân đối ngân sách mà chưa năm nào Quảng Nam đứng trước tình cảnh này. Thu cân đối ngân sách năm 2019 vẫn hụt 1.200 tỷ đồng nhưng cho đến giờ vẫn chưa có phương án bù 1.200 tỷ đó, lại tiếp tục hụt thu, ngân sách lại sẽ càng khó khăn hơn” - ông Chín nói.

Trước tình cảnh cân đối ngân sách chắc chắn sẽ bị căng kéo, theo ông Chín, một trong những phương án cần đưa ra là sẽ cắt giảm chi tiêu để bảo đảm cân đối ngân sách và phù hợp với tình hình thực tế trong trường hợp dự báo thu không đạt dự toán. Mọi khoản chi cơ bản thiết yếu vẫn phải được bảo đảm. Ngay như phòng chống dịch (không hề dự lường trong chi ngân sách) đã bố trí hơn 70 tỷ đồng, còn có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng. Các ngành, các cấp phải sắp xếp chi tiêu trong dự toán được giao và phải hoàn tất phân bổ ngân sách đã bố trí trong dự toán thu chi ngân sách năm 2020 ngay trong tháng 3.

“Hạn chế thấp nhất việc phát sinh ngoài dự toán, trừ việc chi cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Tạm thời không đề ra chính sách tăng chi khi chưa cân đối được nguồn và không đề ra chính sách giảm thu ngân sách. Giữ nguyên dự toán thu chi trong trường hợp từ nay đến cuối tháng 6. Nếu thu ngân sách không đạt, buộc phải cắt giảm nhiệm vụ chi tương ứng để bảo đảm cân đối chi” – ông Chín nói.

Một khi nguồn lực tài chính địa phương không đủ chi tiêu thì yêu cầu cao nhất là phải phân bố các khoản chi ngân sách hiệu quả, tự chủ khai thác nguồn tài chính hợp lý, tạo ra động lực phát triển cân đối, tạo sức bật cho từng địa phương. Nhưng để thực hiện điều này không hề dễ. Có lẽ phải cần đến một “cuộc cách mạng” từ những người làm chính sách vì tăng chi dễ, giảm chi lại rất khó.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu tiết kiệm tối đa kinh phí chi thường xuyên, cắt giảm mạnh những khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách. Không đề xuất, bổ sung các đề án, chương trình hay ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhưng không có nguồn đảm bảo. Kiên quyết không giải ngân những khoản chi không đúng chế độ, chính sách, không có trong dự toán, trừ kinh phí dành cho chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khuyến cáo phải cụ thể hóa các giải pháp khả thi hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp, giải cứu người đóng thuế, ưu tiên thực hiện nhanh nhất, tiếp thêm lực cho cộng đồng vượt qua khủng hoảng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài toán thu chi ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO