Đà Nẵng định hướng đột phá phát triển kinh tế

THANH BÌNH 19/10/2020 08:50

Đà Nẵng khẩn trương xây dựng hạ tầng khu công nghệ cao (KCNC), các khu công nghiệp (KCN),  xúc tiến đầu tư  trực tuyến, phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin (CNTT)… Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá Đà Nẵng đặt ra trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Tập đoàn LG - Hàn Quốc vừa chọn Đà Nẵng làm trung tâm nghiên cứu và phát triển. Ảnh: N.T.B
Tập đoàn LG - Hàn Quốc vừa chọn Đà Nẵng làm trung tâm nghiên cứu và phát triển. Ảnh: N.T.B
Đột phá hạ tầng

Đà Nẵng vừa khởi công dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 704 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm công nghệ thông tin. Đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.Đà Nẵng lần thứ XXII, có ý nghĩa  khắc phục ảnh hưởng dịch Covid-19, đẩy nhanh đầu tư công, phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao - CNTT, tạo nền tảng thúc đẩy nền kinh tế số theo Nghị quyết số 43-NQ/TW  của Bộ Chính trị.

Theo ông Phạm Trường Sơn - Trưởng ban Quản lý KCNC & các CNC Đà Nẵng, đến nay KCNC Đà Nẵng đã hoàn thành giai đoạn 1 (đạt 98%) và giai đoạn 2 (đạt 90%). Khu phụ trợ dự án KCNC Đà Nẵng thi công được 70% khối lượng, sẽ hoàn thành trong quý I - 2021. Đà Nẵng đang lựa chọn nhà đầu tư cho 3 dự án KCN mới gồm: KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Ninh, với tổng diện tích hơn 880ha, chi phí đầu tư 14.000 tỷ đồng. Khi 3 KCN này đi vào hoạt động, cùng với  KCN hỗ trợ KCNC, thành phố có tổng cộng 10 KCN với  diện tích  2.2002ha. “Bên cạnh xây dựng kết cấu hạ tầng cứng, chính quyền thành phố cũng chú trọng nâng cao chất lượng “hạ tầng mềm”. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 thu hút 1 - 2 dự án FDI vào KCNC Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD” - ông Phạm Trường Sơn nói.

Xúc tiến đầu tư trực tuyến

Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù phải chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19, các KCN & KCNC Đà Nẵng vẫn thu hút được 13 dự án đầu tư. Trong đó, có 1 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD (chiếm gần 45% nguồn vốn FDI thu hút toàn thành phố); 11 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 1.251 tỷ đồng (tăng gấp gần 4 lần so cùng kỳ 2019); 11 lượt điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn tăng xấp xỉ 20 triệu USD.

Ngay từ đầu tháng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp tại Việt Nam, chính quyền Đà Nẵng đã chủ động thích ứng bằng cách số hóa hoạt động xúc tiến đầu tư, sử dụng hình thức trực tuyến - online. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước ứng dụng CNTT để xúc tiến đầu tư trực tuyến. Thành phố cũng tăng cường số hóa thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục để tìm hiểu, đầu tư qua hệ thống một cửa trực tuyến. Bằng hình thức trực tuyến, ngày 22.9 vừa qua TP.Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê trong KCNC Đà Nẵng của Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (Tập đoàn Saigontel) có quy mô 15ha với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng.

Ông Phan Thành Tâm - Phó ban Đầu tư Tập đoàn Saigontel cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các bước nộp hồ sơ của Saigontel và xét duyệt của TP.Đà Nẵng đều thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Đơn vị cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cũng như các ban ngành thành phố. Đây là những điểm cộng của chính quyền Đà Nẵng trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bà Huỳnh Phương Liên - Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, để tiếp tục thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Đà Nẵng, ban đã tổ chức các hội thảo trực tuyến làm việc với các thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan, Nhật Bản,… Công tác xúc tiến đầu tư được thực hiện đa dạng qua các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu trực tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu cơ hội đầu tư ở Đà Nẵng trên các phương tiện thông tin đại chúng uy tín trong và ngoài nước.

Ông Jung Seung Min - Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi tại Việt Nam (Tập đoàn LG - Hàn Quốc tại Việt Nam) chia sẻ: “Chúng tôi ấn tượng với tầm nhìn của Đà Nẵng trong thời gian tới về phát triển CNTT và phát triển linh kiện, không chỉ còn tập trung vào mảng du lịch và dịch vụ. Tập đoàn LG chọn Đà Nẵng để tạo một “câu chuyện mới” về nghiên cứu và phát triển điện tử. Chúng tôi rất tin tưởng vào sự hỗ trợ của TP.Đà Nẵng và cam kết tạo nên “câu chuyện thành công”. Mong muốn của chúng tôi là tạo lên một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) hàng đầu Việt Nam tại Đà Nẵng”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đà Nẵng định hướng đột phá phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO