Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp

NGUYỄN SỰ 21/02/2020 15:56

(QNO) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay 21.2. Tham gia tại điểm cầu Quảng Nam có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, lãnh đạo ngành liên quan, chính quyền các địa phương và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và lãnh đạo các ngành, địa phương tham gia hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Nam vào sáng nay 21.2. Ảnh: VĂN SỰ
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và lãnh đạo các ngành, địa phương tham gia hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Nam vào sáng nay 21.2. Ảnh: VĂN SỰ

Chuyển biến tích cực

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, những năm qua cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại, mang tầm của khu vực và thế giới như chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra...

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, tăng trưởng công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ngành nông nghiệp và đóng góp quan trọng vào việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản. “Trong vòng 10 năm trở lại đây, bình quân hằng năm giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng khoảng 8 - 10%. Theo thống kê, năm 2019 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta đạt 41,3 tỷ USD. Sản phẩm chế biến nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 186 nước và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...” - ông Cường nói.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, thời gian qua công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới. “Các nhà máy chế biến nông - lâm - thủy sản phần lớn được xây dựng ở khu vực nông thôn đã đóng góp tích cực trong việc cải thiện bức tranh kinh tế - xã hội nông thôn. Theo đó, ở nhiều địa phương đã hình thành các thị trấn, thị tứ tại khu vực xây dựng những nhà máy chế biến. Đặc biệt, các nhà máy chế biến nông - lâm - thủy sản đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà đa số là con em nông dân với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng” - ông Cường nhìn nhận.  

Đối với lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm qua trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp trên toàn quốc tăng khá nhanh. So với năm 2011, trong năm 2019 số lượng máy kéo của cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%. Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp của nước ta đạt khoảng 2,4 mã lực/1ha canh tác. Thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, 6 năm qua toàn quốc có 33.650 đơn vị, cá nhân được vay ưu đãi với tổng số tiền 11.300 tỷ đồng để mua sắm hơn 25 nghìn máy móc, thiết bị nông nghiệp các loại...

Tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa bình quân của tỉnh đã đạt hơn 80%. Ảnh: VĂN SỰ
Tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa bình quân của tỉnh đã đạt hơn 80%. Ảnh: VĂN SỰ

Trong khi đó, tại Quảng Nam, hằng năm ngành nông nghiệp của tỉnh cung cấp cho thị trường hơn 100 nghìn tấn sản phẩm thủy sản, hơn 270 nghìn tấn rau củ quả và hơn 60 nghìn tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Bình quân mỗi năm, tổng sản lượng thủy sản chế biến của tỉnh gần 11 nghìn tấn, sản lượng chế biến dăm gỗ gần 930 nghìn tấn. Hiện nay, trên địa bàn Quảng Nam có khoảng 34 cơ sở chế biến nông sản như chuối, ớt, măng... Cạnh đó, cả tỉnh có 7 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, phần lớn đã áp dụng công nghệ và thiết bị chế biến hiện đại.

Đối với lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, thực hiện Quyết định số 33/QĐ-UBND (ngày 17.11.2011) của UBND tỉnh, thời gian qua các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương của tỉnh đã tiến hành giải ngân gần 38 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã có điều kiện đầu tư mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, hiện nay tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch lúa bình quân trên toàn tỉnh đạt hơn 80%...

Nhiều hạn chế

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản trên cả nước còn bộc lộ không ít tồn tại. Theo đó, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng và chất lượng, ngoại trừ một số ngành hàng đã tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu như mía đường, cá tra, tôm. Bên cạnh đó, khả năng chế biến đối với không ít ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ như rau quả, gây tổn thất sau thu hoạch.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Nhìn chung, trình độ công nghệ chế biến của nước ta mới chỉ đạt mức trung bình của thế giới; nhiều cơ sở chế biến của một số ngành hàng như cao su, chè, sắn... có tuổi đời hơn 15 năm với thiết bị cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. Cần nói thêm, do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đủ chất lượng nên tỷ lệ tổn thất nông sản sau thu hoạch của nước ta còn khá lớn, khoảng 10 - 20%. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, chiếm tỷ lệ khoảng 70 - 85%; còn sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15 - 30%”.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hệ thống Logistics (hậu cần) phục vụ nông nghiệp mới phát triển nên còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như, chuỗi cung ứng lạnh còn thiếu và yếu nên chưa đáp ứng các ngành hàng và các thị trường khác nhau; các thiết bị đầu tư của nhiều doanh nghiệp hậu cần thiếu đồng bộ, rõ nhất là thiếu kho bãi tại vùng sản xuất và cửa khẩu. Đặc biệt, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.

Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ... chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn sản xuất - kinh doanh. Nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban hành (như Nghị định số 57/2018/NĐ-CP và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ) còn hạn chế nên hiệu quả chính sách không cao. Vấn đề đáng nói nữa là, trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến nông sản còn thấp, số lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn...

Đối với lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và nhiều ý kiến khác nhìn nhận rằng, mức độ cơ giới hóa một số khâu còn thấp; trang bị động lực bình quân trên héc ta đất sản xuất còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, chẳng hạn như chỉ bằng 40% so với Thái Lan. Cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển khiến giá vật tư, trang thiết bị cao vì phải nhập khẩu nhiều. Đặc biệt, việc triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp còn chưa hiệu quả do nguồn lực tài chính hạn chế, thủ tục còn rườm rà...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngành, các cấp thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh. Theo đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và theo nhu cầu của thị trường. Đầu tư cơ giới hóa theo chuỗi giá trị và tập trung vào những sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng - vật nuôi; phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu và thị hiếu thị trường để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo cung ứng cho các cơ sở chế biến hoạt động đúng công suất thiết kế. Đối với thị trường xuất khẩu, các cấp, các ngành và các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường; cập nhật thông tin về chính sách thương mại và tiêu chuẩn, quy chuẩn của từng thị trường để xây dựng chiến lược, đề án phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản chủ lực. Đối với thị trường trong nước, phải thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển hạ tầng thương mại và hệ thống Logistics kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, cần tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào khâu sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Đặc biệt, quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới, bổ sung, xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO