Báo Séc: Việt Nam - điểm sáng trong phòng chống Covid-19 và tăng trưởng kinh tế

QUỐC HƯNG 24/01/2021 15:21

(QNO) - Trang báo điện tử halonoviny của Cộng hòa Séc số ra mới đây có bài viết ca ngợi thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch và phát triển kinh tế.

Cảng biển Chu Lai, Quảng Nam. Ảnh: VTV
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng thành công nhất trên thế giới trong 5 năm qua. Trong ảnh: Cảng biển Chu Lai ở Quảng Nam. Ảnh: VTV

Điểm sáng ứng phó đại dịch Covid-19

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ vị thế quốc tế ngày càng tăng. Những năm gần đây, Việt Nam đạt nhiều thành tựu ấn tượng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, chính sách đối ngoại và kiểm soát vi rút corona.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, Việt Nam có thể kiểm soát được dịch. Việt Nam có dân số xấp xỉ 100 triệu người, nhưng tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do Covid-19 ở mức rất thấp (đến nay có hơn 1.500 ca nhiễm và hơn 30 ca tử vong).

Vì vậy, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt. Nhờ thành công trong việc ứng phó với dịch Covid-19, Việt Nam hỗ trợ kịp thời hàng tấn khẩu trang và trang thiết bị y tế phòng chống dịch cho các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á và nhiều nước tại châu Âu.

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia đến nay kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Ảnh: gettyimage
Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia đến nay kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Ảnh: Gettyimage

Tăng trưởng kinh tế cao

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng thành công nhất trên thế giới trong 5 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng ở mức cao. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, dù hầu hết nước trên thế giới tăng trưởng âm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng gần 3%.

Đặc biệt, Việt Nam đã nỗ lực, tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển đất nước; đã ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Vai trò ngày càng tăng trên trường quốc tế

Chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế góp phần tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã nỗ lực, chủ động tăng cường các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương.

Trong 5 năm qua, Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2017 và Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên vào năm 2019.

Đặc biệt, trong năm 2020, bất chấp tình hình thế giới nói chung đầy khó khăn và thách thức, Việt Nam hoàn thành tốt trong vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Những thành công đạt được trong thời gian qua đặt nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đồng thời cho thấy ngày càng là một đối tác tiềm năng quan trọng trong quan hệ quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo Séc: Việt Nam - điểm sáng trong phòng chống Covid-19 và tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO